21 ngày Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới Covid-19

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 17 giờ ngày 3-3, thế giới đã ghi nhận 91.308 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 tại 77quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong đó có 3.118 trường hợp tử vong (Trung Quốc: 2.944, Iran: 66, Hàn Quốc: 28, Ý: 52, Tàu Diamond Princess: 06, Nhật Bản: 06, Mỹ: 06, Pháp: 3, Hồng Kông (TQ): 02, Thái Lan: 1, Đài Loan: 1, Úc: 1, San Marino: 1, Philippines: 1). Tại Trung Quốc ghi nhận 80.151 trường hợp mắc tại 31/31 tỉnh, thành phố. Số mắc tại các quốc gia khác ghi là 10.778 trường hợp mắc (Hàn Quốc: 5.186, Ý: 2.036, Iran: 1.501).

Tại Việt Nam, tính đến ngày 27-2 ghi nhận 16 trường hợp mắc (21 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới), trong đó số trường hợp đã điều trị khỏi là 16, số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly là 77. Tổng số người có tiếp xúc gần và đi về từ vùng dịch đang được cách ly tập trung theo dõi sức khỏe là 15.374, trong đó cách ly tập trung là 6.503 và cách ly tại nhà là 8.871. Tổng số mẫu đã xét nghiệm cộng dồn: 1.785 (số mẫu dương tính: 16, số mẫu âm tính: 1.769).

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25-2 về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 2-3, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các bộ ngành và chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện khai báo y tế và cách ly y tế người nhập cảnh Việt Nam đến từ và đi qua Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran và Italia. Bên cạnh đó, Bộ Y tế xây dựng hệ thống giám sát trọng điểm Covid-19 ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước. Tổ công tác thường trực phòng chống dịch của Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Vĩnh Phúc (thường trực Ban chỉ đạo quốc gia) và đang hoàn thiện các mô hình phòng, chống dịch của tuyến dưới nhằm áp dụng rộng rãi trong trường hợp cần thiết.

Dự kiến vào lúc 0 giờ ngày 4-3 sẽ dỡ bỏ phong tỏa tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc sau 21 ngày không phát hiện ca bệnh mới.

* Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 3-3, Thành phố có tổng số người nghi ngờ mắc Covid-19 là 56 trường hợp, trong đó 53 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, 3 trường hợp đang chờ kết quả.

*Thông tin từ Bộ Y tế ngày 3-3 cho biết, bác sĩ Raphael Kot đã gửi thư tới Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (dịch Covid-19) và Bộ Y tế khẳng định ông chưa bao giờ phát biểu rằng ông tham gia tư vấn phòng chống dịch COVID-19 cho các cơ quan chức năng chuyên môn của Việt Nam.

Bác sĩ Raphael Kot, người đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội là nhân vật được phỏng vấn trong bài viết “What Israel can learn from Vietnam on how to beat the Coronavirus” đăng tải trên báo Haaretz của Israel ngày 28-2-2020, đề cập đến chi tiết ông là người trực tiếp tư vấn cho Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Trong bức thư, bác sĩ Raphael Kot cho biết bài có 2 đoạn trích dẫn sai thông tin và gây hiểu lầm. Cụ thể là bài bài phỏng vấn này được thực hiện qua điện thoại bằng tiếng Do Thái từ Israel về Việt Nam trong điều kiện đường truyền không ổn định. Điều này dẫn đến việc tiếp nhận không chính xác một vài thông tin trong nội dung đã đăng tải. Ngoài ra, nhà báo Ronny Linder (tác giả bài báo) đã không gửi nội dung cho ông xem trước khi đăng tải.

Ông khẳng định: “Tôi chưa bao giờ phát biểu rằng, tôi tham gia tư vấn phòng chống dịch COVID -19 cho các cơ quan chức năng chuyên môn”. Bản thân ông và các phòng khám thuộc hệ thống Phòng khám Gia đình đánh giá cao và biết ơn những nỗ lực hỗ trợ, chỉ đạo của Bộ Y tế trong thời gian chống dịch; nghiêm chỉnh thực hiện đúng theo từng bước chỉ dẫn. Bác sĩ Raphael Kot cũng khẳng định không có chủ ý đánh bóng tên tuổi hay quảng cáo cho phòng khám. Ông cũng đã liên hệ với nhà báo Ronny Linder và yêu cầu đính chính tất cả những thông tin không chính xác hoặc không được đề cập trong nội dung bài báo…

*Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến thời điểm này, các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam đã tổ chức 5 đợt nhắn tin tuyên truyền tới hơn 125 triệu thuê bao với tổng số gần 7 tỷ tin nhắn SMS để thông tin, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, các doanh nghiệp viễn thông đã tập trung nguồn lực bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, triển khai các chỉ đạo của Chính phủ về tuyên truyền, phổ biến về dịch Covid-19 đến người dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai việc miễn cước cuộc gọi đến các số đường dây nóng (hotline) của Bộ Y tế; miễn cước truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin về phòng, chống dịch bệnh.

Để hỗ trợ các đơn vị phòng chống dịch Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo nhà mạng Viettel thiết lập hệ thống giao ban trực tuyến từ Bộ Y tế tới 23 bệnh viện trên cả nước.

THÁI SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/21-ngay-viet-nam-khong-ghi-nhan-truong-hop-mac-moi-covid-19-611365