2018 - Năm đột phá của bóng đá học đường TP.HCM

Năm 2018 là cột mốc quan trọng đánh dấu sự thành công vang dội của giai đoạn 5 năm đầu chương trình Bóng đá học đường của Liên đoàn bóng đá TP.HCM.

Năm 2018 có thể xem là một năm thành công của bóng đá nước nhà với những chiến tích vang dội ở đấu trường khu vực và châu lục; cũng là cột mốc quan trọng đánh dấu sự thành công vang dội của giai đoạn 5 năm đầu chương trình Bóng đá học đường của Liên đoàn bóng đá TP.HCM. Chương trình đã thực sự trở thành một điểm nhấn trong việc ươm mầm tình yêu bóng đá cho các em thiếu nhi.

2018 - Năm đột phá của bóng đá học đường TP.HCM. (Ảnh: Hà Khánh)

2018 - Năm đột phá của bóng đá học đường TP.HCM. (Ảnh: Hà Khánh)

Dưới cái nắng gay gắt của những ngày cuối năm, các cầu thủ nhí tham gia Festival bóng đá trên 4 sân bóng mini ở sân Tao Đàn, Quận 1 vẫn thi đấu hết sức hào hứng và quyết liệt trong sự cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên, phụ huynh và thầy cô.

Trên sân, các đội bóng ở từng khối lớp thi đấu hết sức chững chạc, bài bản; cầu thủ hai đội đồng phục tươm tất, trọng tài điều hành trận đấu chuyên nghiệp, khiến chúng tôi có cảm giác giống như đang xem một trận thi đấu đỉnh cao.

Những pha ăn mừng chuyên nghiệp hay những giọt nước mắt tiếc nuối sau tình huống đá hỏng pen… khiến cổ động viên bên ngoài thêm chăm chú theo dõi. Hai em Anh Kiệt và Bảo Minh, cùng là học sinh trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 nói:

"Con rất vui dù không giành chiến thắng nhưng đã được gặp rất nhiều bạn. Con chơi bóng đá từ khi con 5 tuổi và khi chơi bóng đá thì con cảm giác như được tự do chạy nhảy, làm cho thể lực con tốt hơn.

Con thấy bóng đá học đường là môn rất bổ ích vì nó giúp con rèn luyện sức khỏe. Một tuần con tập khoảng 7 lần, con thần tượng Quang Hải và mong muốn được vào đội U23 Việt Nam."

Chương trình bóng đá học đường giúp các em nhỏ có dịp "cháy" hết mình cùng đam mê. (Ảnh: Hà Khánh)

Ngoài sân, các phụ huynh cũng chăm chú theo dõi các pha bóng. Ông Lê Bá Mạnh, ngụ Quận 4, ông ngoại của em Bá Liêm, học sinh trường tiểu học Vĩnh Hội cho biết, thấy cháu đam mê bóng đá nên gia đình sắp xếp thời gian hợp lý để giúp cháu được chơi môn thể thao mà mình yêu thích:

"Bóng đá học đường rất tốt, tập cho các em từ 5,6 tuổi đi dần lên thì rất tốt. Sau “hiệu ứng” U23 Việt Nam thì tinh thần các cháu rất là cao. Bản thân cháu ngoại tôi rất đam mê nên bây giờ tôi phải chịu khó đưa học xong rồi đưa đi đá bóng từ Quận 4, Quận 1. Mà cháu nó rất mong chờ đến ngày thứ 7, Chủ nhật để được chơi bóng".

Theo thầy Phạm Thanh Duy, “huấn luyện viên” đội bóng Trường tiểu học Vĩnh Hội, Quận 4, các thầy cô khi dẫn dắt đội bóng chủ yếu là hướng dẫn các bài chiến thuật đơn giản hoặc đơn thuần chỉ là cổ vũ tinh thần các em thi đấu hết mình trên sân:

"Niềm đam mê là các bạn nhỏ có sẵn rồi, vấn đề là các thầy đi theo có tâm thì cổ vũ tinh thần các em. Chủ yếu là cổ vũ, ủng hộ mấy con như người bạn để các con đá. Đây là ngày vui các con nên mình cũng cố gắng vui hết sức theo".

