2019- năm của thảm họa đốt phá rừng

Từ Brazil, Mỹ đến CH Congo, Angola, lửa rừng đã lan rộng và thiêu đốt thêm nhiều thảm thực vật ở Đông Nam Á và Úc gây ra những thảm họa môi trường chưa từng có.

Đã có ít nhất 1,6 triệu ha diện tích thực bì và rừng tự nhiên thuộc bảy tỉnh của Indonesia đã bị người dân đốt phá để lấy đất canh tác trong 10 tháng đầu năm. Điều này không những phản ánh thực trạng khan hiếm đất sản xuất mà còn khiến người dân phải hứng chịu những đợt khói bụi gây ô nhiễm trên diện rộng.

Hoạt động đốt rẫy của người dân lấy đất canh tác bùng nổ trong năm 2019

Theo CNA, tỷ lệ các đợt đốt phá rừng tại quốc gia Đông Nam Á với xấp xỉ 300 triệu dân trong năm 2019 thuộc diện tồi tệ nhất kể từ năm 2015 khi có tới 2,6 triệu ha diện tích tự nhiên bị phá.

Nguyên nhân các vụ đốt phá rừng đều được “đổ tội” cho hoạt động phát quang để lấy đất trồng cọ dầu sau đó lan rộng, đặc biệt là vào mùa khô, đe dọa nhiều loài động thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng như hổ và đười ươi.

Lực lượng cứu hỏa hầu như bó tay với giặc lửa tại nhiều quốc gia

"Ước tính có khoảng 76% diện tích bị cháy trước đó là thuộc đất hoang hóa, là thực bì hoặc rừng tự nhiên. Tuy nhiên chu kỳ đốt phá cứ bị lặp đi lặp lại nhiều lần khiến đất đai bị chết, suy thoái canh tác không hiệu quả”, ông David Gaveau, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) cho biết.

Thống kê, khoảng 60.000 ha rừng mưa nhiệt đới tại Indonesia đã bị cháy hoặc khai thác trong vòng 10 tháng qua. Trong đó, hai tỉnh có diện tích rừng tự nhiên bị cháy nhiều nhất là Jambi và Tây Kalimantan, hiện là hai địa phương chỉ còn hiếm hoi các cá thể hổ và đười ươi trú ngụ.

Trước đó, Reuters dẫn báo cáo cho hay, có khoảng 13 triệu ha (50.000 km²) diện tích rừng Amazon đã bị triệt hạ để lấy đất trồng đậu nành. Đặc biệt là trong năm 2019 này, số lượng các vụ cháy rừng ở Brazil đã tăng trên 83% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một cậu bé nhìn về một đám cháy rừng ở Trung Kalimantan

Tính riêng trong tháng 8/2019, số vụ cháy rừng thuộc Amazon đã tăng gần gấp bốn lần, tương đương 2.127 vụ nhưng chỉ bằng 2/3 so với CH Congo (3.395 vụ) và 1/3 so với Angola (6.902 vụ) do 2 quốc gia Trung Phi này cũng đang khủng hoảng thiếu đất canh tác.

“Không bây giờ thì bao giờ?” có lẽ sẽ là khẩu hiệu cảnh báo có tần suất được sử dụng nhiều nhất trong thời gian 2 tuần lễ diễn ra Hội nghị Công ước khung của LHQ về biến đối khí hậu (COP25) tại Madrid (Tây Ban Nha). Theo các nhà khoa học, năm 2019 ghi nhận là một trong ba năm có nền nhiệt tăng kỷ lục do nắng nóng.

Phát biểu trong lễ khai mạc COP25 hôm 2/12, Tổng thư ký LHQ António Guterres nói rằng, “không còn nhiều cơ hội để quay đầu" khi ám chỉ khoảng cách giữa ý chí của thế hệ trẻ và hành động của các chính phủ.

Kim Long

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/2019-nam-cua-tham-hoa-dot-pha-rung-post254177.html