2021 - Năm của châu Á?

Thế giới đang bước vào năm 2021 với nhiều câu hỏi chờ được giải đáp. Một trong số đó là liệu sự kiện 'thiên nga đen' COVID-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng kinh tế, tài chính và tiền tệ toàn cầu năm 2021? Mặc dù không có nhận định chắc chắn nào về triển vọng kinh tế thế giới trong năm nay, song một số đánh giá cho rằng châu Á sẽ nổi lên là đầu tàu kinh tế thế giới.

Năm 2020 đã khép lại song không ai có thể quên sự kiện “thiên nga đen” COVID-19 đầy khó lường và không dự báo trước đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, thị trường tài chính và thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm 2020. Vì vậy, hoạt động kinh tế, tài chính và tiền tệ toàn cầu trong năm 2021 có tươi sáng hơn năm 2020 hay không phụ thuộc vào khả năng các nước kiểm soát được đại dịch, trong đó điểm mấu chốt là “bảo bối” mang tên vaccine ngừa COVID-19.

Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group nhận định rằng COVID-19 sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2021 ngay cả khi nhiều nước triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine. Điều này sẽ dẫn đến thực tế là mô hình phục hồi kinh tế hình chữ K sẽ tiếp tục là xu hướng của năm 2021, trong đó, một số nước có thể phục hồi kinh nhanh hơn, trong khi số khác sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Trung Quốc, nước vốn sớm khôi phục được hoạt động kinh tế sau các bước đi kiểm soát dịch bệnh, được cho là sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế.

Châu Á sẽ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới 2021.

Châu Á sẽ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới 2021.

Trong khi đó, các nước giàu khác trên thế giới khó có thể phục hồi hoàn toàn sớm nhất cho đến năm 2022. Nền kinh tế Mỹ vẫn đang phải vật lộn để tạo lực đẩy với mối quan tâm chính trong tương lai vẫn là những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng 3,5% trong năm nay, sau khi giảm 3,6% vào năm 2020. Mặc dù vậy, nhờ lợi thế từ Trung Quốc, WB nhận định năm 2021 có thể đánh dấu sự phục hồi kinh tế giai đoạn đầu, tương tự như giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Năm của châu Á

Theo tạp chí Foreign Policy, đa phần giới chuyên gia kinh tế nhận định năm 2021 sẽ chứng kiến nền kinh tế toàn cầu hồi sinh nhanh chóng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2021 sẽ đạt 5,2%. Những chuyên gia kinh tế khác dự đoán những nước sẽ khôi phục kinh tế mạnh mẽ nhất trong năm 2021 là những nước áp dụng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong năm 2020, trong đó đa phần là các nước ở khu vực châu Á và Đông Nam Á. Theo nhật báo Business Standard của Ấn Độ, “kẻ thắng lớn” trong cuộc chiến chống COVID-19 và sớm lấy lại đà tăng trưởng sẽ là Trung Quốc và Hàn Quốc vì đây là hai nước đã đạt thành công trong cuộc chiến ngay từ thời gian đầu.

Đường phố Jakarta (Indonesia) nhộn nhịp.

Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mà WB công bố gần đây, “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế thế giới nói chung và châu Á nói riêng là Trung Quốc bởi nước này có thể phục hồi nhanh chóng sau mức tăng trưởng 2% năm 2020. Kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng 7,9% trong năm nay nhờ cải thiện lòng tin người tiêu dùng cũng như sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh. Còn trang mạng aninews cũng của Ấn Độ nhận định Việt Nam cũng trở thành nền kinh tế sáng giá trong số các nền kinh tế Đông Nam Á trong năm 2021.

Giới quan sát dự báo năm 2021, châu Á sẽ là “đầu tàu” kinh tế thế giới nhờ việc nhiều nước trong khu vực đã phần nào kiểm soát được dịch bệnh và bắt đầu khởi động lại nền sản xuất, trong khi nền kinh tế Mỹ và nhiều nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Đã xuất hiện những “điểm sáng hy vọng” khi một số nước khu vực ghi nhận tín hiệu phục hồi trong năm 2020, đặt nền tảng cho tăng trưởng trong năm 2021.

