2020: Những cú sốc của năng lượng toàn cầu (Phần II)

Toàn bộ ngành dầu khí thế giới đã trải qua một năm 2020 đầy biến động chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành công nghiệp được cho là đang dẫn dắt thế giới này. Với giá dầu âm, cuộc chiến giành thị phần, cả nóng và lạnh, thậm chí khủng bố các cơ sở dầu khí có thể trở thành phương tiện can thiệp giá dầu. Cú sốc gây ra bởi virus corona, đã và đang đảo chiều trật tự của cả ngành năng lượng. Hãy cùng Petrotimes điểm lại các điểm nóng trong năm 2020.

Cắt giảm đầu tư và KQKD thua lỗ của hầu hết các ông lớn dầu khí thế giới

Do ảnh hưởng của Covid-19, chi phí đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực năng lượng giảm 20%, tương đương 400 tỷ USD trong năm 2020 - mạnh nhất trong lịch sử, trong đó, giảm nhiều nhất trong lĩnh vực dầu khí - 244 tỷ USD (-32%), điện -79 tỷ USD (-10%), năng lượng tái tạo - 30 tỷ (-10%). Riêng trong ngành dầu khí, các tập đoàn lớn cắt giảm trung bình 30% đầu tư vào E&P, các công ty dầu đá phiến Bắc Mỹ cắt giảm tới 60%. Mặc dù vậy, công ty dầu khí số 1 Mỹ - Exxon Mobil vẫn tập trung vào phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi bởi tin tưởng vào nhu cầu xã hội trong tương lai và năng lượng tái tạo không mang lại tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn so với dầu khí.

Công ty dầu khí lớn nhất thế giới Saudi Aramco công bố KQKD quý 3 ghi nhận lợi nhuận ròng 11,8 tỷ USD, tăng gần 1,8 lần so với quý 2 nhưng cũng giảm tương tự so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 35,015 tỷ USD, doanh thu giảm 33,1% xuống còn 164,9 tỷ USD, sản lượng khai thác dầu khí bình quân đạt 12,4 triệu boe/d, trong đó dầu thô đạt 9,2 triệu bpd. Mặc dù vậy, công ty vẫn thực hiện đầy đủ cam kết chi trả 18,75 tỷ USD cổ tức trong quý 3. Như vậy, trừ các tập đoàn dầu khí Trung Quốc, đến thời điểm này chỉ có 3 công ty quốc tế ghi nhận lợi nhuận quý 3 là Saudi Aramco, Total và Shell. KQKD 9 tháng đầu năm 2020 của 2 công ty dầu khí lớn nhất LB Nga: Rosneft lỗ 2,1 tỷ USD, Gazprom lỗ 7,6 tỷ USD.

ExxonMobil có kế hoạch xóa sổ (writeoff) giá trị tài sản khí đốt tự nhiên trị giá 17 - 20 tỷ USD và cắt giảm đầu tư trong những năm tới xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm trở lại đây do giá dầu khí giảm mạnh, kết hợp với những quyết định sai lầm về mặt chiến lược như mua lại nhà sản xuất khí đá phiến XTO Energy vào năm 2010 với giá 30 tỷ USD. Ngoài Exxon, các công ty dầu khí quốc tế lớn khác đều đã thực hiện cắt lỗ tài sản trong năm 2019 - 2020 tổng giá trị lên tới 80 tỷ USD do phải điều chỉnh triển vọng dài hạn giá nhiên liệu bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Đứng đầu bảng là Shell với giá trị cắt lỗ lên tới trên 22 tỷ USD.

Thay đổi trật tự - chuyển đổi năng lượng

Ngày 7/10, lần đầu tiên trong vòng 30 năm giá trị vốn hóa thị trường của Chevron vượt Exxon Mobil (142,03 so với 141,65 tỷ USD) - trở thành công ty dầu giá trị nhất Mỹ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất là vốn hóa của công ty năng lượng tái tạo NextEra đã chính thức vượt cả Chevron và Exxon (145 tỷ USD), đánh dấu bước ngoặt giữa dầu khí và năng lượng tái tạo trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

