25 năm ký Hiệp định Oslo: Khát vọng hòa bình không bao giờ tắt

Khi sân bay đầu tiên của Palestine được khánh thành năm 1998 ở Dải Gaza trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, 'biểu tượng chủ quyền quốc gia' này tượng trưng cho những hy vọng độc lập và hòa bình của người dân Palestine như trong Hiệp ước Oslo đưa ra. 25 năm sau hiệp định lịch sử đó, ước mơ về hòa bình vẫn xa vời với người dân Palestine.

Hiệp định lịch sử

Ngược dòng lịch sử về cuộc xung đột Israel – Palestine chủ yếu xoay quanh hơn 4.000 km² lãnh thổ phía tây sông Jordan mà Jordan chiếm đóng từ năm 1949 đến 1967. Vì Jordan đã trục xuất toàn bộ người Do Thái nên năm 1967, khu vực này chỉ gồm 600.000 người Arab. Tuy nhiên, từ năm 1967, khi bị Israel chiếm đóng, cộng đồng Do Thái ở đây đã tăng lên 550.000 người.

Palestine yêu cầu Israel khôi phục lại đường biên giới năm 1967 có nghĩa là hơn một nửa triệu người Do Thái sẽ phải bỏ nhà cửa và những gì đã gây dựng trên mảnh đất đó. Người Do Thái định cư ở 5 khu vực bên ngoài biên giới năm 1967: Jerusalem, khu vực Gush Etzion, Ariel, Maale Adumim, thung lũng Jordan và cả trăm khu định cư nhỏ hơn nằm giữa các làng mạc Arab hoặc gần các thành phố Arab. Do đó, người Do Thái và Arab sống xen kẽ nhau và không có đường biên giới nào có thể chia được ranh giới sao cho người Arab ở một bên, người Do Thái ở một bên.

Cái bắt tay lịch sử giữa nhà lãnh đạo Arafat và Thủ tướng Rabin trước sự chứng kiến của Tổng thống Bill Clinton. Ảnh:AFP.

Một vấn đề liên tục gây căng thẳng giữa Palestine và Israel là quan hệ giữa người Do Thái và Palestine sống trong lãnh thổ Israel. Phần lớn người Arab đã chạy trốn khỏi khu vực khi nhà nước Israel được tuyên bố thành lập. Tuy nhiên, số người ở lại vẫn đông, chiếm gần 1/5 dân số Israel. Trong số đó, 2/3 là người Hồi giáo. Cao trào của xung đột giữa Israel và Palestine nổ ra năm 1987 với phong trào Intifada khiến 20.000 người thiệt mạng.

Vào cuối tháng 10-1991, sau chiến tranh vùng Vịnh, khiến Israel và các nước Arab lập mặt trận chống lại Iraq. Trong khi đó, phong trào Intifada đã lan rộng khắp vùng lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng. Trước thực trạng trên, một hội nghị vì hòa bình Israel-Arab được tổ chức tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Dưới sự bảo trợ của Washington và Moscow, hội nghị lần đầu tiên có sự xuất hiện của phái đoàn đàm phán Israel và Palestine. Phái đoàn Palestine tham gia cùng với Phái đoàn Jordan vì Tel Aviv từ chối sự tham gia trực tiếp của Phong trào giải phóng Palestine (PLO).

Sau đó, một loạt các cuộc đàm phán song phương và đa phương đã diễn ra trong nhiều tháng ở nhiều quốc gia khác nhau, nhưng không đạt được sự tiến bộ nào. Từ đó, các bên đi vào đàm phán bí mật với một nỗ lực cao là đạt được một thỏa thuận hòa bình cho cả Israel và Palestine.

Tháng 1-1993, Israel đã bãi bỏ đạo luật năm 1986 cấm Israel tiếp xúc với PLO. Từ tháng 1 đến tháng 8-1993, Na Uy là nơi đã diễn ra ít nhất 14 cuộc họp bí mật. Ngày 27-8-1993, Israel tiến hành đàm phán bí mật với PLO để đạt được thỏa thuận về chế độ tự chủ bắt đầu ở Dải Gaza và Jericho (vùng Bờ Tây bị chiếm đóng).

Để thực hiện sứ mệnh của mình, chính phủ Oslo, đặc biệt là Bộ trưởng Ngoại giao Johan Joergen Holst, đã dựa vào mối liên hệ lâu dài của ông với nhà lãnh đạo Yasser Arafat cũng như các liên kết chặt chẽ giữa Công đảng Na Uy cầm quyền với đối tác Israel của mình.

