21 ngày bám trụ ở Sơn Lôi

Trở lại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc sau 2 ngày gỡ bỏ phong tỏa, đường làng, ngõ xóm đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp nụ cười, ánh mắt tươi tắn của người dân 'vùng dịch' khi hết cách ly.

Sau gỡ bỏ phong tỏa, 500 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Vĩnh Phúc làm nhiệm vụ tại ổ dịch Sơn Lôi lại bắt tay ngay vào công việc, có người đến hôm nay vẫn chưa về gia đình. Trong “trận chiến” với COVID-19 tại ổ dịch lớn nhất cả nước khi đó, có những đóng góp thầm lặng của một lực lượng không thể không nhắc tới - những cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Vĩnh Phúc.

Như lãnh đạo ngành y tế Vĩnh Phúc chia sẻ rằng “nếu không có lực lượng công an, chỉ riêng y tế thì không thể làm được công tác cách ly, giám sát, khoanh vùng, dập dịch”.

Thiếu úy Nguyễn Văn Sáng tiếp công dân đến khai báo lưu trú.

Thiếu úy Nguyễn Văn Sáng tiếp công dân đến khai báo lưu trú.

2 chú rể hoãn đám cưới, lên đường chống dịch

Tới Công an huyện Bình Xuyên vào sáng 5-3, chúng tôi gặp lại những gương mặt quen thuộc tham gia chống dịch tại xã Sơn Lôi khi họ quay trở lại đơn vị làm việc. Trong số họ, có người còn chưa kịp về gia đình dù nhà cách đó không xa. Và điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn nữa khi được biết 2 chiến sĩ trẻ của công an huyện phải hoãn đám cưới vì nhiệm vụ chống dịch và 1 chú rể sau đêm tân hôn được lệnh đi “biền biệt” vào Sơn Lôi.

Thiếu úy Nguyễn Văn Sáng, công tác tại Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội chia sẻ: “Hai bên gia đình đã dự định ngày 3-3 sẽ tổ chức cưới, ngày 5-3 đón dâu, chúng em vừa đi chụp ảnh cưới, mua sắm đồ trang trí phòng cưới, chọn thiệp xong rồi thì nhận được lệnh lên đường làm nhiệm vụ”.

Vợ chưa cưới của Sáng cùng quê với anh ở xã Cao Phong, huyện Sông Lô. Tiệc cưới đã định nhưng ngày 13-2, Sáng được lệnh của lãnh đạo Công an huyện đi phòng chống dịch tại xã Sơn Lôi. Biết chống dịch chưa tới khi nào kết thúc, Sáng đành phải nói với gia đình “Con đi chưa biết bao giờ về, nếu cứ tổ chức cưới đúng ngày nhưng lại vắng chú rể, đang dịch họ hàng không đến thì mất vui. Vì công việc của con nên bố mẹ và bạn gái hãy hoãn lại, dời sang tháng khác”. Nghe tin này, bạn gái của Sáng rất buồn nhưng biết đây là nhiệm vụ, cô đã chấp nhận.

Những ngày làm nhiệm vụ ở chốt trực số 6, nằm ngoài cánh đồng nơi có con đường nhỏ dẫn vào xã Sơn Lôi, những giờ nghỉ giữa ca ít ỏi, cảm xúc dâng trào, Sáng lại lấy ảnh cưới ngồi ngắm nghía. Thấy cậu em suy tư, chị y tá cùng chốt đã đến động viên: “Cố gắng vì Tổ quốc, vì nhân dân... khi nào cưới nhất định các anh chị sẽ đến chung vui”.

21 ngày đêm cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Vĩnh Phúc làm nhiệm vụ tại Sơn Lôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngoài trời sương gió nhưng Sáng lại cảm thấy ấm lòng hơn bởi tình nghĩa đồng đội, sự sẻ chia tình cảm của những người tham gia chống dịch và lời dặn dò của mẹ, yêu thương của bạn gái dành cho. Chia sẻ với chúng tôi, niềm vui lấp lánh trong ánh mắt, Sáng cho biết “gia đình đã xem ngày cưới, em sẽ đón dâu vào ngày 12 đến 13-4 sắp tới”.

Cũng giống như Sáng, Thiếu úy Nguyễn Anh Tuấn, cùng ở Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội nhận nhiệm vụ công tác khi chỉ còn cách ngày cưới hơn 3 tuần. “Hôm trước, em và bạn gái vừa đi chụp ảnh cưới, mua nhẫn thì hôm sau, em nhận quyết định” - Thiếu úy Tuấn kể.

Tuấn hiểu, việc hoãn cưới là bắt buộc bởi kế hoạch khoanh vùng, cách ly Sơn Lôi chưa biết kết thúc khi nào, nguyên tắc vào vùng dịch làm nhiệm vụ phải thực hiện nghiêm ngặt.