Bộ trưởng Ðiều phối các vấn đề kinh tế Indonesia cho biết, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý IV-2020 dự báo có thể dao động trong phạm vi từ -2% đến 0,6% nhờ động lực phục hồi bắt đầu từ quý III-2020. Còn tại Thái Lan, sau khi điều chỉnh các yếu tố thời vụ, kinh tế Thái Lan đã tăng trưởng 6,5% trong quý III-2020. Đây là những tín hiệu hy vọng trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn đang u ám bởi tác động tiêu cực từ đại dịch.

Ngoài ra, một sự kiện khẳng định vai trò này của châu Á là việc 14 nước châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Chiếm tới 30% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, 28% thương mại thế giới và có liên quan đến 2,2 tỷ dân, RCEP tạo ra một thị trường lớn trong lòng châu Á.

Đây chính là một giải pháp hiệu quả cho phát triển kinh tế khu vực, mà không phải lệ thuộc vào triển vọng phục hồi kinh tế của Mỹ và châu Âu. Vì vậy, việc ký kết thỏa thuận đa phương này đánh dấu mốc về sự thay đổi kinh tế mang tính chiến lược cho khu vực. Theo chuyên gia kinh tế Patrick Artus tại Ngân hàng Natixis (Pháp), dự báo tăng trưởng châu Á năm 2021 sẽ đạt 4%. Một ưu điểm khác của châu Á là khu vực này chi cho nghiên cứu và phát triển cao hơn cả Mỹ, nên từ góc độ này, châu Á có thể được ví như là một “cường quốc” công nghệ.

Năm bản lề của số hóa tiền tệ

Tờ Tin tức thế giới của Malaysia cho rằng một khả năng khác rất đáng quan tâm là năm 2021 có thể là một năm mang tính bản lề đối với hoạt động số hóa tiền tệ. Cùng với việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thúc đẩy số hóa đồng nhân dân tệ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có kế hoạch thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số. Ngoài nỗ lực của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), “người khổng lồ” mạng xã hội Facebook đã công bố sẽ ra mắt tiền điện tử Libra vào tháng 1-2021. Đây được dự báo sẽ là một cơn địa chấn mới dẫn đến cuộc cách mạng tiền tệ kỹ thuật số toàn cầu sau khi đồng tiền số Bitcoin đạt mức giá cao kỷ lục là hơn 32.000 USD vào ngày 3-1-2021.

Mức độ phục hồi kinh tế phụ thuộc vào khả năng mỗi nước kiềm chế đại dịch COVID-19.

Liên quan đến chính sách tài chính và tiền tệ toàn cầu trong năm 2021, ngân hàng trung ương của nhiều nước dự kiến sẽ tiếp tục duy trì các chính sách nới lỏng định lượng và cho phép lạm phát ở mức cao hơn. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ không tăng lãi suất trước cuối năm 2023 trong khi Anh và châu Âu cũng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, do vậy đồng USD sẽ tiếp tục đà giảm giá.

Thách thức phía trước

Tờ Fox Business đã chỉ ra 5 thách thức lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu trong năm 2021. Trong đó, đáng nói hơn cả là nền kinh tế đầu tàu thế giới vốn được kỳ vọng sẽ dẫn dắt kinh tế thế giới thoát “cửa tử” do đại dịch COVID-19 gây ra giờ đây lại đang “nằm liệt giường” với hàng loạt căn bệnh” như nền kinh tế suy giảm do đại dịch, chia rẽ chính trị nội bộ và tính bền vững cũng như tính hiệu quả của hoạt động chính trị của tân Tổng thống Joe Biden.

Trong một báo cáo, Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nhà sáng lập công ty này Ian Bremmer và Chủ tịch Cliff Kupchan đã không ngại ngần khi bình luận: “Thế giới lâu nay vẫn trông chờ Mỹ khôi phục khả năng dự đoán triển vọng phát triển kinh tế thế giới song chính siêu cường này lại đang đối mặt với những thách thức to lớn của chính mình”. Tuy nhiên, ông Andrei Shleifer, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Đại học Harvard lạc quan khi cho rằng nếu chương trình tiêm vaccine không bị ảnh hưởng hoặc thay đổi thì nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi đáng kể.