Bóng đá học đường là chương trình trọng điểm trong Dự án Bóng đá Vì ngày mai của Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) giai đoạn 2012 – 2020. Kiến trúc sư trưởng của chương trình này là chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, một huấn luyện viên dày dạn kinh nghiệm ở V-League nhưng đã quyết định chọn sự nghiệp ươm mầm bóng đá trẻ.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương trình bày về những kế hoạch sắp tới. (Ảnh: Hà Khánh)

Tiếp chúng tôi trong văn phòng tại trụ sở HFF, ông Đoàn Minh Xương tất bật chuẩn bị nào là huy chương, cờ lưu niệm, chốc chốc cuộc nói chuyện bị gián đoạn vì phải giải quyết các khâu giấy tờ với các trường tiểu học trên khắp địa bàn.

Ông Xương cho biết, hiện nay, các cụm trường tranh thủ dịp giữa học kỳ để tổ chức Festival Bóng đá học đường. Tuy bận rộn nhưng ông và các cộng sự rất vui vì chương trình đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Đó là sau 5 năm thực hiện, từ chỗ năm học 2013 – 2014 chỉ có 40 trường với 1500 học sinh tham gia, khi kết thúc năm học 2017 – 2018 đã có 184 trường tiểu học với gần 11.000 học sinh tham gia.

Được biết, chương trình Bóng đá học đường cũng đã được Sở Giáo dục Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao TP đưa vào khuôn khổ Chương trình “Năng động Việt Nam” nằm trong Đề án quốc gia 641, Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc của người Việt Nam giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ.

Ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP nhận xét nhờ khảo sát tốt nên chương trình được thực hiện bài bản, chu đáo, đội ngũ giáo viên ngày càng nâng cao trình độ, công tác tổ chức chuyên nghiệp.

Theo kế hoạch, thời gian tới sẽ nâng lên 220 trường tiểu học, 80 trường trung học cơ sở tham gia chương trình bóng đá học đường. Ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM nói:

"Chúng ta phải tính đến khả năng, qui mô, năng lực. Ai cũng muốn phát triển, tăng hằng năm nhưng chúng ta phải thực tế. Cơ sở vật chất phải khảo sát kỹ, điều kiện nhà trường đủ đáp ứng mới cho phát triển, có giáo viên, ban giám hiệu yêu thích quan tâm có đủ trình độ thì chúng ta mới cho phát triển chứ không chạy theo số lượng."

Niềm vui của các cầu thủ nhí. (Ảnh: Hà Khánh)

Theo ông Đoàn Minh Xương, tâm huyết của ông và mọi người lả mong muốn bóng đá học đường trở thành dự án lâu dài, lan rộng ra cả nước. Trong giai đoạn tiếp theo, chương trình bóng đá học đường sẽ nâng lên một tầm cao mới, chuyên nghiệp hơn.

Những cậu bé yêu thích bóng đá không chỉ được thỏa niềm vui chơi bóng mà sẽ được tiếp cận với một giáo án chuyên nghiệp, học hỏi từ Trung tâm phát triển bóng đá trẻ PVF, Học viện Olympic Lyon, Học viện Juventus… Chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích: Hiện nay các lò đào tạo bóng đá trong nước chỉ nhận cầu thủ từ 10 – 15 tuổi nên nếu làm tốt việc xây móng cho các em ngay từ lứa tuổi 5 – 10 tuổi sẽ giúp các em hình thành những kỹ năng, thói quen từ nhỏ và sẽ dễ dàng tiếp cận với các chương trình huấn luyện sau đó:

"Nếu các em được tổ chức bài bản khoa học với những người thầy giỏi thì chắc chắn chúng ta sẽ phát hiện ra những em thật sự có năng khiếu. Và những em này đã được đào tạo ngay từ nhỏ thì sau này hiệu quả đào tạo cầu thủ chắc chắn sẽ cao. Thì rõ ràng giai đoạn ban đầu hết sức quan trọng và nếu chúng ta phát triển thành chương trình trong phạm vi toàn quốc, chính khóa và bài bản thì sẽ đạt hiệu quả cao".

Có thể nói, năm 2018 đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của chương trình Bóng đá học đường. Những kết quả đáng khích lệ trong 5 năm qua cùng với hiệu ứng hết sức mạnh mẽ của U23 Việt Nam, của đội tuyển Việt Nam sẽ tạo đà cho chương trình này tiếp tục phát huy hiệu quả, ươm mầm tình yêu bóng đá, giúp nâng tầm thể chất con người Việt Nam và đưa bóng đá nước nhà ngày càng phát triển./.

Hà Khánh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-thao/2018-nam-dot-pha-cua-bong-da-hoc-duong-tphcm-865495.vov