2018 sẽ thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Theo Chánh Thanh tra tỉnh Vĩnh Long Lê Việt Hòa, trong năm 2018, ngành Thanh tra tỉnh Vĩnh Long sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước của sở, ban, ngành cấp tỉnh. Đặc biệt, sẽ tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra lại, kiểm tra tính chính xác, khách quan đối với các kết luận của sở, ngành và quận, huyện, thành phố, thị xã.

Về kết quả công tác thanh tra năm 2017, ông Hòa cho biết, trong năm, toàn ngành đã tiến hành triển khai thực hiện 88 cuộc thanh tra ở 141 đơn vị, trong đó có 78 cuộc thanh tra trong kế hoạch và 10 cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND và thủ trưởng cùng cấp. Ban hành kết luận 86 cuộc thanh tra ở 141 đơn vị.

Qua thanh tra, phát hiện có 51 đơn vị vi phạm trong hoạt động quản lý, thu chi ngân sách và hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng sai phạm, vi phạm về kinh tế hơn 80,3 tỷ đồng. Kiến nghị thu hồi nộp ngân sách hơn 6,9 tỷ đồng; chấn chỉnh theo đúng quy định tài chính hơn 73,4 tỷ đồng. Kiến nghị xử lý hành chính hình thức kiểm điểm trách nhiệm 56 cá nhân và 4 tổ chức. Qua kết quả thanh tra chưa phát hiện có hành vi tham nhũng.

Triển khai 752 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành ở 7.534 đơn vị, cá nhân, trong đó có 132 cuộc có thành lập đoàn và 620 cuộc thanh kiểm tra độc lập. Qua thanh kiểm tra phát hiện 1.804 đơn vị, cá nhân có sai phạm. Ban hành là 1.540 quyết định, số tiền xử phạt vi phạm hơn 7,5 tỷ đồng. Thu hồi được hơn 7 tỷ đồng - đạt 93%.

Thanh tra các cấp đã tiến hành kiểm tra việc tổ chức thực hiện 42/45 kết luận thanh tra. Kết quả có 93,3% kết luận được các đơn vị tổ chức thực hiện, có nhiều chuyển biến tích cực hơn, phần lớn có đảm bảo đúng về thời gian và nội dung theo các kiến nghị xử lý. Còn lại 3 kết luận chưa thực hiện dứt điểm, nguyên nhân là do cán bộ đã nghỉ hưu không hợp tác, đang chờ xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Về kinh tế, các đơn vị đã thực hiện được hơn 3,4 tỷ đồng trên tổng số hơn 5,1 tỷ đồng (đạt 67%). Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm xong 11 tổ chức và 43 cá nhân theo kiến nghị.

Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC), cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh tiếp tổng cộng 1.767 lượt, 2.416 lượt người, với 1.555 vụ việc; tiếp nhận 1.533 đơn thư. Sau khi xem xét cơ quan hành chính các cấp đã xử lý chuyển trả và hướng dẫn công dân đến đúng cơ quan có thẩm quyền để được xem xét giải quyết.

Có thể nói, đạt được kết quả trên là do các cấp ủy Đảng và lãnh đạo các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KN,TC, yêu cầu, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền; xử lý kịp thời các vụ khiếu nại, yêu cầu đông người phát sinh ngay tại cơ sở. Từ đó, nhiều vụ khiếu nại, yêu cầu phức tạp đã được giải quyết dứt điểm, không phát sinh thành điểm nóng, không có trường hợp khiếu nại vượt cấp đến các cơ quan Trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Trong quá trình giải quyết KN,TC, yêu cầu của công dân, Chủ tịch UBND các cấp, lãnh đạo các ngành đã thực hiện việc tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân, nhằm công khai, minh bạch chứng cứ xác minh theo quy định pháp luật, tổ chức họp Hội đồng tư vấn để xem xét trước khi ban hành quyết định giải quyết theo quy định của pháp luật.

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2018, theo Chánh Thanh tra tỉnh Vĩnh Long Lê Việt Hòa, trong công tác thanh tra kinh tế - xã hội, ngành Thanh tra tỉnh Vĩnh Long sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước của sở, ban, ngành cấp tỉnh (tập trung vào các chức năng chính, nhiệm vụ quan trọng); thanh tra công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật của UBND các huyện, thành phố, thị xã trên một số lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý tài chính, tài sản công; việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC và phòng, chống tham nhũng (PCTN); thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc tỉnh, thành phố.

Thanh tra chuyên đề diện rộng theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; thanh tra trách nhiệm của giám đốc sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đặc biệt, tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra lại, kiểm tra tính chính xác, khách quan các kết luận của sở, ngành và quận, huyện, thành phố, thị xã; các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao.

Thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các ban, ngành trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng, tập trung vào công tác quản lý, sử dụng đất đai, giao đất, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý thi chi tài chính, ngân sách; công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (nếu có), an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác quản lý chi bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế địa phương quản lý; thực hiện các cuộc thanh tra trách nhiệm về tổ chức thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp dân, giải quyết các KN,TC và PCTN.

Đối với công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc KN,TC đạt tỷ lệ trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh; chú trọng việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80%; tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 2100 của Thanh tra Chính phủ, coi đây là việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành nhằm đạt được mục tiêu giảm khiếu nại đông người, phức tạp, vượt cấp.

Tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước và hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, KN,TC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KN,TC để nâng cao hiểu biết pháp luật về KN,TC của cán bộ, nhân dân (tập trung ở khu vực xã, phường thị trấn).

Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp phòng ngừa tham nhũng; chú trọng giải pháp công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức nhất là cán bộ quản lý; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; xây dựng và thực hiện tốt các chế độ, định mức, tiêu chuẩn...

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; xử lý những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, TC sai sự thật; chú trọng xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.

Lê Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/2018-se-thanh-tra-dot-xuat-khi-phat-hien-co-dau-hieu-vi-pham-phap-luat_t114c1059n130662