2018 - EU những bước đi nhỏ xây dựng quân đội độc lập

Cấu trúc hợp tác quốc phòng thường trực của EU (PESCO) hướng đến xây dựng lực lượng quốc phòng độc lập từng bước hiện thực hóa.

Những bước đi ban đầu

Tháng 12/2017, Hội nghị Thượng đỉnh EU với 25/27 thành viên (trừ Đan Mạch và Malta) đã nhất trí khởi động PESCO, một ý tưởng đã được nêu ra trong Hiệp ước Lisbon 2009 và được thúc đẩy mạnh mẽ từ đầu năm 2017 trong bối cảnh quan hệ Xuyên Đại Tây dương (Mỹ-EU) trở nên bất định sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, Anh rời khỏi EU. Châu Âu là "nạn nhân chính" của việc Tổng thống Donald Trump vừa qua quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký kết với Nga.

Từ đầu năm 2018, Pháp đã lập nhóm làm việc chung với Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Anh, sau đó mời thêm Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, Phần Lan, Estonia và Bồ Đào Nha, để đưa ra ý tưởng thiết lập một Liên minh quân đội chung của EU với khoảng 50.000 - 60.000 binh sỹ, có khả năng cơ động cao, có năng lực phản ứng nhanh chóng trước các loại khủng hoảng tại châu Âu.

Pháp và Đức là đồng lực của việc thành lập một đội quân châu Âu thế kỷ 21.

Mục tiêu được đề cập trong văn kiện khởi động PESCO là nhằm phối hợp, thúc đẩy hợp tác quân sự, công nghiệp quốc phòng và phối hợp trong các chiến dịch bên ngoài lãnh thổ EU. Với PESCO, châu Âu không chỉ độc lập hơn về công nghệ và năng lực sản xuất mà còn hỗ trợ lẫn nhau trong mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự, hậu cần với giá rẻ hơn. Đặc điểm mấu chốt của PESCO là một cơ chế thường trực và là cam kết bắt buộc đối với thành viên tham gia. Lãnh đạo EU cho rằng PESCO không mâu thuẫn với NATO mà sẽ bổ trợ cho hoạt động của NATO.

Để khai triển PESCO, từ đầu năm 2018, EU đã phân bổ khoản quỹ 500 triệu Euro do 25 nước tham gia đóng góp cho 17 dự án đã được Hội đồng châu Âu thông qua. Các dự án này đều được giao cho một quốc gia thành viên chủ trì và các nước khác có thể tham gia hoặc không tham gia tùy theo năng lực và nhu cầu.

Việc chính quyền Tổng thống Trump thực thi chính sách "nước Mỹ trên hết", "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", cũng như nhiều phát biểu của Tổng thống Trump hạ thấp vai trò và tương lai của NATO đã gây lo ngại về khả năng Mỹ điều chỉnh chính sách trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương bất lợi cho châu Âu. Lãnh đạo EU cũng từng công khai phát biểu: "Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành một mối đe dọa đối với châu Âu giống như Trung Quốc, Nga và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan".

Ngày 20/11/2018, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng các nước Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp và đã đạt được những đột phá quan trọng liên quan kế hoạch quốc phòng châu Âu.

Tuy nhiên, đối với châu Âu, mối đe dọa quân sự từ phía Nga luôn là lý do hàng đầu để duy trì quan hệ Xuyên Đại Tây Dương. Do đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tháng 7/2018, các thành viên EU trong NATO vẫn khẳng định "cam kết tăng ngân sách quốc phòng lên 2% vào năm 2024 đúng như thỏa thuận tại Gale năm 2014, thậm chí có thể đẩy sớm hơn" như đòi hỏi của Tổng thống Trump đối với các nước châu Âu.

Các trở ngại khi hiện thực hóa

Sáng kiến thành lập một lực lượng quân đội EU do Pháp khởi xướng tuy nhận được sự ủng hộ của nhiều nước, song đây là ý tưởng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện.

Quân đội châu Âu còn chờ một bứt phá để trở thành hiện thực

Mỹ tìm cách chia rẽ một châu Âu đa tốc độ với quá nhiều trở ngại trong tiến trình hội nhập, nhất thể hóa. Trước mắt có thể nhận thấy ngay sự "không hưởng ứng của các thành viên EU ở Đông Âu" và những chồng chéo khó phân định giữa Liên minh quân đội EU với các lực lượng NATO cũng như với các Dự án quân sự do chính EU khởi động trong khuôn khổ PESCO. Ngoài ra, ngân sách cũng là vấn đề nan giải đối với EU khi các nền kinh tế mới bước qua khủng hoảng, một số vẫn loay hoay với "núi nợ công" và một tâm lý thường trực lâu nay của cử tri châu Âu là không muốn chi tiêu thêm cho quân sự để dành ngân sách cho các vấn đề xã hội, cho phúc lợi của cộng đồng.

Mỹ đang cung cấp một số lượng lớn các khí tài quân sự thiết yếu cho các nước châu Âu. EU hiện cũng phải trông cậy vào NATO. Do đó Mỹ không muốn thấy EU trở thành kẻ cạnh tranh công nghiệp quốc phòng.

Cũng có ý kiến cho rằng "việc Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức dấy lên câu chuyện về quân đội EU trong thời điểm cuối năm 2018 còn nhằm tác động đến một bộ phận cử tri EU trước cuộc bầu cử nghị viện EU tháng 5/2019, những cử tri này đang lo ngại về nghị trình EU còn quá nhiều trở ngại do Trump, do Brexit nên đã tỏ ra nôn nóng, có thể sẽ bỏ phiếu cho những trào lưu tư tưởng cực đoan, dân túy đang nổi lên. Do đó, về cơ bản, sáng kiến quân đội EU còn cần nhiều thời gian mới triển khai, nó chỉ được lãnh đạo EU đề cập nhiều hơn do các biến chuyển địa chính trị toàn cầu thời gian gần đây và sự thiếu tin cậy đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mặc dù PESCO chưa mang hình hài của "quân đội chung Châu Âu" nhưng nó là bước tiến lớn hướng đến xây dựng phối hợp phát triển tiềm lực quốc phòng chung, gia tăng khả năng về mọi mặt của quân đội và thống nhất hành động quân sự, ứng phó các đe dọa thách thức trong và ngoài lãnh thổ Châu Âu./.

Hoài Nam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/2018-eu-nhung-buoc-di-nho-xay-dung-quan-doi-doc-lap-20181211145507186.htm