Thiếu úy Tuấn được phân công nhiệm vụ tăng cường tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà - nơi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 và các ca tiếp xúc gần trên địa bàn Vĩnh Phúc. Thời gian đầu, Tuấn giấu gia đình và người yêu, chỉ nói mình đi trực, về sau mới nói thật chuyện hoãn đám cưới vì đi làm nhiệm vụ.

Khi biết tin, bạn gái Tuấn chỉ im lặng, nhiều ngày không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn. Biết người yêu buồn và hụt hẫng, Tuấn đã chủ động điện thoại nói chuyện để cô hiểu. Sau một thời gian, bình tĩnh lại, cô gái đã thông cảm và hiểu cho công việc của người yêu, động viên Tuấn yên tâm công tác.

Thiếu úy Nguyễn Anh Tuấn trực tại cổng Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà.

Công việc của Tuấn ở Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà là nắm tình hình an ninh trật tự xung quanh và trong khuôn viên của bệnh viện. Ngoài ra, anh cũng làm nhiệm vụ bảo vệ, theo dõi lượt người ra vào và tuyên truyền cho các hộ dân quanh khu vực những vấn đề liên quan đến phòng chống dịch bệnh. Đều đặn từ 10h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau, Thiếu úy Tuấn cùng 3 cán bộ khác thay phiên làm công tác trực canh gác quanh khu vực bệnh viện.

Tuấn chia sẻ, các bệnh nhân thuộc diện cách ly hầu hết đều có ý thức chấp hành rất tốt, không ai có ý định bỏ trốn ra ngoài. Cũng không có trường hợp nào người từ bên ngoài ngang nhiên xâm nhập vào. Tuy nhiên, có những chuyện “dở khóc, dở cười” đã xảy ra. Đó là chính anh cũng bị kỳ thị khi làm nhiệm vụ ở Phòng khám.

“Những lúc đi mua đồ vật dụng cá nhân, chúng tôi phải đi xa vì các cửa hàng xung quanh không bán cho những người ở trong Phòng khám. Mấy ngày đầu, tôi và mọi người chỉ toàn ăn cơm rang mà lại phải mua thật xa khu vực đó và nhờ người quen của các bác sĩ mới mua được” - Thiếu úy Tuấn kể lại.

Thiếu úy Nguyễn Ngọc Quế tiếp tục làm công việc tại đơn vị.

Suốt những ngày chống dịch, Tuấn và vợ chưa cưới vẫn gọi điện động viên nhau. Đã hơn 10 ngày trôi qua kể từ khi bệnh nhân cuối cùng điều trị COVID-19 tại Phòng khám xuất viện nhưng Tuấn vẫn tiếp tục công việc ở đây vì 6 trường hợp từng dương tính với COVID-19 và 4 trường hợp nghi lây nhiễm đang được các bác sĩ Phòng khám theo dõi điều trị. Tình hình dịch không còn căng thẳng như đợt trước nên Tuấn được lãnh đạo Công an huyện tạo điều kiện nghỉ phép, để ngày 11 và 12-4 tới sẽ tổ chức đám cưới.

Khác với Tuấn và Sáng, Thiếu úy Nguyễn Ngọc Quế, Đội Tổng hợp Công an huyện Bình Xuyên thì lại lên đường nhận nhiệm vụ khi vừa tổ chức đón dâu 1 ngày. Sau đêm tân hôn, Quế nhận được lệnh của lãnh đạo Công an huyện trở về cơ quan để đi công tác “đặc biệt”. Lúc này, anh đang trong giai đoạn nghỉ phép, hai vợ chồng đã lên kế hoạch chuẩn bị đi tuần trăng mật. Trở về đơn vị, anh được giao nhiệm vụ chống dịch ở xã Sơn Lôi. Sau đó, đơn vị cho anh về một buổi tối ngày 10-2 để vận động vợ và gia đình.

Nhớ lại thời điểm đó, Quế chia sẻ: “Sáng hôm sau, thấy chồng ra khỏi nhà, vợ em hụt hẫng, khóc nhiều lắm. Lúc ấy em động viên, thôi anh đi, thời gian tới anh về nhưng thực ra em hiểu phương án chống dịch chưa biết lúc nào kết thúc. Sau này, em gọi điện động viên, vợ em đã hiểu công việc của chồng, nhắn em giữ gìn sức khỏe, đeo khẩu trang, rửa tay sát trùng thường xuyên để không bị nhiễm bệnh”.

Quế làm nhiệm vụ tại chốt nằm giữa cánh đồng của thôn Lương Cao. Chốt có 37 người chia làm 4 ca (9 người/ca, trong đó có 6 nữ y tế). Ngày 3-3 gỡ phong tỏa xã Sơn Lôi, đúng vào ngày sinh nhật Quế nhưng anh cũng không thể trở về nhà mà về đơn vị tiếp tục công việc.

