26 biệt thự giữa Thủ đô xây xong mới xin phép: 'Chạy theo' công trình vi phạm?

26 căn biệt thự tại dự án Khai Sơn Hill (Long Biên – Hà Nội) xây gần xong mới bị phát hiện không có giấy phép xây dựng, đến nay đã được cấp phép. Trong khi đó Bộ Xây dựng khẳng định, tất cả các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng phải được xử lý.

Sau nhiều tháng quá thời hạn thay vì tiến hành tháo dỡ, cưỡng chế theo quy định, 26 biệt thự không phép đã được cấp giấy phép xây dựng.

Phạt hành chính 80 triệu, cấp giấy phép xây dựng

Như đã phản ánh về việc 26 căn biệt thự tại dự án Khai Sơn Hill được thi công khi chưa có giấy phép xây dựng (GPXD). Đặc biệt, chính quyền sở tại chỉ phát hiện ra sai phạm khi chủ đầu tư đã xây xong phần thô.

Điều đáng nói, dù ngày 14/11/2017, UBND quận Long Biên đã có quyết định xử phạt 80 triệu đồng, yêu cầu đình chỉ thi công tại dự án xây dựng Khu nhà ở thấp tầng TT1, biệt thự Khai Sơn Hill và yêu cầu trong thời hạn 60 ngày nếu chủ đầu tư không xuất trình giấy phép xây dựng thì bị cưỡng chế phá dỡ.

Tuy nhiên, sau nhiều tháng dù quá thời hạn tối đa trên thay vì tiến hành tháo dỡ, cưỡng chế theo quy định, ngược lại 26 biệt thự không phép trên vẫn tồn tại.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với VietNamNet, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (trước đó là Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, Nghị định 180/2007/NĐ-CP), tất cả các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng (như xây dựng không phép; sai phép; sai thiết kế, sai quy hoạch xây dựng được phê duyệt hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng) phải được xử lý.

Trong khi đó, thông tin mới nhất liên quan đến 26 biệt thự không phép này, theo một nguồn tin của VietNamNet, đến nay các công trình đã được cấp giấy phép xây dựng.

Làm rõ trách nhiệm chính quyền

Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Liêm Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, vấn đề cần nhìn nhận là việc xây dựng đâu phải là chuyện làm xong trong một, hai ngày. Vậy tại sao lại xây dựng được như vậy?

“Thẳng thắn mà nói ở đây không phải chỉ là trách nhiệm của chủ đầu tư mà còn có trách nhiệm của chính quyền. Sao lại chỉ xử lý trách nhiệm của người chủ đầu tư. Chính quyền, các cơ quan chức năng lập ra là để giám sát pháp luật. Chủ đầu tư sai phải xử lý nhưng chính quyền ở đấy cũng phải xử lý. Thế mới đúng và công bằng”, ông Liêm nói.

Cùng quan điểm trên, luật sư cũng cho rằng đây là trường hợp vi phạm mà một phần trách nhiệm cũng thuộc về các cơ quan chức năng có thẩm quyền, không chứng tỏ được năng lực quản lý dẫn tới tình trạng như hiện nay. “Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ, đã quy định rõ các công trình đang xây dựng sai chỉ giới xây dựng, cơi nới, lấn chiếm sẽ bị tháo dỡ ngay. Còn đối với công trình đang triển khai xây dựng và không vi phạm các yếu tố trên, sẽ có 60 ngày để bổ sung thủ tục, nếu quá thời hạn trên, không có đầy đủ hồ sơ sẽ bị tháo dỡ những phần xây dựng sai phạm. Việc xử lý không nghiêm sẽ tạo ra nhiều tiền lệ xấu”, vị luật sư phân tích.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Sỹ Liêm, nếu chỉ phạt hành chính rồi cho tồn tại thì không có tác dụng răn đe, tạo sự công bằng đối với các doanh nghiệp, chủ thể khác. “Chỉ phạt hành chính vài chục triệu, 100 triệu thì có nghĩa lý gì so với nhà biệt thự hàng chục tỷ đồng. Nếu chỉ phạt hành chính thôi rồi cho tồn tại thì không có tác dụng răn đe sau này cứ tiếp tục vi phạm rồi lại nộp phạt hành chính, vi phạm, phạt rồi cho tồn tại... Cứ như vậy sẽ tạo tiền lệ xấu chạy theo cái sai của vi phạm”, ông Liêm phân tích.

Theo VietnamNet

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/du-an/26-biet-thu-giua-thu-do-xay-xong-moi-xin-phep-chay-theo-cong-trinh-vi-pham-3456183.html