2020: COVID-19 và năm bứt phá của ngành y

Năm 2020, COVID-19 đẩy ngành y đứng trước những thách thức chưa từng có, nhưng đây cũng là 'cú hích' tạo nhiều thay đổi mang tính bứt phá trong lĩnh vực y tế.

Việt Nam khống chế COVID-19 hiệu quả nhất thế giới

Thành công này được tạo nên từ vạch xuất phát đầy lo lắng. Ngày 23/1, khi xuất hiện 2 ca bệnh đầu tiên, là 2 cha con người Vũ Hán, Trung Quốc, chúng ta chỉ có trong tay kinh nghiệm của đợt chống dịch SARS năm 2003. SARS-CoV-2 lúc đó còn là ẩn số, khiến hàng trăm người mắc, hàng chục người tử vong tại Vũ Hán (Trung Quốc).

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” ngành y tế quyết liệt triển khai hàng loạt các biện pháp: Ngăn chặn, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị. Hàng nghìn y bác sĩ đã nỗ lực không mệt mỏi, không ngại nguy hiểm có mặt tại các điểm nóng để điều trị cho bệnh nhân và triển khai các biện pháp chống đại dịch.

Hôm nay, trải qua 11 tháng từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, “bóng ma” dịch bệnh vẫn bao trùm cả thế giới, nhưng Việt Nam là một trong số các quốc gia hiếm hoi đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường, trở thành “hình mẫu” khống chế dịch thành công trên thế giới.

Hiện thực hóa giấc mơ có thể khám chữa bệnh từ xa

Mô hình khám chữa bệnh từ xa được đánh giá là bước tiến lớn trong lộ trình thực việc thực hiện chuyển đổi số y tế. Với các hình thức: Tư vấn y tế, khám, chữa bệnh từ xa, tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa, tư vấn phẫu thuật từ xa… đã giúp nhiều người dân ở vùng khó khăn dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao mà không cần về các bệnh viện tuyến TW.

Sau 8 tháng triển khai, đã có 1.300 điểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa với 34 bệnh viện hạt nhân. Hàng trăm ca bệnh phức tạp thông qua các cuộc hội chẩn phẫu thuật từ xa đã được điều trị thành công, tiết kiệm cho ngành y tế, cho bệnh nhân một số tiền không nhỏ.

“Cú hích” COVID-19 cũng thúc đẩy nhanh hơn việc chuyển đổi số y tế trên các lĩnh vực: phòng chống dịch bệnh, y tế dự phòng và đặc biệt lĩnh vực dược, mỹ phẩm, giá trang thiết bị y tế…

Công khai 5 lĩnh vực "nóng" tại cổng công khai y tế

Sau nhiều năm kiên trì thực hiện mục tiêu người dân có quyền được biết và giám sát các dịch vụ y tế do ngành y tế cung cấp, sáng 20/11 Bộ Y tế chính thức khai trương Cổng công khai y tế.

5 lĩnh vực “nóng” được công khai giá bao gồm: Giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán và giá khám chữa bệnh. Việc công khai giá của 5 lĩnh vực “nóng” được xem là cuộc cách mạng trong quản lý y tế, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh các hành động làm sai lệnh giá như từng xảy ra.

1 trong 40 quốc gia thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người

Trong cuộc “chạy đua với thời gian” để sản xuất vaccine COVID-19, xét về năng lực nghiên cứu và công nghệ sản xuất, Việt Nam đương nhiên xếp sau nhiều nước lớn. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể làm được như họ. Sau một thời gian chưa đủ dài đối với một quá trình nghiên cứu và sản xuất vaccine, ngày 17/12 trở thành dấu mốc đáng nhớ.

Mũi vaccine Nanocovax phòng COVID-19 đầu tiên do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu phát triển được tiêm thử nghiệm trên người. Nếu thành công dự kiến tháng 5/2021 có thể tiêm vaccine này cho cộng đồng với giá thành 120.000đồng/liều.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Bộ Y tế thăm người tình nguyện tiêm thử nghiệm Vắc xin tại Học viện Quân Y.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Bộ Y tế thăm người tình nguyện tiêm thử nghiệm Vắc xin tại Học viện Quân Y.

Đến thời điểm này, Việt Nam là 1 trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên người.

Lần đầu tiên lọt danh sách 1 trong 20 nước ghép ruột thành công

Song song với chống dịch, y tế Việt Nam tiếp tục làm chủ kỹ thuật ghép ruột. Đây cũng là tạng cuối cùng trong hành trình chinh phục kỹ thuật đỉnh cao về ghép tạng, bao gồm: Ghép tim, gan, phổi, thận, tụy và ruột mà các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện thành công.

Hai ca ghép ruột từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện vào ngày 27/10 tại Học viện Quân Y. Như vậy, sau 27 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, hiện chúng ta đã theo kịp kỹ thuật ghép tạng thế giới.

Năm đầu tiên lĩnh vực ghép tạng lập kỷ lục mới

Lần đầu tiên, trong vòng 13 ngày Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức ghép thành công 23 tạng, gồm 3 tim, 4 gan và 16 thận, trong đó có 8 ca ghép thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não. Những thành tựu mới được xác lập đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành ghép tạng của Việt Nam.

Cuộc đại phẫu đặc biệt tách cặp "Song Nhi"

Đây là ca đại phẫu thuật vô cùng phức tạp, có sự tham gia của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam nhiều nhất từ trước đến nay, với gần 100 người.

Diệu Nhi và Trúc Nhi là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus cực kỳ hiếm gặp. Trong 13 tháng trước khi diễn ra ca mổ “lịch sử”,các chuyên gia đã nhiều lần phải hội chẩn, bởi so với các ca tách song sinh từng được các y bác sĩ Việt Nam thực hiện, Song Nhi là trường hợp dính liền phức tạp nhất.

Cuối cùng, sau 13 giờ 40 phút cân não, ngày 15/7 y bác sĩ VN đã làm nên kỳ tích, trả lại cho 2 bé một cuộc đời lành lặn như bao trẻ em khác.

Song Nhi là ca tách song sinh thứ 6 mà các y bác sĩ Việt Nam thực hiện trong vòng 32 năm qua. Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao quyết định và bằng xác nhận Kỷ lục Việt Nam cho Bệnh viện Nhi đồngTP.HCM - đơn vị thực hiện thành công ca đại phẫu này.

Đinh Trang - Minh Ngọc/VOV.VN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/2020-covid-19-va-nam-but-pha-cua-nganh-y-ar587723.html