25000 USD không phải là vỏ hến !

Làng showbiz Việt lại một phen sóng to gió cả và nỗi buồn không chỉ riêng ai. Thông tin và hình ảnh á hậu, MC, ca sĩ... bán dâm tràn ngập báo chí và mạng xã hội. Số tiền một giờ đi khách trung bình từ 7000-25000USD khiến dư luận sốc nặng. Đành rằng cái đẹp thì vô giá, nhưng bán dâm thì có giá. Số tiền 25000 USD là gần 600 triệu đồng không phải là vỏ sò vỏ hến.

Ngày xưa, phụ nữ nhà lành thì phải công dung ngôn hạnh. Nhưng hoàn cảnh xã hội xô đẩy thì xuất thân từ bất cứ tầng lớp nào cũng có thể rơi vào đoạn trường thân phận. Thúy Kiều bán mình chuộc cha, 15 năm chìm nổi hết rơi vào bàn tay Sở Khanh lại sa vào lầu xanh Tú Bà. Mấy trăm năm trước đã có nghề thanh lâu, thì thời hiện đại chuyện mua bán dâm đâu có gì phải lạ? Lạ là ở người đẹp bình thường bán dâm, người ở đỉnh cao các cuộc thi sắc đẹp, thì hẳn tiền không ít, cần phải gìn giữ danh dự hơn bao giờ hết cũng bán dâm. Nhưng, trong những trường hợp này, sức mạnh đồng tiền quả là ghê gớm vẫn đánh bại được mọi thứ. Có lẽ vì thế từ ngày xưa Nguyễn Du đã phải thốt lên ai oán: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Hoa hậu, á hậu, dĩ nhiên là người đẹp, là đỉnh cao sắc đẹp của một một cuộc thi nhan sắc. MC là người của công chúng. Sự lựa chọn và tôn vinh này bao giờ cũng kì công và gian nan. Để vươn đến vị trí ấy, các nàng phải có những phẩm chất hơn người thường. Nhan sắc. Trình độ văn hóa. Và cả sự may mắn. Tất cả tạo nên giá trị của một con người. Ai cũng có ý thức về cái đẹp và vị trí của mình. Người biết sử dụng cái đẹp của mình đã được định giá, được dán nhãn để làm tăng giá trị, người thì tự kéo mình xuống vũng bùn lầy không lỗi thoát. Rất nhiều người cứ băn khoăn đặt câu hỏi: Vì sao đã ở đỉnh cao danh vọng hoa hậu, á hậu rồi mà còn phải đi bán dâm? Họ có thiếu tiền lắm đâu?

Ngày 7.9, Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Sắc đẹp hoàn mỹ toàn cầu 2017 đưa ra quyết định thu hồi danh hiệu hoa hậu đối với Thư Dung do chụp ảnh phản cảm và đang bị Công an TP.HCM điều tra.

Thực ra, có dăm bảy đường hoa hậu, á hậu. Hoa hậu toàn cầu, hoa hậu trái đất, hoa hậu thế giới, hoa hậu quốc gia.... Lại có cả hoa hậu ao làng. Thời của hoa hậu Bùi Bích Phương trong sáng với vẻ đẹp lung linh dường như mãi mãi chỉ còn trong kí ức. Đã đến thời hoa hậu nhàm chán, buồn nản, hoa hậu mất giá mất thiêng. Tiếc thay, những hoa hậu đẹp thật sự cả ngoại hình và tâm hồn cũng bị xấu lây, bị mang tiếng. Người ta nói: Ban tổ chức nào thì hoa hậu ấy. Những năm gần đây, kinh tế thị trường xông vào từng ngõ ngách phố nghèo, từng xóm thôn hẻo lánh, thì không có cái gì thoát khỏi thị trường. Đấu trường sắc đẹp không còn tính khách quan, hồn nhiên trong sáng nữa. Ngoài các cuộc thi hoa hậu tầm cỡ quốc gia đến quốc tế chính hiệu, người ta nghĩ ra đủ các cuộc thi sắc đẹp. Sắc đẹp bị vụ lợi vào mưu đồ kiếm tiền hơn là tôn vinh giá trị. Thật là buồn nản khi hoa hậu không còn là quý hiếm, hoa hậu không còn là giá trị để tôn vinh, vì nể, nâng niu nữa. Đó đây, bắt gặp ánh mắt coi thường, dè bỉu, chê bai hoa hậu. Cái đẹp thật sự và tâm hồn thánh thiện rất có thể bị cái đẹp giả và tâm tối lấn át, đè bẹp. Cái thật bị vùi dập, còn cái giả lên ngôi. Sản phẩm của các cuộc thi sắc đẹp là sản phẩm tồi bởi giá trị thật bị đánh tráo. Vì thế, hoa hậu, á hậu đi bán dâm cũng chẳng có gì lạ. Con người ở giá trị nào, thì có cách hành xử tương ứng.

