230 trọng điểm đê điều xung yếu uy hiếp an toàn đê điều toàn quốc

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: 'Hiện nay, hệ thống đê điều toàn quốc có 9.018 km đê từ cấp III trở lên. Trong đó, có tới 230 trọng điểm đê điều xung yếu, nguy cơ uy hiếp an toàn hệ thống đê điều bất cứ lúc nào'.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Mỗi năm thiên tai “ngốn” 1,5% GDP

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2020 sáng nay, 26/6, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, 5 năm qua thiên tai gây thiệt hại bình quân 1,5% GDP/năm, khoảng gần 300 người thiệt mạng vì thiên tai.

Những năm gần đây, các hình thái thiên tai liên quan trực tiếp đến Việt Nam, trong đó có bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn… ngày càng khốc liệt. Với 21 tỉnh, thành phố có đê, lâu nay chưa chứng kiến lũ lớn nhưng tình trạng mưa lớn, sạt lở uy hiếp đã xảy ra ở các điểm, đơn vị, địa phương cụ thể.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm: Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng, đặc biệt là các đợt dông, lốc, sét kèm theo mưa đá trên diện rộng tại 15 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL lịch sử năm 2016,…

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa mưa bão năm nay có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, bão tập trung nhiều trong những tháng nửa cuối năm 2020.

Mặt khác, theo nhận định của một số chuyên gia và số liệu thống kê thực tế, sau hạn hán kỷ lục thường có nguy cơ cao xảy ra mưa đặc biệt lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập trên phạm vi rộng ở miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL.

Vi phạm đê điều ngày càng phức tạp

Nội dung đáng chú ý trong câu chuyện phòng chống thiên tai được nêu ra tại hội nghị là đánh giá, nâng cấp hệ thống đề điều.

“Chúng ta thấy, hệ thống đê điều hiện nay có 9.018 km đê từ cấp III trở lên. Trong đó đê điều cấp đặc biệt do địa phương quản lý là khoảng 2.000 km. Hiện nay, toàn quốc có 230 trọng điểm đề điều xung yếu, nguy cơ uy hiếp an toàn đê điều bất cứ lúc nào”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, có 2 nguy cơ nữa khá lo lắng. Một là các vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng tăng. Hiện còn khoảng hơn 7.000 vụ vi phạm đê điều chưa được xử lý. Con số vi phạm đê điều không giảm đi mà ngày càng tăng lên và nghiêm trọng hơn.

Nguy cơ thứ 2 là lâu rồi không có lũ lớn nên một số địa phương chủ quan. Đê điều vẫn tu bổ nhưng để thử sức chịu đựng thì chưa có điều kiện tổng thể.

Cũng đánh giá hiện còn nhiều thách thức trong công tác đảm bảo an toàn chống lũ của hệ thống đê điều, ông Thành nhấn mạnh, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra hết sức phức tạp, việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế.

Đặc biệt là tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng, công trình, xe quá tải trọng được phép đi trên đê làm hư hỏng mặt đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ.

Tổng số vi phạm từ năm 2011 đến hết tháng 5/2020 đã xảy ra 10.678 vụ; giải tỏa, xử lý được 3.276 vụ, còn tồn đọng 7.402 vụ. Trong đó, 5 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 126 vụ, giải tỏa, xử lý được 55 vụ, còn tồn đọng 71 vụ.

“Các cấp chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong đầu tư, duy tu bảo dưỡng đê điều cũng như chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định”, ông Thành nói.

Từ góc độ địa phương, ông Đỗ Hải Điền, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu (Nam Định) đề nghị thời gian tới cơ quan quản lý cấp Trung ương cần sớm có sự quan tâm, đầu tư nâng cấp công trình xung yếu tại Hải Hậu, bởi nguy cơ vỡ đê mùa mưa bão rất cao.

Ông Điền và nhiều lãnh đạo địa phương khác cũng đề nghị có cơ chế cụ thể đảm bảo hỗ trợ phụ cập, trang thiết bị phương tiện cần thiết cho lực lương xung kích phòng chống thiên tại tại địa phương…

Với tổng số 9.078 km đê (đê sông: 6.584,4 km; đê cửa sông: 1.343 km; đê biển: 1.150 km). Trong đó, có 2.726,4 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, 975,8km kè và 1.524 cống qua đê; 31.191 km bờ bao vùng ĐBSCL.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/230-trong-diem-de-dieu-xung-yeu-uy-hiep-an-toan-de-dieu-toan-quoc-128972.html