2018: Năm của những sự việc giáo dục 'chưa từng có'

Liên tục các vụ bạo lực thể chất, tinh thần học sinh gây chấn động; gian lận điểm thi THPT Quốc gia chưa từng có trong lịch sử hay thúc đẩy lồng ghép giới trong chương trình SGK phổ thông… là một số vấn đề đáng chú ý trong lĩnh vực giáo dục năm 2018.

1. Thúc đẩy lồng ghép giới trong chương trình SGK phổ thông

Vào tháng 9/2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức thành công hội thảo về Lồng ghép giới trong chương trình sách giáo khoa phổ thông. Đây là vấn đề đã được Hội cân nhắc, bàn thảo trong thời gian dài. Theo đó, phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 cho thấy, nhiều biểu hiện bất bình đẳng giới trong SGK như tỉ lệ xuất hiện trong SGK tiểu học 49% dành cho nữ, 51% dành cho nam; THCS 33% nữ, 67% nam, THPT 19% nữ, 81% nam.

Số liệu thống kê cho thấy sự bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa hiện hành

Bên cạnh mất cân đối về tỷ lệ nhân vật nam và nữ trong SGK, còn có sự mất cân đối về số lượng tác giả SGK nam, nữ; hình ảnh đại diện nghề nghiệp của nam, nữ chưa phản ánh kịp thời xu hướng và những thay đổi trong xã hội. Những ví dụ trong SGK về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng, có tới 95% là nhân vật nam. Sự chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ cũng có sự khác biệt theo các cấp học. Càng lên cấp học cao, sự chênh lệch càng lớn, nhất là ở cấp THPT.

Từ những bất cập này, Hội LHPN Việt Nam cho rằng cần thiết phải có sự thay đổi về vấn đề bình đẳng giới trong chương trình SGK mới, giáo dục về giới và bình đẳng giới cần được chuyển tải nhiều hơn trong quá trình giáo dục giới, ứng với chương trình SGK mới. Cần lồng ghép giới trong quá trình biên soạn, biên tập, xuất bản sách giáo khoa.

2. Lùm xùm độc quyền SGK

Câu chuyện được bắt đầu bằng việc clip giáo viên hướng dẫn phụ huynh cách đánh vần tiếng Việt theo cách của "Công nghệ giáo dục" (CNGD) trước thềm năm học 2018 - 2019, gây xôn xao dư luận. Hiện tượng CNGD bùng lên trong thời điểm ngành giáo dục đang chuẩn bị thay toàn bộ SGK.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, nghị trường Quốc hội nóng lên với vấn đề lãng phí SGK hàng ngàn tỉ đồng từ quy trình phát hành sách mang tính độc quyền của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Vấn đề đáng quan tâm hơn cả là hiện tượng độc quyền khép kín của ngành giáo dục trong chuyện làm SGK sẽ giải quyết như thế nào. Trước Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ khẳng định sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục không còn là thực nghiệm nữa nhưng tới đây sẽ thẩm định lại.

3. Rúng động gian lận điểm thi THPT Quốc gia

Sự việc bùng lên vào thời điểm tháng 7/2018, sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT Quốc gia. Một loạt các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình khiến cả nước ngỡ ngàng khi có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong bối cảnh phổ điểm thi cả nước đạt thấp hơn so với năm trước. Sau khi lực lượng chức năng vào cuộc, kết quả Hà Giang có 114 thí sinh với hơn 330 bài trắc nghiệm được nâng tổng điểm từ 1 đến 29,95 điểm. Tại Sơn La và Hòa Bình, công an xác định điểm bài thi tự luận và trắc nghiệm bị can thiệp.

Công an đã khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại 3 tỉnh. 10 cán bộ bị khởi tố, trong đó có Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La.

1 trong 5 bị can (áo trắng) tại Sơn La bị khởi tố về vụ gian lận điểm thi

Đây được xem là vụ gian lận điểm thi lớn chưa từng có, kể từ thời điểm kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức lần đầu tiên năm 2015. Còn so với lịch sử gian lận điểm thi, vụ việc này có quy mô lớn hơn hẳn, thủ đoạn cũng tinh vi hơn. Nhiều kẽ hở được phanh phui khiến việc tổ chức thi trong năm 2019 tới đây được Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ siết chặt hơn. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận trách nhiệm, khẳng định tiếp tục duy trì kỳ thi THPT Quốc gia nhưng sẽ điều chỉnh cả về kỹ thuật và nhân sự để đảm bảo kết quả thi được chính xác.

