25 năm bản 'anh hùng ca' của ngành điện thời kỳ đổi mới

Ngày 27/5/1994, đường dây siêu cao áp 500 kV hoàn thành, lưới điện truyền tải của nước nhà được thông suốt, góp phần cải thiện việc thiếu điện của miền Trung và miền Nam.

25 năm qua đường dây siêu cao áp Bắc-Nam đã truyền tải hàng trăm tỷ kWh phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trở thành xương sống của hệ thống điện quốc gia.

Xây dựng đường dây tải điện 500 kV - một quyết định đúng đắn và cấp bách

Còn nhớ những năm đầu của thập niên 1990, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình với công suất 1920 MW chính thức đi vào vận hành cùng với các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình, thủy điện Thác Bà, với tổng công suất hơn 2000 MW tạo nên một bước đột phá trong việc phát triển nguồn điện. Trong khi đó, miền Nam, miền Trung đói điện trầm trọng, tình trạng mất điện xảy ra triền miên, buộc các đơn vị điện lực phải cấp điện luân phiên cho các phụ tải để tạo ra sự công bằng giữa các hộ dùng điện. Làm cách nào để đưa điện vào Miền Trung, Miền Nam ?

Phóng viên Tạp chí Doanh nhân Việt đã có cuộc trao đổi với một số cán bộ chịu trách nhiệm của dự án. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, lúc đó là Phó Ban Chỉ đạo dự án, cho biết: Tết Tân Mùi 1991, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp lãnh đạo Bộ Năng lượng và lãnh đạo các công ty xây lắp điện. Thủ tướng đặt vấn đề, các tỉnh phía nam thiếu điện, miền Bắc thừa điện, Bộ Năng lượng phải tìm cách đưa điện từ Bắc vào Nam.

Bàn kế hoạch triển khai xây dựng đường dây tải điện cao áp 500 kV Bắc – Nam.

Bàn kế hoạch triển khai xây dựng đường dây tải điện cao áp 500 kV Bắc – Nam.

Nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải đã cho thực hiện ngay các thủ tục cần thiết khẩn trương tiến hành xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam trong thời gian sớm nhất. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV với chiều dài lên tới gần 1.500 km.

Mọi công việc đã được chuẩn bị một cách hết sức khẩn trương . Bộ trưởng Bộ Năng lượng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai xây dựng công trình. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, công trình chỉ được phép xây dựng trong 2 năm vì miền Nam thiếu điện nghiêm trọng, sớm được ngày nào quý ngày đó. Vào thời điểm này, trên thế giới, đường dây dài nhất cũng chỉ từ 700-800 km và thời gian xây dựng kéo dài 7-8 năm.

Các đơn vị thi công và giám sát công trình dàn hàng ngang mà tiến

Ông Lê Liêm, lúc dó là Thứ trưởng Bộ Năng lượng, kể lại: Cả nước quyết tâm mang dòng điện từ Miền Bắc vào Miền Nam bằng cấp điện áp 500 kV. Ngày 5/4/1992 chính thức khởi công công trình, đồng thời ở 4 cung đoạn, Thủ tướng dự ở cung đoạn 1 Hòa Bình. Ngay sau ngày khởi công, Công ty Khảo sát Thiết kế điện 1 đã trình bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật và các tài liệu cần thiết để Bộ tổ chức các cuộc đấu thầu quốc tế mua vật liệu, thiết bị cho công trình. Gần 4000 cột thép các cơ sở trong nước chế tạo phần lớn và để kịp tiến độ, đã phải nhập thêm cột từ Hàn Quốc và Ukraine thông qua đấu thầu. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Năng lượng khi đó, sự quyết tâm cao độ và sức lao động bền bỉ, tận tụy của tập thể cán bộ, lãnh đạo Ban quản lý Dự án, các cán bộ kỹ sư thiết kế, các Công ty Xây lắp điện 1, 2, 3, 4, Tổng công ty Sông Đà và sự hỗ trợ rất lớn từ lực lượng quân đội như Binh đoàn 12, Binh đoàn 15, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân đoàn 1, Quân đoàn 3, sự giúp đỡ và tạo điều kiện về mọi mặt của chính quyền và nhân dân 17 tỉnh, thành phố mà đường dây đi qua, và nhiều đơn vị khác, một khối lượng công việc rất lớn đã được thực hiện trong thời gian rất ngắn.