Tuy Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu thụ năng lượng điện (-2%) nhưng lại tác động tích cực đến quá trình chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch nói chung sang năng lượng tái tạo (NLTT). Đáng chú ý, sản lượng điện từ các nguồn NLTT năm nay tăng 7%, trong khi điện than giảm 5%, hạt nhân giảm 4%, khí đốt giảm 2% dẫn đến cắt giảm khoảng 5% phát thải CO2. Dự báo vào năm 2021, nhu cầu điện thế giới sẽ tăng 3%, chủ yếu bởi các nước đang phát triển (BRICS). Tỷ trọng các nguồn NLTT cũng sẽ tiếp tục tăng trong tổng sản lượng điện từ 28% hiện nay lên 29%. Bất chấp khủng hoảng kinh tế và cắt giảm đầu tư vào dầu khí, công suất lắp đặt phát điện tái tạo mới toàn cầu năm 2020 dự kiến đạt 200 GW, chủ yếu là điện mặt trời, gió và thủy điện (mặt trời và gió chiếm trên 170 GW).

Dự báo trong trung hạn đến năm 2025, tổng công suất phát điện mặt trời và gió sẽ tăng thêm 1.123 GW lên xấp xỉ 2.400 GW so với 1.200 GW năm 2019 và sẽ vượt công suất phát điện khí vào năm 2023, điện than vào năm 2024. Đồng thời, tất cả các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm đến 95% tăng trưởng công suất phát điện toàn cầu. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện thế giới năm 2020 tăng 2,3% so với năm 2019 lên 27%, dự báo vào năm 2025 tăng lên 33% - tương đương 9.745 TWh, trong đó, lần đầu tiên điện mặt trời và điện gió đóng góp 4.000 TWh, vượt thủy điện vào năm 2024.

Top 5 công ty năng lượng xanh hàng đầu thế giới bao gồm 4 công ty đa quốc gia Enel (Ý), NextEra Energy (Mỹ), Iberdrola (Tây Ban Nha), Orsted (Đan Mạch) và một tập đoàn nhà nước China Energy Investment Corp (CEIC - Trung Quốc). Tập đoàn CEIC sở hữu gần 40 GW công suất phát điện tái tạo - lớn nhất trong số 5 công ty hàng đầu thế giới. Khác với các công ty năng lượng xanh đa quốc gia, CEIC gần như hoàn toàn tập trung vào thị trường nội địa, giống NextEra.

Ngược lại, Enel có địa bàn hoạt động rộng lớn trên 30 quốc gia, bao gồm Chile, Nam Phi, Ấn Độ, Morocco, Mỹ và Canada với tổng công suất NLTT 44 GW (bao gồm cả thủy điện), số lượng nhân viên lên tới 67.000 người. Công ty có kế hoạch đầu tư 190 tỷ USD trong vòng 10 năm tới để tăng gấp đôi công suất phát điện xanh, mục tiêu năm 2030 là 120 GW.

Tại LB Nga, công suất phát điện xanh chủ yếu là thủy điện (gần 50 GW) trên tổng cộng 349 GW, năng lượng mặt trời dưới 0,1 GW. Năng lượng gió là lĩnh vực đang phát triển nhất, tại thời điểm cuối năm 2019 đạt 0,64 GW (chiếm

Chứng khoán thế giới đạt kỷ lục mới

Thị trường chứng khoán toàn cầu phản ứng tích cực với chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất cơ bản (LSCB) ở mức thấp kỷ lục 0% và bơm tiền kích cầu kinh tế, lên tới trên 21,1% GDP tại Nhật Bản, trên 13,2% tại Mỹ. Thêm vào đó, quyết định đưa bà Janet Yellen (nguyên Chủ tịch FED) nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhiệm kỳ mới - chuẩn bị cho những gói kích cầu kinh tế lớn, chỉ số Dow Jones Average (DJA) vượt 30.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử.

Nhờ kiểm soát được dịch tốt, kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng, cùng với đó, vốn hóa TTCK nước này tăng trưởng gần 50% kể từ tháng 3/2020, cộng thêm giá trị 3,3 nghìn tỷ USD và lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ USD. TTCK Mỹ giữ vị trí số 1 với quy mô vốn hóa lên tới 38,3 nghìn tỷ USD, đứng thứ 3 là thị trường Nhật Bản - 6,2 nghìn tỷ USD, tiếp đến là Hồng Kông - 5,9 nghìn tỷ USD và cuối cùng trong top 5 là Anh - 2,8 nghìn tỷ USD.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/2020-nhung-cu-soc-cua-nang-luong-toan-cau-phan-ii-593251.html