22 tàu cá Bình Định đang 'chạy' bão số 12 ở ngoài biển

Trong khi bão số 12 (còn gọi là Con Voi) với sức gió giật cấp 12 đến 15 đang tiến sát vào đất liền cách bờ biển Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận, hiện có 22 tàu cá của ngư dân Bình Định đang ở vùng nguy hiểm, cơ quan chức năng đang cùng với gia đình kêu gọi các tàu cá thoát khỏi bão Con Voi.

Báo cáo vào chiều tối 3-11 của Ban chỉ huy PCTT-TKCN Bình Định cho biết, bão Con Voi đang di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km.

Đến 1 giờ ngày 4-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.

Theo số liệu thống kê, Bình Định có 6.457 tàu thuyền/44.535 lao động đã đến các cảng để neo đậu, tránh trú bão an toàn. Trong đó, có 84 tàu/574 lao động đang neo đậu ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; số còn lại đang neo đậu ở các tỉnh TT. Huế, Quảng Ngãi đến Đà Nẵng, Phú Yên đến Vũng Tàu....

Hiện, Bộ đội Biên phòng và Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cùng phối hợp với Đài Duyên hải Quy Nhơn, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện ven biển, thành phố Quy Nhơn cùng với phía gia đình các chủ tàu thông báo vị trí, hướng di chuyển của bão, để tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết, phòng tránh.

Chi cục Thủy sản Bình Định cho hay, hiện vẫn còn 22 tàu cá đang nằm trong vùng nguy hiểm của bão Con Voi. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang tiếp tục liên lạc, hướng dẫn các tàu thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Đối với tàu cá BĐ 98079 TS, công suất 831CV, trên tàu có 13 người, chủ tàu kiêm thuyền trưởng là ông Võ Văn Dũng ở Hoài Hương, Hoài Nhơn, bị hỏng máy thả trôi lúc 22 giờ ngày 2-11 ở vùng biển có tọa độ 12022’N, 109050’E (cách Nha Trang 37 hải lý về hướng Đông Bắc). Đến 12 giờ 45 phút ngày 3-11 tàu SAR 274 đã tiếp cận và đưa 13 người bị nạn lên tàu an toàn.

Còn tàu cá BĐ 95956, công suất 730CV, trên tàu có 2 người, thuyền trưởng ông Đỗ Văn Mốt ở Hoài Hương (Hoài Nhơn). Bị hết nhiên liệu khi đang trên đường chạy vào bờ tránh bão lúc 12 giờ 35 phút ngày 3-11, hiện tàu này vẫn đang thả trôi tại vùng biển có tọa độ 13025’N, 109042’E (cách bờ biển Quy Nhơn 40 hải lý về hướng Đông Nam).

Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản Bình Định, UBND huyện Hoài Nhơn, Đài Radio Quy Nhơn đang liên lạc với các tàu trong tổ đội khẩn cấp hỗ trợ giúp đỡ.

Thủ phủ mai miền Trung tất tưởi "chạy" bão Con Voi

Trong ngày 3-11, tại “thủ phủ” mai Nhơn An (TX. An Nhơn, Bình Định) được mệnh danh lớn nhất miền Trung đang tất tưởi lo chuyển những chậu mai đem đến nơi cao ráo để “chạy” bão. Theo các chủ vựa mai, năm trước do chủ quan không “chạy trước” nên nhiều hộ trở nên “méo mặt” vì bão quật gãy đổ, hư hại hết mai nuôi.

Vựa mai Nhơn An tất tưởi "chạy" bão

Để nuôi được những vựa mai đến hàng ngàn chậu thì người dân tại xã Nhơn An phải tốn không biết bao công sức, tiền của quần quật quanh năm suốt tháng mới thu được thế nên đối với họ mai đôi khi còn quan trọng hơn cả nhà cửa.

Trận lũ năm ngoái đã nhấn chìm trên 5.000 chậu mai của gia đình ông Phan Văn Bảo (54 tuổi, Nhơn An) khiến ông mỗi khi nhắc đến bão, lũ là giật mình. “Nước năm ngoái dâng lên cao lắm, ngay cả tuyến đường bê tông cao ngoài quốc lộ 1 cũng ngập trong biển nước. Ngay sáng nay khi vừa mới nghe tin bão lũ thì giật mình nên kêu gọi cả gia đình ra khiêng mai, di chuyển một số chậu đã nở búp, chậu loại 1 lên vùng cao cho chắc. Chứ mà bị ngập nước như năm ngoái nữa thì bỏ vựa, bỏ nghề...”, ông bảo kể trong lo lắng.

Sợ trắng tay nên các chủ vựa mai ở Nhơn An (TX. An Nhơn, Bình Định) lo bão từ sớm

Còn đối với ông Nguyễn Xuân Quang (40 tuổi) thì do gấp quá nên để giữ lại mai không bị hư hỏng, ông đành thuê 10 nhân công để di chuyển những chậu mai vào xe rùa rồi đưa vào vách sau nhà để tránh bão. Trong những vựa mai người ta chăm sóc rồi phân loại ra thành từng loại, loại nào đẹp thì người dân để riêng ra vào bảo vệ, chăm sóc rất an toàn nên khi xảy ra bão, lũ thì họ đem vào vườn nhà kê ván cao phòng tránh.

Học sinh toàn tỉnh được nghĩ học để tránh bão

Trước tình hình bão số 12 đang tiến sát bờ, ngay trong chiều 3-11, ông Đào Đức Tuấn - Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định đã có văn bản chỉ đạo tất cả các trường mầm non, phổ thông... trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học từ ngày mai (4-11). Chỉ khi con bão đi qua, nước lũ rút, giáo viên và học sinh an toàn trên đường đến trường thì mới tiếp tục để các em quay lại lớp nhằm tránh xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Sở GD-ĐT Bình Định khuyến cáo các học sinh không nghịch nước, chèo bèo, chống sõng, vớt củi ở sông

Ông Tuấn yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành ngừng ngay việc tổ chức các cuộc họp, các hoạt động không cấp thiết để tập trung nhân lực rà soát kế hoạch, các biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn cho cơ sở vật chất nhà trường, bảo quản tốt hồ sơ, thiết bị giảng dạy, chủ động ứng phó khi mưa bão xảy ra.

Việc này cần thông báo rộng rải đến các địa phương miền núi, vùng sâu xã nên ông Tuấn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải nhờ đài Phát thanh địa phương để thông báo cho học sinh biết thông tin cho nghỉ học; Hiệu trưởng báo cáo với chính quyền địa phương thông báo gia đình học sinh biết và đề nghị họ giữ con em mình ở nhà, không cho đi đùa nghịch nước, chèo bè, chống sõng, tắm mưa, vớt củi… rất nguy hiểm.

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/22-tau-ca-binh-dinh-dang-chay-bao-so-12-o-ngoai-bien-480031.html