2019 - Năm kinh tế ảm đạm của Ấn Độ

Tại châu Á, Ấn Độ được xem là một 'ngôi sao mới nổi', mặc dù vậy trong năm 2019, nền kinh tế của quốc gia Nam Á này đã chậm lại đáng kể. Các lĩnh vực như bất động sản, ô tô, xây dựng và nhu cầu tiêu dùng nói chung của nước này đều phải đối mặt với sự suy thoái nghiêm trọng và liên tục, do ảnh hưởng chung từ sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, cùng những rắc rối trong lĩnh vực tài chính nội tại của Ấn Độ.

Thủ tướng Narendra Modi và sứ mệnh vực dậy nền kinh tế Ấn Độ

Thủ tướng Narendra Modi và sứ mệnh vực dậy nền kinh tế Ấn Độ

Quý II (tháng 7-9/2019) của năm tài chính hiện tại (tháng 4/2019 đến tháng 3/2020) đã chứng kiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm tốc tới 4,5%, trong khi các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới liên tục hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế châu Á này. Đây là tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất của Ấn Độ trong 26 quý vừa qua, tương đương thời gian hơn 6 năm qua. Những lý do chính khiến tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ giảm là hoạt động sản xuất theo hợp đồng, đầu tư yếu và nhu cầu tiêu dùng giảm. Theo cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) - ông Raghuram Rajan, có những dấu hiệu "bất ổn sâu sắc" trong nền kinh tế Ấn Độ. Ông nhấn mạnh: "Tăng trưởng đang chậm lại đáng kể và hiện tại có rất ít không gian tài chính dành cho chính phủ để gia tăng chi tiêu. Các khoản nợ của doanh nghiệp và hộ gia đình đang tăng lên và nhiều bộ phận của ngành tài chính đang gặp khó khăn. Tình trạng thất nghiệp dường như cũng gia tăng". Ông Rajan cho rằng Chính phủ Ấn Độ hướng tới mục tiêu nền kinh tế 5 nghìn tỉ USD vào năm 2024, tuy nhiên "điều này đòi hỏi phải có sự tăng trưởng thực sự ổn định ít nhất 8-9% mỗi năm kể từ bây giờ".

Từng là Thống đốc RBI từ năm 2013 đến năm 2016 và hiện là Giáo sư Tài chính tại Trường Kinh doanh Đại học Chicago, ông Rajan kêu gọi cải cách tự do hóa vốn, thị trường đất đai và lao động, đồng thời thúc đẩy đầu tư cũng như tăng trưởng. Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman trước đó tuyên bố hơn 30 bước trong các lĩnh vực khác nhau để đẩy lùi suy thoái, nhưng dường như không biện pháp nào trong số này tỏ ra hiệu quả, ngay cả khi người ta lo ngại rằng sự suy thoái kinh tế có thể sớm chạm mức 3,5%.

Dự báo tài khóa 2019/20 của Ấn Độ đã giảm 1,1 điểm xuống còn 5,0%. Chuyên gia Tirthankar Patnaik thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Quốc gia Ấn Độ nhận xét: "Niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp vào sự điều hành của chính phủ không nhiều, cùng với đó là điều kiện tài chính eo hẹp, có khả năng khiến quỹ đạo tăng trưởng của Ấn Độ bị kìm nén trong hai năm tới".

Phân tích tình trạng trì trệ kéo dài của nền kinh tế Ấn Độ, hồi đầu tuần, IMF khuyến cáo chính phủ nước này không nên thực hiện biện pháp kích tích tài chính, thay vào đó nên duy trì việc nới lỏng ít nhất cho đến khi quá trình phục hồi xuất hiện. Theo IMF, việc tiến hành kích thích trong tình hình tài chính hiện nay sẽ rất rủi ro và những khoản thất thu từ doanh thu của doanh nghiệp do việc thực thi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mới đây cần được cân đối. IMF gợi ý chính phủ rằng doanh thu từ thuế thu nhập cá nhân có thể được tăng lên nhờ vào việc ngừng miễn thuế và nâng mức đóng thuế của những đối tượng thu nhập cao.

Phó Thủ tướng Ấn Độ Venkaiah Naidu thừa nhận kinh tế Ấn Độ đang đối mặt với một số thách thức song vẫn bày tỏ hy vọng về một khả năng phục hồi trong tương lai gần. Ông tin tưởng rằng nền kinh tế sẽ sớm hồi phục vì suy yếu hiện tại mang tính chu kỳ.

Thanh Phương

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/2019-nam-kinh-te-am-dam-cua-an-do-118112.html