22 quốc gia đồng thanh thúc giục Trung Quốc tuân thủ luật pháp và nghĩa vụ quốc tế

Theo AP, 22 nước đã ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các vụ giam giữ tùy tiện hàng loạt và các vi phạm khác đối với người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương.

Một trung tâm hướng nghiệp ở Tân Cương - Ảnh: Internet

Một trung tâm hướng nghiệp ở Tân Cương - Ảnh: Internet

Nhóm vận động đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyên bố về người Hồi giáo tại Hội đồng Nhân quyền và cho đây là một bước mang tính biểu tượng cho sự quan tâm lớn hơn về các chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương.

Trong một lá thư gửi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhóm 22 quốc gia đòi hỏi Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp và nghĩa vụ của họ với quốc tế và ngăn chặn việc giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ cũng như người thuộc cộng đồng Hồi giáo, dân tộc thiểu số khác và tạo điều kiện tự do tôn giáo. Bức thư đã được gửi vào thứ hai 8.7 và được công khai vào thứ tư, 10.7.

Anh, Pháp, Thụy Sĩ và Đức nằm trong danh sách 18 quốc gia châu Âu, cùng với Nhật Bản, Úc, Canada và New Zealand đã ký tên trong lá thư trên. Họ cũng yêu cầu bà Michelle Bachelet (cựu tổng thống Chile, hiện đang là Chủ tịch cao ủy nhân quyền LHQ) duy trì cập nhật thường xuyên về các diễn biến cho Hội đồng Nhân quyền.

Các chuyên gia về vấn đề này đã, dựa trên các tài liệu chính thức của Trung Quốc, hình ảnh vệ tinh và lời khai của nhân chứng, ước tính rằng "Trung Quốc đã giam giữ trên 1 triệu người trong các trung tâm cải tạo và đã áp dụng biện pháp giám sát chặt chẽ".

Khi một ủy ban nhân quyền của Liên Hợp Quốc đặt câu hỏi về chính sách này vào năm ngoái, Trung Quốc đã bác bỏ những hành động như vậy. Thế nhưng sau đó, họ cho biết họ đang mở các trung tâm đào tạo nghề để giúp người Tân Cương tách khỏi những gì được mô tả là chủ nghĩa cực đoan, tai họa của toàn cầu.

Để chống lại làn sóng phê bình từ thế giới, tháng trước, Trung Quốc đã cử Phó chủ tịch Tân Cương, một người Duy Ngô Nhĩ lên thuyết trình trước hội đồng Nhân quyền. Tại đây, ông Aierken Tuniyazi khẳng định rằng việc đào tạo nghề như vậy đang giúp người dân Tân Cương thoát nghèo. Ông Tuniyazi cũng bác bỏ các cáo buộc nói rằng các học viên đang phải sống ở trong các trại giam. Ông mô tả họ sống trong ký túc xá có điều hòa và ngoài việc học các kỹ năng có giá trị thì họ còn được tham gia nhảy múa, ca hát theo văn hóa dân tộc hoặc chơi thể thao.

"Điều này sẽ ngăn họ trở thành nạn nhân của khủng bố và chủ nghĩa cực đoan và để bảo vệ các quyền cơ bản của con người khỏi sự xâm phạm", ông nói.

Tuniyaz cho biết tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Tân Cương được luật pháp bảo vệ. “Nhưng những kẻ tôn giáo cực đoan đã truyền bá những lời rao giảng nham hiểm ở Tân Cương, khiến một số người hành động như những kẻ nghiện ma túy”, ông Tuniyaz nói. “Tân Cương đã đặt lợi ích cơ bản của người dân từ tất cả các dân tộc lên hàng đầu, trấn áp các tội ác khủng bố bạo lực, đề cao các biện pháp chống khủng bố, phòng ngừa và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan”

Hồi năm 2016, Mỹ đã từng dẫn đầu các nước chỉ trích cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc và đưa ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền. Nhưng năm ngoái Mỹ đã rút khỏi Hội đồng này nên trong 22 nước ký tên trong lá thư trên, không có chữ ký từ Mỹ.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/22-quoc-gia-dong-thanh-thuc-giuc-trung-quoc-tuan-thu-luat-phap-va-nghia-vu-quoc-te-116861.html