25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Từ thoát nghèo đến 'con hổ' mới của châu Á

Gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không chỉ hiện thực hóa mong muốn hội nhập sâu rộng, mà còn tạo bệ phóng giúp Việt Nam đạt những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn.

Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình hơn 10 năm nay và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 3.000 USD. (Nguồn: Asia Today)

Từ một quốc gia vừa bước ra khỏi nền kinh tế bao cấp và lạc hậu, xếp hạng cuối trong số các quốc gia Đông Nam Á, sau 25 năm gia nhập ASEAN và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường năng động.

Gặt hái nhiều lợi ích

Nhìn lại chặng đường 25 năm đã qua, PGS. TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nhận định, bắt đầu công cuộc Đổi mới từ năm 1986, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995 và gia nhập ASEAN cùng năm. “Đây là thời điểm Việt Nam gặt hái được nhiều lợi ích”, ông nói.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, ASEAN được coi là bệ phóng giúp Việt Nam hội nhập sân chơi khu vực và toàn cầu. Từ đó, Việt Nam tham gia rất nhiều cơ chế hợp tác khu vực, từ ASEAN+ đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực mà ASEAN là trung tâm, các tổ chức hợp tác mà ASEAN là trung tâm như Hội nghị Cấp cao Đông Á, ASEAN+3, ASEAN+6, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Những cơ chế hợp tác này có lợi cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng quan hệ thương mại. Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hầu hết các nước trên thế giới, có độ mở kinh tế rất lớn với tỉ lệ kim ngạch thương mại/GDP hơn 200%.

Gia nhập ASEAN cũng là bệ phóng giúp Việt Nam hiện thực hóa mong muốn hội nhập khu vực và thế giới, mở rộng quan hệ thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống người dân.

Bằng chứng là, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình hơn 10 năm nay và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 3.000 USD.

Cùng với chính sách mở cửa thu hút đầu tư, sau khi gia nhập ASEAN, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt từ ASEAN đã tăng mạnh. Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của khu vực với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và thu nhập bình quân đầu người được cải thiện đáng kể.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến cuối tháng 5 năm nay, vốn FDI đăng ký của các nhà đầu tư từ ASEAN đạt gần 81,9 tỷ USD, chiếm 21,7% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Singapore là quốc gia thành viên ASEAN dẫn đầu về dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam, với 54,8 tỷ USD; theo sau là Malaysia và Thái Lan với các con số tương ứng là 12,7 tỷ USD và 12,3 tỷ USD.

Mở đầu với dự án Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) tại tỉnh Bình Dương được triển khai năm 1996 bởi liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và các công ty thuộc Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore), qua gần 25 năm, liên tiếp các dự án VSIP II, III, IV… đã được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố khác, thu hút 840 nhà đầu tư từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 14 tỷ USD. Tổ hợp dự án cũng trở thành hình mẫu về thu hút đầu tư từ ASEAN vào Việt Nam thời gian qua.

Thành viên tích cực của ASEAN

Nhìn nhận về những đóng góp của Việt Nam cho Cộng đồng ASEAN, PGS. TS. Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, về tổng thể, đóng góp của Việt Nam cho ASEAN trong 25 năm qua có thể khái quát thành 5 nội dung chính: tích cực đưa ra những định hướng, quyết sách cho việc phát triển ASEAN; thể hiện rất tích cực trong vai trò của mình, đặc biệt là đảm nhiệm rất thành công các nhiệm vụ luân phiên; tham gia rất nhiều đề xuất sáng kiến hợp tác thiết thực hướng tới người dân; tích cực trong hội nhập kinh tế khu vực; tích cực thúc đẩy cơ chế hợp tác chung.

Còn theo GS Yasuhiro Yamada - Trợ lý đặc biệt của Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) về vấn đề Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam, một trong những thành tựu đáng kể mà Việt Nam đạt được từ việc gia nhập ASEAN là thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia thành viên ASEAN ban đầu và 4 quốc gia gia nhập ASEAN sau này - một vấn đề tồn đọng khá lâu trong ASEAN.

GDP của ASEAN giai đoạn 2010-2018 đạt mức tăng bình quân 5,4%/năm, trong khi Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,2%/năm, nên với đà tăng như vậy, Việt Nam có thể sớm bắt kịp các quốc gia ASEAN ở tốp trên.

Tổ hợp dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại Bình Dương đã trở thành hình mẫu về thu hút đầu tư từ ASEAN vào Việt Nam thời gian qua. (Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư)

“Những dòng vốn FDI vào các khu công nghiệp tại Việt Nam là xung lực đưa kinh tế Việt Nam đi lên, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực”, GS. Yamada đánh giá.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư từ Việt Nam sang các quốc gia ASEAN cũng không ngừng tăng lên với sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn như Viettel, FPT, Hoàng Anh Gia Lai… Đến cuối tháng 6, đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Lào đạt hơn 4,9 tỷ USD vốn đăng ký, theo sau là thị trường Campuchia với tổng vốn đầu tư gần 2,8 tỷ USD.

Động lực tăng trưởng mới

Sau những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội từ hội nhập khu vực và quốc tế, hướng tới mục tiêu trở thành "con hổ" mới của châu Á, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là việc tìm kiếm động lực tăng trưởng.

Một trong những động lực tăng trưởng hàng đầu được Chính phủ hướng tới là đổi mới sáng tạo. Thời gian gần đây, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện các chính sách khuyến khích kinh tế đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) phát triển; đồng thời, cải cách thể chế về đầu tư mạo hiểm để các dòng vốn đầu tư mạo hiểm có thể tìm đến các start-up một cách thuận lợi nhất.

Theo GS. Yasuhiro Yamada, Việt Nam sẽ có vai trò nhất định trong làn sóng đổi mới sáng tạo của ASEAN hậu Covid-19 nhờ khả năng số hóa. Việt Nam, với lợi thế doanh nghiệp mạnh về công nghệ thông tin và viễn thông, sẽ trong nhóm các quốc gia đi đầu của ASEAN về chuyển đổi số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: “Chúng ta đều biết 4 con hổ là biểu tượng của sự trỗi dậy ở châu Á. Việt Nam có thể là biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á nếu tầm nhìn 2045 trở thành hiện thực với quyết tâm của chúng ta. Chính phủ coi kinh tế số là động lực quan trọng phát triển quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển”.

PGS. TS. Nguyễn Huy Hoàng nhận định, để tạo động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong giai đoạn tới, cần phải điều chính cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng mở rộng quan hệ với các đối tác có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ số.

“Nên chăng, chúng ta phải có những bước chuyển của mô hình kinh tế sang kinh tế số bằng cách đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, Internet vạn vật, chuỗi khối… để làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, cộng với phát triển các ngành công nghệ dựa vào vốn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn”, ông Hoàng gợi ý.

(tổng hợp)

Chu An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/25-nam-viet-nam-gia-nhap-asean-tu-thoat-ngheo-den-con-ho-moi-cua-chau-a-120330.html