231 cái tát và một cái tát khác

Xin nói ngay, người viết bài này ủng hộ sự nghiêm khắc với học sinh. 'Bé không vin, lớn cả gãy cành', người xưa đã dạy thế. Cũng cần nói thêm, người viết bài này cũng đã lớn tuổi, tức là từng chịu 'nền giáo dục đòn roi'.

Song, khi đọc thông tin cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (SN 1977) của Trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) yêu cầu tất cả học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má em Hoàng L.N (SN 2007) khiến học sinh này phải nhập viện điều trị thì không thể kìm nén sự phẫn nộ.

Cô giáo Thủy và lớp 6/2

Lý do bị “tát hội đồng” bởi em N. nói tục mà theo qui định của cô giáo, mỗi em nói tục sẽ bị tát vào mặt 10 cái. Do lớp 6.2 có 26 học sinh, chiều đó 3 bạn quên sách vở phải về lấy nên N. “chỉ bị” 23 bạn tát nên số lượng tát tất cả 231 cái, trong đó có một “đòn kết liễu” của chính cô chủ nhiệm.

Hiện tại em N. đã xuất viện về nhà. Các bác sĩ cũng khuyến cáo em N. không phải bệnh nặng nhưng bị ảnh hưởng tâm lý, nên gia đình cần có biện pháp để động viên cháu.

Có thể nói học sinh thời nay khổ, rất khổ. Từ áp lực học tập, ngộ độc thực phẩm và những kỉ luật hà khắc của nhà trường mà trong đó, không ít hình phạt có lẽ ngoài sự tưởng tượng, thậm chí từng có cô giáo bắt học sinh uống nước vắt ra từ… giẻ lau bảng!

Những hành vi nói trên không còn là “giáo dục” mà là tội ác. Tội ác với trẻ thơ.

Trở lại với vụ việc ở Quảng Bình, việc em học sinh bị tát đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn thì còn có một nỗi đau khác, đó là nỗi đau về đạo lý của chính các bạn bị buộc phải tát em mà điển hình là một học sinh gọi em N là cậu ruột. Em đã khóc khi phải tát cậu mình…

Trao đổi với báo chí, em Nguyễn Trung Nguyên, lớp trưởng lớp 6.2 nói: "Em cũng không muốn tiếp tục với hình phạt như thế này nữa".

Đau xót hơn, báo chí cho biết nhà trường và chính quyền địa phương cũng đến thăm nhưng chủ yếu là thuyết phục gia đình không làm to chuyện, vì nhà trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II.

Không thể nói khác, chính thái độ bao che, sợ mất thành tích, mất danh hiệu “Trường chuẩn Quốc gia mức độ II” chính là “động lực”, là sự “bảo kê” cho tội lỗi.

Ngoài 231 “cái tát” trên, còn có một “cái tát” vào Trường THCS Duy Ninh và sâu xa, một cái tát vào nền giáo dục.

BÙI HOÀNG TÁM (Kiến thức gia đình số 48)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/231-cai-tat-va-mot-cai-tat-khac-post231523.html