4. Nhiều vụ bạo hành, xúc phạm học sinh

Điều khiến dư luận bức xúc nhất trong năm 2018 chính là liên tục các vụ bạo hành thể chất, tinh thần học sinh xảy ra. Bùng nổ đầu năm là vụ nữ sinh ở TP.HCM bật khóc kể về cô giáo không nói gì khi lên lớp. Qua tìm hiểu, kết quả cho thấy cô giáo dạy toán Trần Thị Minh Châu ở trường THPT Long Thới (Nhà Bè) không nói gì suốt 3 tháng đứng lớp bởi những bất hòa giữa giáo viên và một nhóm học sinh. Cô Châu bị cảnh cáo, không được đứng lớp trong 1 năm; hiệu trưởng trường Long Thới bị khiển trách. Nữ sinh lên tiếng phản ánh được chuyển trường theo nguyện vọng cá nhân.

Tháng 5/2018, cô Nguyễn Thị Kim Tuyến của Trung tâm Anh ngữ MST (Hà Nội) gọi học viên là "con lợn", "thằng cù nhầy", "thằng mặt người óc lợn" và nhiều ngôn từ tục tĩu khác, gây sốc mạng xã hội. Trước mặt cả lớp, cô khẳng định "không cần tư cách giáo viên giẻ rách", yêu cầu học viên tuân thủ luật lệ bởi đã ký cam kết trước khi bắt đầu khóa học.

Tháng 11/2018, em Hoàng Long N., học sinh lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh, Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) phải nhập viện trong tình trạng vùng má bị sưng tím, tổn thương phần mềm phía ngoài, há miệng hạn chế, nhai và ăn bị đau. Trước đó, N. phải hứng chịu 231 cái tát từ các bạn cùng lớp do cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy phạt. Nữ giáo viên này sau đó đã nhận sai phạm, vụ việc đã được lực lượng chức năng khởi tố.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy - người đã ra hình phạt 231 cái tát với học sinh N.

Mới nhất là vụ việc tại trường Tiểu học Quang Trung (Hà Nội) khi một nữ giáo viên yêu cầu học sinh tát bạn 50 cái chỉ vì em này mất trật tự. Tuy nhiên, đến cái tát thứ 20, vì quá đau nên học sinh này òa khóc, cô giáo mới cho dừng tay. Sự việc khiến nhiều phụ huynh giận dữ khi vụ 231 cái tát ở Quảng Bình chưa kịp lắng xuống, thêm vào đó, có thông tin giáo viên này vừa ra trường và là con của lãnh đạo quận Đống Đa, Hà Nội. Nhà trường đã tổ chức họp báo xác nhận thông tin, đồng thời tạm đình chỉ giáo viên này để phục vụ cho việc xác minh thêm thông tin về sự việc.

5. Rúng động thầy Hiệu trưởng dâm ô hàng chục nam sinh

Ngày 15/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, đồng thời ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam thời hạn 3 tháng đối với Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn, về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Bị can My lập tức bị bắt giữ. Hiệu trưởng này gây rúng động dư luận với hành vi dâm ô các học sinh ngay tại phòng làm việc của mình.

Bị can Đinh Bằng My. Ảnh: VTV

Các học sinh cho biết, vị hiệu trưởng thường gọi các nam học sinh vào phòng trong giờ lên lớp và thực hiện hành vi dâm ô, sau đó đe dọa các nam sinh sẽ hạ điểm hay đuổi học nếu nói với người khác. Một số nam học sinh cũng được thầy hiệu trưởng cho từ 20 - 30 nghìn đồng để giữ kín chuyện mỗi lần bị “gọi vào phòng”.

6. Phản cảm dự thảo xử phạt sinh viên sư phạm bán dâm

Ngày 29/10, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, để lấy ý kiến đến ngày 26/11. Trong đó có quy định, với hoạt động mại dâm, nếu sinh viên vi phạm lần 1 sẽ bị khiển trách, lần 2 cảnh cáo, lần 3 đình chỉ có thời hạn và lần 4 là buộc thôi học.