Ngày 29-8-1993, Israel tuyên bố thỏa thuận về phác thảo một chính phủ tự trị Palestine lâm thời ở Dải Gaza và một phần nhỏ của Bờ Tây bị chiếm đóng xung quanh Jericho. Ngày 10-9 cùng năm, Tel Aviv công nhận PLO là đại diện của nhân dân Palestine.

Ngày 13-9-1993, tại Washington, nhà lãnh đạo Y.Arafat và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin ký “Tuyên bố nguyên tắc” lịch sử, còn gọi là Hiệp định Oslo. Hiệp định vạch ra kế hoạch 5 năm để người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza dần dần tự quyết vận mệnh.

"Chính phủ của Nhà nước Israel và PLO, (...) đại diện cho người dân Palestine, đồng ý rằng đã đến lúc chấm dứt hàng thập kỷ đối đầu và xung đột, để thừa nhận các quyền hợp pháp và chính trị lẫn nhau của họ, phấn đấu để chung sống hòa bình... và đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện và lâu dài ", lời nói đầu của thỏa thuận lịch sử trên viết. Theo Hiệp định Oslo, Israel rút quân khỏi Dải Gaza và Jericho ở Bờ Tây năm 1994. Chính quyền Palestine do ông Arafat làm lãnh đạo kiểm soát các khu vực không bị Israel chiếm đóng với chức trách như một chính phủ.

Cũng ngày lịch sử đó, tại Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Yasser Arafat và Thủ tướng Yitzhak Rabin đã có cái bắt tay lịch sử dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Bữa tiệc chiêu đãi ăn mừng sự kiện trên có sự góp mặt của 3.000 quan chức. Khi đó, ai cũng vui mừng và tràn đầy hy vọng về một hòa bình lâu dài ở Trung Đông sau 45 năm xung đột.

Ngày 4-5-1994, ông Arafat và ông Rabin khởi động giai đoạn chuyển tiếp quyền tự chủ. Vào tháng 7, ông Arafat trở về lãnh thổ Palestine, sau 27 năm lưu vong. Ông thành lập chính quyền Palestine ở đó, trở thành Tổng thống Nhà nước Palestine.

Một năm sau, ba người tham gia ký Hiệp định Oslo là nhà lãnh đạo PLO Yasser Arafat, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Bộ trưởng Ngoại giao Israel Shimon Peres đã được trao giải Nobel Hòa bình.

Tiến trình hòa bình Trung Đông tiếp tục có những tiến triển tích cực vào năm 1994, khi ngày 26-10, Vua Hussein của Jordan và Thủ tướng Israel Rabin ký hiệp ước hòa bình lịch sử chấm dứt tình trạng giao tranh giữa hai quốc gia. Tháng 9-1995, một thỏa thuận tạm thời mới (Hiệp định Oslo II) đã được ký kết tại Washington về việc mở rộng quyền tự chủ ở Bờ Tây.

Ngày 4-11-1995, Thủ tướng Yitzhak Rabin bị ám sát bởi một người Do Thái cực đoan nhằm mục đích lật đổ tiến trình Oslo. Sau đó, Tổng thống Arafat cũng qua đời năm 2004, còn ông Simon Peres mất năm 2006. Từ đó, tiến trình hòa bình ở Trung Đông rơi vào bế tắc.

Các cuộc đàm phán trực tiếp, dưới sự bảo trợ của Mỹ, đã được nối lại vào tháng 7-2013 sau nhiều năm đóng băng. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán trên kéo dài 9 tháng đã không thành công. Tháng 2-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Kể từ đó, người Palestine phủ nhận Washington trong bất kỳ vai trò trung gian nào.

“Hiệp định Oslo đã mở đường cho một nhà nước Palestine. Nhưng Bờ Tây vẫn còn bị chiếm đóng, vùng đất của Gaza trong tay Phong trào Hamas vẫn đang bị phong tỏa của Israel”, AFP nhận định.

Biểu tượng của chủ quyền quốc gia trong đống hoang tàn

Theo một điều khoản của Hiệp ước Oslo ký ngày 13-9-1993, Palestine được xây dựng một sân bay riêng. Cuối năm 1998, sân bay quốc tế Yasser Arafat hay còn gọi sân bay Dahaniya đã được khánh thành dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống Yasser Arafat.

Quan chức cấp cao Palestine Saeb Erakat (giữa) trong chuyến thăm sân bay quốc tế Yasser Arafat cùng chuyên gia quân sự Israel và Lãnh đạo Cơ quan hàng không dân dụng Palestine ngày 21-11-1997 sau khi sân bay khánh thành. Ảnh: AFP.