Cùng với việc xây dựng đường dây dài gần 1500 km còn phải xây dựng 5 trạm Hòa Bình, Hà Tĩnh (trạm bù), Đà Nẵng, Pleiku, Phú Lâm. Giai đoạn 1 (5/1994) lắp đặt 1 MBA 50 0kV- 3x150 MVA tại trạm Hòa Bình và 1 MBA 500 kV- 3x150 MVA tại trạm Phú Lâm. Đến tháng 9/1994, lắp đặt thêm 3 MBA 500 kV- 3x150 MVA tại các trạm Hòa Bình, Phú Lâm, Đà Nẵng và đến tháng 11/1994, lắp đặt thêm 1 MBA 500 kV- 3x150 MVA tại trạm Pleiku.

Đường dây tải điện cao áp 500 kV Bắc – Nam.

Trong suốt 2 năm 1992-1994 không kể ngày đêm, chủ nhật, ngày lễ, mưa rét, bão lụt... tất cả các đơn vị rải ra trên các cung đường đều một lòng quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ. Có rất nhiều vị trí không thể dùng máy móc đưa thiết bị, vật tư lên cao, như ở đèo Hải Vân, đèo Lò Xo, Giằng, Đại Lộc, Khâm Đức... chỉ huy công trường đã huy động được cả người dân địa phương gùi từng bao xi măng, bao cát lên đỉnh núi để đúc móng cột. Hàng trăm nghìn tấn thép cột được xe chở đến trục đường chính, rồi tỏa về các vị trí dựng cột, hầu như tất cả đều trên vai mang vác của người thợ. Lực lượng hậu cần thì lo cái ăn cho hàng vạn người lao động trên các vùng rừng núi, sông, suối cũng vô cùng vất vả.

Những nỗ lực, cố gắng trong hơn 700 ngày đêm của hàng chục ngàn cán bộ công nhân lao động cuối cùng đã được đền đáp: Vào 19h6' ngày 27/5/1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện Miền Nam với 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500 kV, chính thức đưa hệ thống 500 kV vào vận hành.

Như vậy Dự án đường dây 500 kV Bắc Nam đã được hoàn thành sau 2 năm thi công đảm bảo đúng tiến độ đã được phê duyệt với tổng giá trị quyết toán là 5.488,39 tỷ đồng (tương đương 544 triệu đô la Mỹ), thấp hơn 225,59 tỷ đồng so với TKKT-TDT.

Đường dây 500 kV Bắc Nam mạch 1 được nhiều người biết tới với những kỷ lục mà ít công trình khác đạt được, đó là công trình mà ở đó các cấp có thẩm quyền đã đưa ra những quyết định nhanh nhất, táo bạo nhất; khảo sát thiết kế nhanh nhất, giải phóng mặt bằng nhanh nhất; thi công nhanh nhất, hiệu quả nhất và có thể còn nhiều cái nhất nữa, xứng đáng là một bản anh hùng ca của cán bộ công nhân viên ngành điện trong thời kỳ đổi mới. Công trình đã để lại nhiều bài học cho thế hệ cán bộ công nhân viên ngành điện sau này. Đó là những bài học về tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, tất cả vì sự nghiệp chung; đó là bài học về tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm vượt qua mọi khó khăn, thử thách; đó còn là bài học về sự đổi mới, dám từ bỏ những giáo điều, lạc hậu để tiến lên phía trước.