Dự thảo ngay lập tức gây phản ứng khi cho rằng hành vi mua bán dâm bị pháp luật nghiêm cấm, khi vi phạm cần xử lý nghiêm khắc ngay, không nên tính số lần. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa sau đó cho biết, quy định kỷ luật sinh viên liên quan đến hoạt động mại dâm trong dự thảo là bị "lỗi soạn thảo, chưa cập nhật bản phù hợp nhất". Trang web của Bộ GD&ĐT ngay sau đó gỡ dự thảo.

7. Thông qua Luật Giáo dục đại học

Ngày 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ 1/7/2019. Chính sách lớn nhất được sửa đổi là mở rộng và nâng cao tự chủ của toàn hệ thống. Cơ chế tự chủ cao từ gói gọn trong 5 đại học và 23 trường thí điểm sẽ mở rộng cho tất cả cơ sở giáo dục đại học.

Một số chính sách mới khác là đổi mới quản trị đại học, kiện toàn Hội đồng trường. Theo Luật, Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học, có toàn quyền quyết định về nhân sự chủ chốt (Hiệu trưởng), chiến lược phát triển của nhà trường cũng như chủ trương đầu tư lớn. Luật mới khuyến khích các trường có tiềm lực sáp nhập thành đại học lớn, hoặc một số trường cùng nhóm ngành/địa phương kết với nhau thành đại học lớn đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.

8. Chậm ban hành chương trình môn học phổ thông mới

Tháng 1/2018, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo chương trình của 20 môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Nội dung các môn học được xây dựng dựa trên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, được Bộ Giáo dục công bố trước đó vào năm 2017.

Theo kế hoạch, chậm nhất năm học 2020-2021 cấp tiểu học sẽ áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Từ năm học 2021-2022 áp dụng đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT. Tuy nhiên, đến nay chương trình môn học mới vẫn chưa được ban hành để các đơn vị xuất bản có căn cứ in sách giáo khoa, trình Hội đồng thẩm định.

9. Tăng đột biến số lượng chức danh giáo sư, phó giáo sư

Ngày 2/2, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Số người đạt tiêu chuẩn gấp 1,7 lần năm 2016 và 2,3 lần năm 2015 khiến dư luận nghi ngại chất lượng của ứng viên trong "chuyến tàu vét" trước khi có quy định tiêu chuẩn mới.

Trước yêu cầu rà soát lại số lượng từ Thủ tướng Chính phủ, ngày 6/3, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố quyết định công nhận 1.131 người đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Có đến 94 người gồm nhiều quan chức chờ xác minh do chưa đủ tiêu chuẩn, có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Kết quả cuối cùng cho thấy, có hơn 40 người không được công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Trong số này, có Bộ trưởng Y tế, Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc, Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp...

10. Hi hữu lọt đề thi 2 môn Văn và Toán vào lớp 10 Hà Nội

Ngày 7/6/2018, gần 95.000 thí sinh Hà Nội thi vào lớp 10 công lập để tuyển hơn 63.000 học sinh. Cả 2 buổi thi Ngữ văn và Toán đều xảy ra sự cố lọt đề thi ra ngoài khi thời gian làm bài mới được khoảng 60 phút. Sở GD&ĐT Hà Nội sau quá trình tìm hiểu điều tra đã xác nhận, giáo viên Nông Hoàng Phúc, giáo viên Trường THCS Mai Đình (Sóc Sơn) là cán bộ coi thi số 2 của điểm thi THPT Vân Nội (Đông Anh) đã mang điện thoại vào phòng thi truyền đề ra ngoài. Giáo viên này đã khai nhận hành vi và thừa nhận mình cũng là người đã tung đề thi cả hai môn thi lên mạng.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang (thứ 2 từ trái sang) thông tin vụ lộ đề thi. Ảnh: D.H

Dù sở GD&ĐT khẳng định sự cố này không ảnh hưởng đến kết quả thi, song đây là sự vụ hi hữu khi cả 2 môn thi đều không được bảo mật tốt, trong khi kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội luôn có tiếng là “khốc liệt” hơn nhiều so với thi THPT Quốc gia do tỷ lệ “chọi” rất cao. Áp lực học hành để thi vào các trường THPT thuộc tốp đầu Hà Nội cũng như các trường chuyên, luôn khiến học sinh và phụ huynh cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng.

D.H

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/2018-nam-cua-nhung-su-viec-giao-duc-chua-tung-co-post53352.html