Người đẹp chắc hẳn là... đẹp. Dù có là hoa hậu ao làng thì cũng đã qua một cuộc thi, qua sự lựa chọn tương đối. Dù có gian dối, vụ lợi người ta cũng chỉ có thể đưa người đẹp ở top 5 top 10 lên số một, chứ không thể ngang nhiên, trắng trợn đến mức đưa số 20 lên ngôi hậu. Cũng như MC phải qua lựa chọn, không thể đưa một nàng giọng nói hay mà “xấu ma chê quỷ hờn” lên màn hình vô truyến. Vì thế, đã là hoa hậu, á hậu, hoa khôi, á khôi, MC... mặc nhiên phải đẹp, cái đẹp theo một tiêu chí nào đó. Đẹp thì vô giá. Nhưng, bán dâm thì có giá. Giá cao, giá thấp theo giá trị thực của cái đẹp và theo điều tiết của kinh tế thị trường. Mọi người sửng sốt, thậm chí sốc khi biết thông tin người đẹp bán dâm 25000USD/1 giờ. Không có gì là lạ và sốc cả. Kinh tế thị trường thì nhan sắc cũng có thể bị biến thành đồ chơi. Quy luật giá cả thị trường là thuận mua vừa bán. Người ta có quyền bán sức lao động của mình và bán cái thứ mình có khi pháp luật cho phép. Người mua cũng có quyền mua những thứ mình cần mà không vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội. Nhưng, đồng tiền ấy có chân chính hay không, và mua như thế nào là câu chuyện rất khó nói. 25000USD không phải là vỏ hà vỏ hến. Người đàn ông hàng ngày đẫm mồ hôi đạp xe xích lô, đi làm thợ hồ nếu tích cóp được bằng ấy tiền, chắc cũng không dám “vén tay áo đốt nhà táng”. Doanh nhân sản xuất, kinh doanh, nuôi công nhân, nộp thuế, làm ra đồng tiền khó khăn vất vả... chắc không xài sang như thế! Vậy thì, chỉ ba đối tượng có thể ném tiền qua cửa sổ: Một là đại gia kiếm tiền quá dễ dãi. Hai là, cấp trên được cấp dưới hoặc doanh nhân chiêu đãi để mưu lợi. Ba là, thiếu gia sinh ra để ăn chơi xa hoa, chỉ biết xài tiền của bố mẹ vô tội vạ.

Đại gia kiếm tiền dễ như thò tay vào túi lấy khăn mùi xoa lau mặt, thì tiêu tiền cũng hoang toàng vô độ. Xưa nay, trăm người bán vạn người mua. Thương trường là chiến trường. Khởi nghiệp. Gian nan. Phá sản. Kiếm được đồng tiền phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, không hề dễ. Giàu có nứt đố đổ vách đột xuất dễ dàng thì chỉ có cách là ăn may trúng mánh, hoặc đằng sau đó là chuyện làm ăn mờ ám, lợi ích nhóm, hoặc thủ đoạn tinh vi biến của nhà nước thành của riêng. Xài 25.000USD chứ 25.0000 Mỹ kim họ cũng ném tiền qua cửa sổ.