Trong khi đó, viễn cảnh đối với châu Âu cũng dường như u ám. Trang mạng Quartz nhận định kinh tế châu Âu sẽ giảm 7% trong năm nay, mức giảm sâu nhất kể từ sau Thế chiến II. Mặc dù mô hình tăng trưởng hình chữ “V” đối với châu lục này là ngoài tầm với, song IMF dự báo kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng khoảng 4,7% trong năm nay, phần lớn diễn ra từ quý II-2021 khi nhiều người dân được tiêm chủng, nới lỏng các hạn chế đi lại và những nước thành viên nhận được hỗ trợ từ quỹ phục hồi của châu Âu trị giá 750 tỷ euro.

Một thách thức khác đó là mô hình phục hồi kinh tế hình chữ K đề cập ở trên sẽ tạo nên một bức tranh mới về giàu-nghèo trên thế giới vốn có thể dẫn đến nhiều bất ổn xã hội hơn nữa. Báo chí gần đây đã bàn về sự nổi lên của hai nhóm xã hội đối lập về mặt thu nhập do những tác động về mặt kinh tế mà đại dịch gây ra.

Những người có thu nhập cao có thể làm việc tại nhà mà không hề phải chi tiêu nhiều cho việc đi lại đến công sở đồng thời vẫn tích lũy thêm được tiền tiết kiệm. Những người giàu có, đặc biệt ở Mỹ, tiếp tục hưởng lợi nhờ những cổ phiếu thành công trên thị trường chứng khoán. Trái lại, một nhóm người khác, thường là giới trẻ, phụ nữ và dân tộc thiểu số, làm việc trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã mất việc hoặc nghỉ việc tạm thời sẽ khó có thể quay trở lại làm việc bình thường trong năm 2021. Bất bình đẳng thu nhập sẽ gia tăng, nhất là nếu chính phủ thu hẹp quỹ trợ cấp cho người mất việc làm.

Năm 2020 cũng là một “cơn ác mộng” đối với các nước xuất khẩu dầu mỏ ở khu vực Trung Đông khi các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại đã khiến giá dầu thô rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Thế nên, nữ tiến sĩ Ellen Wald, một chuyên gia về Trung Đông và tác giả cuốn “Saudi Inc” từng viết rằng: “Sự thật là vào đêm giao thừa này, chúng tôi treo một cuốn lịch mới và nghĩ về tương lai đầy bất định”. Phần lớn giới quan sát đồng tình rằng có nhiều biến số quyết định sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm 2021, song có một mối tương quan trực tiếp giữa khả năng dập dịch và tái thiết tăng trưởng kinh tế.

WB gần đây đã hạ dự báo về mức tăng trưởng đối với nền kinh tế thế giới và cảnh báo rằng tình hình có thể nghiêm trọng hơn nếu sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gia tăng hoặc việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 bị đình trệ. Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 5-1, WB dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới ở mức 4% trong năm 2021 khi việc tiêm chủng ngừa COVID-19 trở nên phổ biến. Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo triển vọng ngắn hạn vẫn "không chắc chắn" và các kết quả tăng trưởng khác nhau có thể xảy ra.

Theo kịch bản bất lợi, dịch bệnh tiếp tục gia tăng và việc triển khai vaccine bị trì hoãn có thể hạn chế mức tăng trưởng toàn cầu xuống 1,6%. Trong khi đó, ở kịch bản trái ngược, việc kiểm soát thành công đại dịch và quy trình tiêm chủng được đẩy nhanh hơn có thể giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng tốc đạt gần 5% trong năm 2021. Tổ chức này cũng cảnh báo hệ quả kéo dài của đại dịch có thể khiến nhiều nước đánh mất những thành tựu đạt được về mức thu nhập bình quân đầu người đã tích lũy được trong “một thập niên hoặc nhiều hơn thế” nếu họ không sớm vượt qua được đại dịch.

Mặc dù vẫn còn nhiều gập ghềnh phía trước, song 2021 được coi là năm trọng tâm toàn cầu vượt lên thử thách và hướng tới sự đoàn kết sau một năm 2020 với vô vàn khó khăn. Tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế có thể bắt đầu "gieo mầm" cho một thế giới tốt đẹp.

Hà Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/2021-nam-cua-chau-a-626996/