23 đạo sắc phong Đền Trấn Vũ là tài liệu lưu trữ quý hiếm

Ngày 18/4/2018 (tức ngày mùng 3 tháng 3 năm Mậu Tuất), tại Đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên đã diễn ra lễ hội Đền Trấn Vũ 2018, và Lễ đón nhận Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội, công nhận Tài liệu lưu trữ quý, hiểm đối với 23 đạo sắc phong lại đền Trần Vũ.

Đại diện Ban quản lý di tích đền Trấn Vũ đón nhận quyết định chứng nhận 23 đạo sắc phong là tài liệu quý hiếm.

Sau một thời gian dài các nhà khoa học, hội đồng thẩm định làm việc, xem xét, đánh giá và đề xuất, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 5/3/2018, công nhận 23 đạo sắc phong tại đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên là tài liệu lưu trữ quý hiếm.

Tất cả 23 đạo sắc phong được công nhận đều là bản gốc, được làm bằng giấy dó và trang trí hình rồng, trên mỗi bản được ghi rõ bằng văn tự Hán Nôm, có con dấu ấn triện của nhà vua, được lưu truyền qua nhiều đời. Các sắc phong có đời vua Lê Hiển Tông, niên đại Cảnh Hưng (1740) đến thời Nguyễn (1940), nội dung của các sắc phong là công nhận có tính nhà nước, như một loại văn bản pháp quy chính thống của Nhà nước phong kiến đối với các làng, xã.

Đây là các tư liệu quý giá và trung thực về tên, tuổi, công lao của những nhân vật lịch sử, về quê quán, công trạng, và xếp hạng (Gia phong mỹ tự, Sắc phong Tôn thần, Thượng đẳng thần…), biểu thị sự tôn vinh của vương triều và cộng đồng cư dân với vị thần đó. Đồng thời, chứa đựng những thông tin có thể bổ sung thêm vào lịch sử đất nước và địa phương, là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu về văn hóa tín ngưỡng dân gian.

Ông Ngô Quang Khải, Trưởng Ban quản lý Di tích đền Trấn Vũ cho biết, 23 đạo sắc phong được công nhận lần này là những tư liệu rất giá trị, có tính độc bản và là một nguồn tư liệu có giá trị về nhiều phương diện.

Đạo sắc phong được Chi cục Văn thư lưu trữ thành phố sao lưu, phục chế.

Cũng theo ông Ngô Quang Khải, trải qua các thời kỳ lịch sử, nhân dân phường Thạch Bàn nói chung, nhân dân Ngọc Trì nói riêng đã giữ gìn khá nguyên vẹn các sắc phong cho đến ngày nay, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, những hoạt động tín ngưỡng mang dấu ấn lịch sử của quê hương, đồng thời là cơ sở quan trọng để giáo dục truyền thống dân tộc, địa phương cho các thế hệ tiếp theo.

Ngọc Trì nói riêng, Thạch Bàn nói chung là một vùng làng cổ được hình thành từ rất sớm, có phong cảnh tươi đẹp, nằm bên dòng sông Hồng, ven đô thành Thăng Long. Nơi đây là địa điểm dừng chân của nhiều vị danh nhân trong lịch sử.

Theo bia “Trần Vũ Điện bỉ ký” dựng năm Minh Mệnh nguyên niên (1820) ghi: “Khi Vua Lê Thánh Tông đem quân đánh Chiêm Thành, ông đã dừng chân, nghỉ tại xã Cự Linh, được thần Trấn Vũ ứng mộng. Đến khi thắng trận, vua sai lập đền thờ, cho tạc tượng gỗ cùng bài vị ghi “Hiển linh Trấn Vũ quán”.

Đền Trấn Vũ cũng là nơi để các sĩ tử dừng chân, ôn luyện, ăn, nghỉ trước cửa Đền (gọi là Đường học) và vào bái lễ, cầu nguyện trước khi vào Kinh thành Thăng Long dự kỳ thi Hội, thi Đình.

Lễ hội đền Trấn Vũ được tổ chức thường niên vào ngày mùng ba tháng ba (âm lịch) hàng năm. Về thăm Đền Trấn Vũ, du khách có dịp chiêm ngưỡng nhiều di sản quý như bảo vật Quốc gia tượng Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ, xem người dân thực hiện nghi lễ “Kéo co ngồi”, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nghi lễ và trò chơi kéo co, trong đó có kéo co ngồi đền Trấn Vũ cũng được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại cùng với Campuchia, Hàn Quốc, Philippines.

Phương Lan/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/23-dao-sac-phong-den-tran-vu-la-tai-lieu-luu-tru-quy-hiem-20180418144328390.htm