Sân bay được xây dựng tại thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza nhằm mục đích đưa đón hàng trăm nghìn lượt hành khách mỗi năm. Để sân bay đi vào hoạt động, Hãng hàng không Palestine được thành lập với số lượng máy bay ban đầu là 3 chiếc. Từ sân bay quốc tế Yasser Arafat có các chuyến bay nối Dải Gaza tới Amman (Jordan) và Cairo (Ai Cập). Máy bay của Palestine cũng cất cánh tới Saudi Arabia phục vụ người hành hương đến thánh địa Mecca.

Nhằm xua tan những lo ngại của Israel, Palestine đồng ý để lực lượng an ninh Israel được phép có mặt tại bộ phận kiểm soát hộ chiếu và hành lý. Đồng thời, cảng Gaza phải được mở rộng, song dự án này chưa bao giờ được thực hiện. “Sân bay và cảng không chỉ là biểu tượng của lãnh thổ mà còn là biểu tượng của tự do”, Nabil Chaath, một cựu quan chức Palestine từng tháp tùng Tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm Dải Gaza ngày đó cho hay. Theo ông Nabil Chaath, việc sân bay và cảng hoạt động sẽ giúp Palestine thoát khỏi sự bao vây phong tỏa của Israel. Đây là điều rất quan trọng đối với người dân Palestine.

Hai năm sau khi khánh thành sân bay Yasser Arafat, Phong trào Intifada lần thứ hai đã nổ ra và kéo dài 5 năm. Năm 2001, lực lượng an ninh Israel tấn công đài quan sát ở sân bay, buộc sân bay này ngừng hoạt động. Các vụ không kích nhằm vào các cơ sở trong sân bay khiến nơi đây trở thành một đống đổ nát. Năm 2006, khu vực này trở thành chiến trường sau vụ bắt cóc binh lính Israel Gilad Shalit. Tel Aviv đã phong tỏa trên bộ, trên biển và trên không nghiêm ngặt kể từ khi phong trào Hamas lên nắm quyền ở Gaza vào năm 2007.

Trong gần hai thập kỷ, không máy bay nào hạ cánh hoặc cất cánh ở sân bay Yasser Arafat khiến đường băng bỏ hoang. Tất cả các thiết bị có giá trị, kể cả radar, từ lâu đã biến mất. Cho đến nay, chỉ có ngoài sảnh đến của sân bay còn tồn tại, còn lại là khoảng đất trống với những mái vòm trơ khung. Xung quanh đó là đống phế liệu chất đầy, hậu quả của nhiều năm chiến tranh. Trên đường băng cất cánh rộng 60m ngập đầy rác rưởi, những con lừa đang nặng nhọc cất bước về phía trại tị nạn gần đó. “Chúng tôi đã xây dựng sân bay này như biểu tượng chủ quyền lãnh thổ đầu tiên của Palestine. Giờ đây nó chỉ là đống đổ nát”, Daifallah al-Akhras, kỹ sư trưởng của sân bay, đã rơi nước mắt trong một chuyến thăm sân bay gần đây.

Sân bay quốc tế Yasser Arafat bị phá hủy chỉ còn lại vài mái vòm trơ khung. Ảnh: AFP.

Còn Zuhair Zamelat, điều phối viên của Cơ quan Hàng không Dân dụng ở Gaza bồi hồi nhớ về những ngày lịch sử: “Chúng tôi đã đón tiếp các tổng thống và các nhà lãnh đạo nước ngoài. Ở đó có phòng VIP, có hàng nghìn hành khách đang đợi trong phòng chờ”. Theo ông Zuhair Zamelat, sân bay giờ đây là một bãi rác khổng lồ. Thỉnh thoảng thanh niên và trẻ em Palestine lại tới đây để tìm kiếm vật liệu hoặc phế liệu còn sót lại.

Trong những tháng gần đây, bạo lực đã một lần nữa tái diễn gần khu vực sân bay, chỉ cách hàng rào an ninh Israel vài trăm mét. Những cuộc xung đột đẫm máu giữa người Palestine và binh lính Israel đã xảy ra kể từ ngày 30-3-2018. Ít nhất 176 người Palestine đã bị sát hại dưới mũi súng của Israel, trong khi một binh lính Israel cũng đã thiệt mạng.

Với việc Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, xem ra con đường đi đến hòa bình của người Palestine còn xa vời, nhưng tinh thần mà Hiệp ước Oslo vẫn thắp lên niềm hy vọng cho cả người dân Palestine và Israel.

Yên Bình

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/25-nam-ky-hiep-dinh-oslo-khat-vong-hoa-binh-khong-bao-gio-tat-510851/