Kỳ tích tiếp nối kỳ tích

Sau hơn 10 năm vận hành đường dây 500 kV Bắc-Nam (mạch 1), ngày 23/9/2005 ngành điện Việt Nam lại ghi dấu thêm một kỳ tích mới: Hoàn thành đưa vào vận hành đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 2 từ TBA 500 kV Thường Tín đến TBA 500 kV Phú Lâm, với chiều dài gần 1.600 km. Việc hoàn thành đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 2 đã đảm bảo hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc-Nam có hai mạch song song, tạo liên kết vững chắc, vận hành an toàn, tin cậy cho hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Nếu như việc xây dựng đường dây 500 kV Bắc-Nam (mạch 1) có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài thực hiện khâu tư vấn thiết kế, giám sát kỹ thuật, trực tiếp nghiệm thu thì công trình đường dây Bắc-Nam 500 kV (mạch 2) hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam đảm nhiệm. Việc xây dựng và đưa vào vận hành thành công hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc-Nam mạch 2 đã đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của ngành điện Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành (QLVH).

Sau 25 năm đưa vào vận hành, hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc-Nam đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và luôn giữ vai trò quan trọng nhất của hệ thống truyền tải điện quốc gia. Do có vai trò đặc biệt quan trọng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 04/12/2017 đưa hệ thống truyền tải điện 500 kV vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia nhằm tăng cường vai trò của Nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ hệ thống truyền tải điện 500 kV.

Tổng Công ty Truyền tải quốc gia EVNNPT ra đời – Bước ngoạt mới của ngành điện

Trước đòi hỏi cấp thiết của công cuộc đổi mới ngành điện Việt Nam, ngày 01/7/2008, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia chính thức được thành lập, với nhiệm vụ chính là đầu tư xây dựng (ĐTXD) và QLVH hệ thống truyền tải điện quốc gia, bao gồm các đường dây và TBA cấp điện áp 220 kV và 500 kV trên phạm vi cả nước. Kể từ đây, công tác QLVH và ĐTXD hệ thống truyền tải điện quốc gia được tập trung về một đầu mối, mở ra một thời kỳ phát triển mới của lĩnh vực truyền tải điện.

Ông Đặng Phan Tường Chủ tịch HĐTV của EVNNPT kiểm tra trên tuyến.

Tổng Công ty ra đời đúng vào thời kỳ suy thoái của nền kinh tế thế giới và nền kinh tế của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Ngay từ những bước đi đầu tiên, EVNNPT đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức như thiếu vốn đầu tư, giá truyền tải điện thấp, cơ sở vật chất khó khăn, lưới truyền tải điện quốc gia chưa đáp ứng được nhu cầu truyền tải điện, tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra trên diện rộng ở cả 3 miền, nguy cơ sự cố cao, nhiều công trình trọng điểm chưa đáp ứng được tiến độ, đặc biệt là các công trình đồng bộ với các dự án nguồn điện… Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn đó, tập thể cán bộ công nhân viên (CBCNV) EVNNPT đã nỗ lực phấn đấu, từng bước tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức để đảm bảo vận hành an toàn và phát triển hệ thống truyền tải điện quốc gia đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.

Theo ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV của EVNNPT: Trải qua 11 năm hoạt động, bằng sự phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của toàn thể CBCNV, cùng sự chỉ đạo sát sao của EVN, sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, các bộ, địa phương và các đối tác, EVNNPT đã đạt được nhiều thành tích to lớn, ngày càng khẳng định vị thế ở cả trong nước và quốc tế.