Ông Kễnh ngồi ở một vị trí béo bở “làm” ra đồng tiền cũng quá dễ dãi. Có vị trí là có quyền, có quyền là có tiền. Người này nhờ vả, người kia cậy nhờ. Cứ yên vị thì tiền cũng trôi đến như nước chảy chỗ trũng. Ông Kễnh hoàn toàn có thể bỏ ra 25.000USD thậm chí hơn để có một giờ ân ái bên người đẹp. Ông Kễnh ở vị trí Kễnh sẽ mang ân lợi đến cho nhiều người. Cấp dưới, hoặc doanh nhân đáp nghĩa, hoặc dọn đường đón cơ hội thăng quan tiến chức, hay mưu lợi một dự án còn đang ở phía trước. Đô la đóng ở Samsonai mãi cũng nhàm, nay kèm thêm món hưởng thụ xa hoa tìm cảm giác lạ đế vương cho ông Kễnh thì có gấp 10 số tiến 25.000USD người ta cũng chi. Phải chăng chiêu đãi ông Kễnh cũng là một kiểu hối lộ tình dục?

Thiếu gia sinh ra để xài tiền bố mẹ, phá gia chi tử thì thôi rồi. Công tử Bạc Liêu ngày xưa gọi bằng cụ. Đồ gì ngon nhất thì ăn. Thứ gì đắt nhất thì uống. Cái gì đẹp nhất thì chơi. Thôi, khỏi bàn nữa.

Trong câu chuyện buồn này, có 3 đối tượng có liên quan: Người tổ chức mại dâm. Người mua dâm. Người bán dâm. Kiều Đại Dũ tự đặt biệt danh là Pi, quê tỉnh Bình Định mới 22 tuổi mà đã là một Tú ông thượng hạng điều hành từ hoa hậu, á hậu, MC, hotgirl, người đẹp... bán dâm với quy mô lớn thì khủng khiếp quá. Tú ông này có tài đẩy giá mà các bậc “cha chú” trong nghề cũng không làm nổi. Từ giá 5000USD, Dũ đẩy giá á hậu lên 7000USD. “Khi đại gia có nhu cầu nguyên đêm thì mức giá sẽ được Dũ đẩy lên gấp 3 lần. Còn nếu đại gia muốn đi du lịch, sextour thì mức giá sẽ gấp 10 lần. Mỗi lần như vậy, tú ông kiếm tiền công môi giới lên tới vài trăm triệu đồng”. Chắc chắn Dũ sẽ phải đứng trước vành móng ngựa, phải bóc lịch trong nhà lao và bị người đời nguyền rủa. Kiều Đại Dũ bị công khai tên tuổi trên truyền thông là xứng đáng. Nhưng, dư luận xã hội và truyền thông dường như không công bằng giữa người bán dâm và người mua dâm. Vì sao, người đẹp bán dâm - bán cái thứ của mình thì bị gần như “lột trần” trước ánh sáng đạo đức, và miệng đời thị phi; còn người đàn ông mua dâm thì được lờ đi, không nhắc đến. Hay, mấy ông Kễnh này tiền nhiều, giàu có và đầy uy quyền thế lực mà truyền thông ngại ngùng bỏ qua? Trong khi đó, cụ già 85 tuổi, nghèo khó ở Đà Nẵng dùng tiền trợ cấp để đi giải tỏa ẩn ức riêng tư thì lại bị bêu tên trên mặt báo. Chả lẽ đại gia thì được quyền ăn chơi xa hoa cùng người đẹp, còn người nghèo và gái ế hàng thì chịu tiếng mại dâm?

Hiện nay, mại dâm vẫn chưa được nhà nước và đạo đức xã hội công nhận. Cũng là câu chuyện hoa hậu, á hậu bán dâm, người thì chia sẻ, đồng cảm; người thì coi khinh, dè bửu. Bán dâm và mua dâm chưa bị gọi là vi phạm pháp luật mà chỉ bị xử phạt hành chính. Soi sáng từ góc độ đạo đức cũng cần, nhưng phải cẩn trọng, cân nhắc khi đưa tên tuổi, đưa hình ảnh họ lên mặt báo khi tòa án chưa kết tội! Lời nói đọi máu, người ta đã ngã xuống vũng bùn rồi, kéo họ lên sống với ánh sáng và cây xanh, hay nhấn chìm xuống tăm tối đôi khi cũng chỉ vì một lời nói./.

Nguyễn Yên Mô

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/25000-usd-khong-phai-la-vo-hen-d2054947.html