2020 sẽ là năm 'nóng nhất lịch sử'

75% khả năng 2020 sẽ là năm nắng nóng lịch sử, chưa từng có trên toàn cầu. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã mang lại bầu trời trong xanh trên khắp thế giới, bấy nhiêu vẫn chưa đủ để làm dịu nền nhiệt của trái đất.

Tháng 4/2020, tại một thị trấn ở Bắc Cực là Qaanaaq (thuộc đảo Greenland), cơ quan khí tượng đo được nhiệt độ cao nhất nơi này đã lên ngưỡng 6 độ C. Trước đó, vào tháng 1, nhiều nơi ở Bắc Cực thậm chí không có tuyết.

Trong quý 1-2020, nền nhiệt ở khu vực Đông Âu và châu Á cao hơn trung bình đến 3 độ C. Những tuần gần đây thì sóng nhiệt đã xuất hiện ở nhiều nơi thuộc nước Mỹ. Miền Tây Úc trước đó cũng trải qua những ngày nóng và cháy rừng kinh hoàng...

Theo The Guardian, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến những kỷ lục về nhiệt độ liên tục bị phá vỡ kể từ đầu năm 2020, mặc dù không hề có sự tác động của El Nino.

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết kỷ lục về nền nhiệt đang được ghi nhận vào năm 2016, khi nhiệt độ tăng vọt vào đầu năm do hiện tượng El Nino dữ dội khác thường và đã giảm xuống ngay sau đó.

Nhiệt độ trung bình trên mặt đất và đại dương toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 3 là 1,15 độ C, trên mức trung bình kể từ năm 1880. Nhiệt độ trung bình từ tháng 1 đến tháng 3/2020 là lần nóng thứ hai từng được ghi nhận trong lịch sử hơn 140 năm đo đạc, chỉ xếp sau ba tháng đầu năm của năm 2016 (2016 là năm nóng nhất lịch sử).

Lượng băng tại Bắc Cực trong tháng 1/2020 chỉ tăng thêm 5,3%, thấp hơn so với mức trung bình của giai đoạn năm 1981-2010, bằng tháng 1/2014, cũng là mức thấp thứ 8 của các tháng 1 trong suốt 42 năm thống kê.

Trong khi đó, độ bao phủ của băng tại biển Nam Cực trong tháng 1 năm nay thấp hơn 9,8% so với mức trung bình, bằng với tháng 1/2011 cũng là tháng thấp thứ 10 trong lịch sử.

NOAA dự báo, 2020 là năm đặc biệt nóng ở Đông Âu và châu Á. Vùng Nam Mỹ và Caribe cũng cho thấy dấu hiệu nóng lên khác thường.

Hiện, cơ quan này nhận định có đến 75% khả năng 2020 sẽ là năm nắng nóng lịch sử, chưa từng có trên toàn cầu.

Sự kiện El Nino mới nhất đã kết thúc vào năm 2019 và nhiệt độ đại dương ở Thái Bình Dương đã trở lại gần với mức bình thường. Tuy nhiên, 2020 thậm chí còn được dự báo thuộc top 5 năm nóng nhất trong lịch sử dù không có El Nino, bởi sự nóng lên toàn cầu vẫn bị một yếu tố khác chi phối đó là khí nhà kính (CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC).

Các nhà khoa học cho biết, theo thống kê xác suất của các nhà nghiên cứu, gần như chắc chắn năm 2020 sẽ xếp hạng trong số 10 năm nóng hàng đầu được ghi nhận. Phân tích cũng cho thấy có 49% khả năng năm 2020 là nóng nhất từ trước đến nay và khả năng cao hơn 98% khả năng năm 2020 sẽ được xếp hạng trong top 5.

Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) cũng nhận định 2020 là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này sẽ kéo dài số năm ấm nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa, kèm theo đó là tính bất ổn định cao của khí quyển trên toàn khu vực.

Karsten Haustein, một chuyên gia về ngành Khí tượng của Đại học Oxford, mặc dù đại dịch do virus corona gây ra đã góp phần gián tiếp làm giảm lượng khí thải mới, việc tích tụ khí nhà kính trong khí quyển vẫn là một mối lo ngại lớn.

"Cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu chưa có dấu hiệu suy giảm. Trong năm nay, mức độ về khí thải sẽ giảm nhưng nồng độ vẫn tiếp tục tăng", Karsten Haustein cho biết.

Vị chuyên gia nói thêm rằng chưa thể nhận thấy bất kỳ dấu hiệu gì của việc suy giảm hiệu ứng nhà kính. Nhưng hiện tại, ông cho rằng mọi người có cơ hội để xem xét lại các lựa chọn và tận dụng cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra để xây dựng lại hệ thống giao thông và sản xuất năng lượng bền vững hơn.

"Vấn đề chỉ còn là thời gian. Chúng ta vừa có một tháng nóng nhất trong lịch sử (tháng 1/2020). Mùa Đông ôn hòa bất thường ở nhiều nơi tại Bắc Bán cầu. Khói và các chất ô nhiễm từ các vụ hỏa hoạn tại Úc đã tuần hoàn trên quy mô toàn cầu gây ra sự tăng đột biến của khí thải CO2. Nhiệt độ kỷ lục được ghi nhận ở Nam Cực đi kèm với băng tan quy mô lớn và sự tan chảy của sông băng ở Greenland và Nam Cực sẽ gây ra hậu quả tồi tệ liên quan đến mực nước biển dâng. Năm 2019, mực nước biển trung bình toàn cầu đạt giá trị cao nhất trong hồ sơ đo đạc." - Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ông Petteri Taalas nói.

Phương Ly

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/khoa-hoc/2020-se-la-nam-nong-nhat-lich-su-174973.html