22.000 người dân TP.HCM dùng mã QR lập hồ sơ sức khỏe điện tử

Không chọn hình thức khai báo qua giấy, ngành y tế TP.HCM đã quyết định sử dụng mã QR code để người dân tự khai báo dữ liệu sức khỏe cơ bản qua điện thoại thông minh...

Người dân phường 27, quận Bình Thạnh sử dụng mã QR để khai báo dữ liệu và lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Ảnh: Sở Y tế Tp.HCM

TP.HCM mới đây đã chọn phường 27 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) là nơi đầu tiên triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR), sau đó mở rộng triển khai đồng loạt các phường, xã còn lại của TP.HCM trong suốt giai đoạn 2022 - 2025. Ngành y tế TP đang kỳ vọng đến năm 2025 có ít nhất 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.

Tại buổi lễ khởi động lộ trình lập hồ sơ sức khỏe điện tử tại phường 27 quận Bình Thạnh, bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch Quận Bình Thạnh tin rằng UBND phường 27 sẽ hoàn thành khối lượng công việc trong thời gian 2 tuần, với hơn 22.000 người dân cư trú trên địa bàn phường 27 của quận Bình Thạnh sẽ tham gia khai báo dữ liệu sức khỏe và lập xong hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân trên địa bàn phường.

Sỡ dĩ lựa chọn phường 27 (Q.Bình Thạnh) làm nơi đầu tiên thí điểm chiến dịch khởi động xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, ông Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: đây là địa phương có nhiều chung cư với hàng ngàn hộ dân sống tập trung nên rất dễ trong việc triển khai hướng dẫn cách làm mới. Ngoài ra, qua khảo sát sơ bộ, gần 100% dân cư khu vực này sử dụng điện thoại di động, thuận tiện cho việc tra cứu, khai báo online.

Không lựa chọn hình thức khai báo trên giấy, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh quyết định chọn giải pháp sử dụng mã QR để người dân tự khai báo dữ liệu sức khỏe, sau đó dữ liệu khai báo của mỗi người dân sẽ đổ thẳng về cơ sở dữ liệu của Sở Y tế, hình thành nên dữ liệu lớn (Big data) về tình hình sức khỏe của người dân thành phố. Đây là một trong những dữ liệu lớn quan trọng mà ngành y tế thành phố đang nỗ lực xây dựng thông qua việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử.

Tờ hướng dẫn khai báo Hồ sơ sức khỏe điện tử do Sở Y tế Tp.HCM phát hành. Ảnh: Sở Y tế Tp.HCM

Theo phản ánh của người dân phường 27 quận Bình Thạnh, phần mềm khai báo hồ sơ sức khỏe điện tử khá tiện lợi, dễ sử dụng. Sau khi quét mã QR, người dân nhập số điện thoại di động để nhận mã OTP và tiến hành khai báo các dữ liệu sức khỏe. Các câu hỏi với các gợi ý trả lời "có" hoặc "không" sẽ giúp người dân dễ dàng nhớ lại tiền sử bệnh tật khi khai báo đồng thời dễ dàng cập nhật, bổ sung các thay đổi về nhân thân, nơi cư trú, tiền sử bệnh...

“Tôi cảm thấy phần mềm này sẽ rất tiện ích cho những người lớn tuổi như bố mẹ tôi ở nhà, vì khi đi khám bệnh sẽ không còn sợ sẽ không nhớ hết lịch sử bệnh và khai báo không đầy đủ với bác sĩ. Thông tin trong hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ giúp bác sĩ nắm bắt lịch sử sức khỏe của bệnh nhân đầy đủ và toàn diện hơn,” chị Lê Minh Anh, một người dân tại phường 27 quận Bình Thạnh chia sẻ.

Theo PGS-TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời. “Hồ sơ sức khỏe điện tử không chỉ là kho lưu giữ thông tin sức khỏe cá nhân, vì khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn,” ông Trần Quý Tường chia sẻ. “Trong công tác quản lý, việc triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử cũng sẽ giúp cho ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời...”

Nếu thực hiện tốt, quản lý tốt các dữ liệu thì hồ sơ sức khỏe điện tử giúp theo dõi sức khỏe, không chỉ nâng cao chất lượng sống cho người dân mà còn là hiệu quả về kinh tế. Bởi vì, khi người dân được phát hiện sớm bệnh tật (nếu có) thì chi phí sẽ giảm vì bệnh ở giai đoạn sớm sẽ hạn chế sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao hay các phương pháp điều trị đòi hỏi chi phí lớn.

Hoài Phương -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/22-000-nguoi-dan-tp-hcm-dung-ma-qr-lap-ho-so-suc-khoe-dien-tu.htm