250 người chết vì selfie

Chộp được một bức ảnh selfie hoàn hảo là niềm vui khó cưỡng với nhiều người. Nhưng nếu chụp selfie trong lúc đang lái máy bay, mang theo một khẩu súng nạp đạn sẵn hoặc đứng trên một mỏm đá chênh vênh mà bên dưới là một thác nước...thì họ nên suy nghĩ thật kỹ.

Số người chết vì selfie có xu hướng tăng dần theo từng năm. (Nguồn: AP).

Theo một báo cáo mới được đăng tải trên Tạp chí Dược phẩm gia đình và Chăm sóc sức khỏe, trên toàn thế giới có khoảng 259 người thiệt mạng trong lúc đang chụp ảnh selfie. Các nhà nghiên cứu đến từ Viện Dược phẩm Ấn Độ - một nhóm các trường đại học ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ - đã thu thập dữ liệu về những trường hợp thiệt mạng do chụp ảnh selfie trong khoảng thời gian từ tháng 10/2011 đến tháng 11/2017.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng phần lớn trường hợp tử vong do selfie xảy ra tại Ấn Độ, tiếp đến là Nga, Mỹ và Pakistan. Phần lớn các nạn nhân là đàn ông (72%) và ở độ truổi dưới 30. Ấn Độ chiếm tới hơn 50% tổng số người chết do selfie - 159 người kể từ năm 2011. Theo các nhà nghiên cứu, điều này là do Ấn Độ có dân số dưới 30 tuổi đông nhất thế giới.

Dù cho phụ nữ nói chung thường hay chụp ảnh selfie hơn đàn ông, nhưng các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng đàn ông lại hay có những hành động nguy hiểm khi chụp selfie - như đứng trên vách đá cheo leo - để có được những bức ảnh độc nhất. “Điều này khiến cho đàn ông selfie chết nhiều hơn phụ nữ” - Báo cáo mới nêu rõ.

Nước cuốn, rơi từ nóc nhà

Bị rơi xuống nước chính là nguyên nhân chính dẫn tới các chết lúc selfie, thường là do người chụp ảnh bị cuốn trôi bởi các con sóng biển hoặc rơi khỏi tàu thuyền. Nguyên nhân thứ hai dẫn tới tử vong lúc selfie được gói gọn trong cụm từ “giao thông” - tức những người bị chết khi đang cố chụp ảnh selfie trước đầu một con tàu hỏa đang lao tới. Nguyên nhân thứ ba liên quan tới lửa và bị ngã từ vị trí cao so với mặt đất. Cuối cùng, 8 người chết trong lúc selfie với những loài động vật nguy hiểm.

Không có gì bất ngờ khi nước Mỹ dẫn đầu thế giới về số người chết do selfie có liên quan tới súng đạn - những người không may tự bắn vào chính mình khi chụp ảnh tự sướng cùng súng đạn.

Nghiên cứu mới cho hay những cái chết do selfie thường không được báo cáo đầy đủ. Ví dụ, khi một người chụp ảnh selfie lúc đang lái xe, sau đó chết do tai nạn giao thông, vụ việc thường được coi là một vụ tai nạn giao thông thay vì một vụ chết do selfie. Trong khi ở nhiều quốc gia, những trường hợp chết vì selfie thường không được đăng tải trên các tờ báo địa phương.

Số trường hợp chết vì selfie đang có xu hướng gia tăng. Trong năm 2011, chỉ có khoảng 3 trường hợp như vậy, nhưng đến năm 2016 đã lên tới 98.

“Những người trẻ tuổi và khách du lịch dễ bị ảnh hưởng nhất bởi họ mong muốn có những bức ảnh độc, sau đó đăng tải lên mạng xã hội để nhận được những cú “like” và nhiều dòng bình luận” - nghiên cứu mới cho hay - “Selfie bản thân không có gì nguy hiểm, nhưng hành vi của con người liên quan tới selfie lại nguy hiểm. Con người cần được giáo dục về một số hành vi nguy hiểm lúc selfie và những nơi không nên chụp ảnh selfie”.

Vùng “selfie an toàn”

Các tác giả của bản nghiên cứu còn đề xuất lập các “vùng không selfie” ở những điểm du lịch, đặc biệt là trên các ngọn núi cao, khu vực gần sông hồ hoặc trên nóc của những tòa nhà cao tầng. Ấn Độ hiện nay đã thiết lập hàng chục khu vực như vậy, trong đó có một số ở thành phố Mumbai.

Cảnh sát Mumbai cho hay họ đã vạch ra nhiều địa điểm xung quanh thành phố, nơi mà họ muốn hạn chế người dân chụp ảnh selfie. Các khu vực mà cảnh sát coi là tiềm ẩn rủi ro nhiều nhất là những vùng bờ biển - nơi mà giới trẻ thường tìm đến để chụp ảnh selfie.

“Đây là một vấn đề mới đối với chúng tôi” - Người phát ngôn lực lượng cảnh sát Mumbai Dhananjay Kulkarni, cho hay - “Chúng tôi đã vạch ra nhiều địa điểm ở Mumbai. Chúng tôi muốn hạn chế người dân tới đó để giảm thiểu số người chết do selfie”.

Ở Nga, sau hàng loạt trường hợp tử vong liên quan tới selfie năm 2015, cảnh sát nước này đã đưa ra một bản khuyến cáo người dân nên chụp ảnh “selfie an toàn”. “Một bức ảnh selfie tuyệt đẹp có thể khiến bạn mất mạng” - bản khuyến cáo được cảnh sát phát cho sinh viên và người dân có đoạn.

Bản hướng dẫn dài 2 trang này còn bao gồm hình ảnh minh họa về các biển báo đường, phần lớn trong số này dựa trên những tai nạn có thực - như vụ một phụ nữ 21 tuổi tự bắn súng vào đầu lúc selfie hoặc một thiếu niên bị tàu hỏa đâm vì muốn chụp ảnh selfie trên đường ray. Bản hướng dẫn còn cảnh báo về việc chụp ảnh selfie với động vật, trên tầng nóc các tòa nhà cao tầng...

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/250-nguoi-chet-vi-selfie-tintuc419046