500 cán bộ, chiến sĩ phải cách ly vì nhiệm vụ

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, khi có quyết định cách ly Sơn Lôi, Công an tỉnh đã trưng dụng Đồn Công an Bá Thiện làm trụ sở của Ban chỉ huy chống dịch, huy động gần 500 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ và tất cả đều phải thực hiện cách ly theo quy định.

Hằng ngày, những chiến sĩ ở 12 chốt ra vào xã Sơn Lôi hết ca trực thì về các lều bạt ăn nghỉ, tắm giặt, vệ sinh cá nhân. Có những chốt ở xa thì cán bộ chiến sĩ ngủ luôn ở đấy. Ngay như Trưởng ban chỉ huy tại các chốt ở vùng dịch Sơn Lôi - Thượng tá Hoàng Việt Lào (Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ), nhà ở cách Sơn Lôi chỉ hơn chục cây số, từ mùng 2 tết tới ngày hết phong tỏa vẫn chưa được về. Gần 500 cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Sơn Lôi cũng như vậy.

Cán bộ chiến sĩ Công an, Quân đội tỉnh Vĩnh Phúc dựng lều trại để làm nhiệm vụ ở Sơn Lôi.

Trong 21 ngày đóng 24/24h tại 12 chốt, các chiến sĩ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và nguy cơ lây nhiễm cao. “Lãnh đạo chúng tôi phải thường xuyên làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác. Tôi luôn lo lắng lỡ có đồng chí không may bị lây nhiễm từ vùng dịch nhưng đến giờ phút này, tôi đã có thể thở phào được rồi” - Đại tá Đinh Ngọc Khoa chia sẻ.

Có lẽ, nhiều người không biết, một nhiệm vụ quan trọng trong công tác chống dịch tại Vĩnh Phúc là điều tra cơ bản đối tượng nghi lây nhiễm và đối tượng nhiễm COVID-19 để thực hiện biện pháp cách ly. Và công việc này hoàn toàn là nhiệm vụ của Công an tỉnh Vĩnh Phúc.

Đại tá Đinh Ngọc Khoa cho biết, thực hiện được biện pháp này, phải xác định được ai là người có nguy cơ lây nhiễm. 8 công nhân từ Vũ Hán về có 7 người ở Vĩnh Phúc thì 5 người nhiễm bệnh, người thứ 6 ở Thanh Hóa nhưng làm việc ở Vĩnh Phúc. Khi phát hiện ca dương tính, công an tỉnh lập tức lập sơ đồ, xác minh các mối quan hệ họ đi đâu, làm gì, gặp gỡ, tiếp xúc với ai, thậm chí họ đi hát karaoke, ngủ ở khách sạn nào là lập tức phải đến phun tiêu trùng, khử độc ở đấy; họ gặp gỡ gia đình nào, người nào, lập tức công an đến đưa những người này đi cách ly...

Tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện 4 vòng cách ly nên số người phải xác minh rất lớn. Thời gian đầu, nhiều người phản ứng, không muốn đi cách ly. Lực lượng công an phải thuyết phục, vận động, giải thích trên tinh thần vừa cương quyết, vừa mềm dẻo đã giúp người dân hiểu và chấp hành, chỉ số ít phải cưỡng chế.

“Việc điều tra cơ bản 11 người nhiễm bệnh, từ đó ra cả nghìn người nghi lây nhiễm, đưa đi cách ly tập trung. Vào thời điểm này, trừ một số cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ cấp bách điều tra án, làm giao thông trật tự, còn lại Công an tỉnh huy động gần hết cán bộ chiến sĩ, có lúc lên tới 1.500 cán bộ chiến sĩ tham gia phòng chống dịch” - Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc nói.

Tuy khoanh vùng dập dịch ở Sơn Lôi đã bước đầu thành công, song theo Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Công an tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang tiếp tục chống dịch giai đoạn 2. Hiện, Công an tỉnh xây dựng 21 tổ công tác, phối hợp với chính quyền địa phương tới các khu công nghiệp làm việc với từng công dân của 3 nước Hàn Quốc, Italy, Nhật Bản để rà soát, xác minh, loại trừ trường hợp nghi nhiễm. Riêng công nhân ở Hàn Quốc có 2.000 người cần phải xác minh, đã sàng lọc được 40 người có liên quan đến dịch tễ phải áp dụng cách ly tập trung.

Ngoài ra, số công nhân về trước ngày có quyết định cách ly, Công an tỉnh lại đến từng nhà xác minh, sau đó đưa cả gia đình, hàng xóm và những người tiếp xúc với số công nhân trên đưa đi cách ly.

Nhiệm vụ còn khi dịch chưa kết thúc, dù vất vả, khó khăn, song cán bộ chiến sĩ luôn hết mình chống dịch với tinh thần không chủ quan với bất cứ trường hợp nhiễm bệnh nào, luôn cảnh giác, ứng phó mau lẹ với các tình huống xảy ra.

Trần Hằng - Minh Hiền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/21-ngay-bam-tru-o-son-loi-585113/