Sau 25 năm kể từ khi hoàn thành ĐD 500 kV Bắc-Nam (mạch 1), hệ thống truyền tải điện quốc gia đã phát triển vượt bậc về quy mô và ngày càng được nâng cao về chất lượng, công nghệ. Năm 1994, hệ thống truyền tải điện quốc gia chỉ có 1.487 km ĐD 500 kV; 1.913,7 km ĐD 220 kV; tổng dung lượng MBA 500 kV là 1.350 MVA và tổng dung lượng MBA 220 kV là 2.305 MVA, thì hiện nay, EVNNPT đang QLVH 7.996 km ĐD 500 kV, tăng 5,4 lần; 17.207 km ĐD 220 kV, tăng 9 lần; 30 TBA 500 kV với tổng dung lượng là 33.300 MVA, tăng 24,7 lần; 123 TBA 220 kV tổng dung lượng là 54.188 MVA, tăng 23,5 lần so với năm 1994. So sánh với các tổ chức truyền tải điện ở khu vực ASEAN, EVNNPT xếp thứ 3 về khối lượng QLVH đường dây và thứ 4 về tổng dung lượng MBA.

Hệ thống truyền tải điện quốc gia ngày càng đồng bộ, hiện đại, đã vươn tới tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước; đã kết nối với hệ thống truyền tải điện của các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia. Hệ thống truyền tải điện quốc gia giữ vững vai trò “xương sống” trong hệ thống điện toàn quốc, hệ thống truyền tải điện 220 kV đảm bảo vai trò “xương sống” trong hệ thống điện của các khu vực, tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Hệ thống truyền tải điện quốc gia đã đáp ứng yêu cầu đấu nối, giải tỏa công suất các dự án nguồn điện và đảm bảo cấp điện theo nhu cầu của các khu vực và phụ tải trên cả nước. EVNNPT đã có đóng góp quan trọng để EVN đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tiếp nối thành công của ĐD 500 kV Bắc-Nam (mạch 1 và mạch 2), ngày 05/5/2014, EVNNPT đã đưa vào vận hành ĐD 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông dài 437,5 km, tạo nên 3 mạch ĐD 500 kV liên kết giữa miền Trung và miền Nam. Hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc-Nam, gồm các ĐD 500 kV Bắc-Nam (mạch 1, mạch 2), ĐD 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông và các TBA 500 kV trên tuyến có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho cả nước nói chung và đặc biệt là cho miền Nam trong những năm qua, cũng như thời gian tới trong bối cảnh các nguồn điện miền Nam không đảm bảo tiến độ.

Hiện nay, EVNNPT đang khẩn trương triển khai thi công xây dựng cụm dự án ĐD 500 kV Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 với tổng chiều dài gần 750 km để hoàn thiện ĐD 500 kV (mạch 3) từ miền Bắc vào miền Nam và tăng cường năng lực truyền tải của hệ thống truyền tải điện 500 kV, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam giai đoạn năm 2020 và những năm tiếp theo khi hệ thống điện miền Nam không đảm bảo cân đối cung - cầu nội vùng.Để tiếp tục có hướng đi đúng, vươn lên tầm khu vực và quốc tế, EVNNPT đã xây dựng và đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 với quan điểm xây dựng EVNNPT phát triển bền vững; lĩnh vực truyền tải điện phải đi trước một bước nhằm đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường điện.

Một số thông tin về đường dây 500 kV Bắc Nam (mạch 1):

- Khởi công: Tháng 4/1992

- Đóng điện: Tháng 5/1994

- Khối lượng thi công chính:

- Lắp dựng 3.600 cột thép, tương ứng 60.000 tấn cột điện;

- Kéo 1.487 km dây dẫn và dây chống sét, tương ứng 23.000 tấn dây dẫn và 930 tấn dây chống sét;

- Xây dựng 22 trạm lặp cáp quang, 19 chốt vận hành đường dây;

- Đổ 280.000 m3 bêtông móng với 23.000 tấn cốt thép; 6.300 tấn sứ cách điện.

Đã truyền tải hàng trăm tỷ kWh điện từ miền Bắc, Trung vào miền Nam góp phần đảm bảo điện cho miền Nam.

đường dây taiệ̉n cao áp 500 kV Bắc – Nam

Minh Huệ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/25-nam-ban-anh-hung-ca-cua-nganh-dien-thoi-ky-doi-moi-5380.html