2017 - Năm của đối ngoại rực rỡ

Trong năm 2017, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã thực hiện 18 chuyến thăm đến 19 nước, tham dự 8 hội nghị quốc tế đa phương...; đồng thời đón 36 lượt nguyên thủ và thủ tướng các nước đến thăm Việt Nam.

Tuyên bố Đà Nẵng 2017 đã trở thành điểm nhấn rực rỡ nhất cho một năm đối ngoại thành công của Việt Nam trên con đường tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong vai trò chủ động kết nối với phần còn lại của thế giới.

Ngày 11/11/2017, cả thế giới dõi theo những chuyển động tại Đà Nẵng, thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Hơn 1.000 phóng viên quốc tế tập trung tại đây chờ đợi 2 sự kiện lớn sẽ xảy ra cùng một lúc tại thành phố biển này. Đó là kết quả cuộc họp cấp bộ trưởng của 11 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như tuyên bố chung chính thức của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2017).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lễ đón Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam.

Đây cũng là 2 sự kiện điểm nhấn mang dấu ấn Việt Nam một cách mạnh mẽ, khẳng định với cả thế giới rằng, đất nước nhỏ bé hình chữ S ở châu Á đang ngày càng có tiếng nói lớn hơn trong cộng đồng quốc tế và đóng góp không nhỏ vào quá trình kiến tạo các cơ chế hợp tác lớn của khu vực cũng như của toàn cầu.

Tuần lễ cấp cao APEC 2017

Năm APEC 2017 là sự kiện đánh dấu 11 năm Việt Nam quay trở lại là vai trò chủ nhà tổ chức các sự kiện quan trọng của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Để chuẩn bị cho sự kiện đối ngoại cực kỳ quan trọng này, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia APEC từ sớm và tiến hành các khâu chuẩn bị kỹ càng, cẩn trọng từ năm trước cho cả một năm hoạt động tích cực 2017.

Năm APEC 2017 được khởi động bằng sự kiện Hội nghị Các quan chức cấp cao APEC 2017 lần thứ nhất (SOM 1) tại thành phố biển Nha Trang. Tiếp theo đó là chuỗi các cuộc họp cấp cao được tổ chức trải rộng trên khắp cả nước. SOM 2 được tổ chức ở Hà Nội, SOM 3 tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, và các cuộc đối thoại cấp cao không chính thức khác cũng đã diễn ra tại các thành phố lớn trong nước. Đỉnh cao của Năm APEC 2017 chính là Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được tổ chức vào trung tuần tháng 11 tại Đà Nẵng.

Khi tổng kết về sự kiện đặc biệt này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: “Chúng ta đã khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực, đồng thời tăng cường, thúc đẩy hơn nữa quan hệ với các thành viên APEC. Có 4 chuyến thăm cấp cao chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Mỹ, Tổng thống Chile và Thủ tướng Canada. Đồng thời, có 50 cuộc trao đổi giữa lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo cấp cao các nước. Đây là cơ sở, là dịp đưa quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước lên tầm cao mới, trong đó có những nước đóng vai trò quan trọng bậc nhất trên thế giới và trong khu vực”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng với lãnh đạo của các nền kinh tế hàng đầu thế giới tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Tuần lễ cấp cao APEC 2017 thực sự là một sự kiện đặc biệt trong bối cảnh các nền kinh tế thành viên đang có những khác biệt tương đối lớn đối với các vấn đề quốc tế, khiến cho việc đưa ra được một tuyên bố chung là cực kỳ khó khăn. Có những lúc tưởng hội nghị chỉ có thể ra được tuyên bố chủ nhà, hiệu lực không bằng tuyên bố chung. Nhưng sau cùng đã có được Tuyên bố cấp cao kèm 2 phụ lục, Tuyên bố bộ trưởng kèm 4 phụ lục dù trước đó nhiều nước không tán thành.

Tuyên bố Đà Nẵng 2017 thực sự đã trở thành một dấu ấn rất lớn trong lịch sử hoạt động của APEC. Kết luận về thành công này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: “Chúng ta đã đạt được những điều tưởng chừng không thể”.

Tuyên bố CPTPP

Có lẽ, ngoài Tuần lễ cấp cao APEC 2017, không có sự kiện nào có thể nóng bỏng hơn việc 11 thành viên tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Đà Nẵng. Các bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nước thành viên TPP đã họp liên tục trong các ngày 8,9 và 10 tháng 11 năm 2017 để thảo luận việc sớm đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong tình hình mới, khi Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã rút lui.

Các cuộc đàm phán khó khăn đến mức, khi Canada bất ngờ không tham dự cuộc thảo luận cuối cùng, người ta đã tưởng TPP thực sự chấm dứt. Thế nhưng, cuối cùng, với nỗ lực của Việt Nam trong công tác điều phối và sự quyết tâm của Nhật Bản, hội nghị đã ra được một tuyên bố chung ngay phút cuối, khi tất cả mọi người đều tưởng nó sẽ thất bại.

Sáng 11/11/2017, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi xuất hiện trước báo giới để thông báo 11 nước TPP đã đạt được một thỏa thuận khung, theo đó TPP sẽ vẫn tiếp tục được các nước tham gia thảo luận để tiến tới hình thành một cơ chế hợp tác mới và đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ đón Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở Đông Nam Á.

Việt Nam tiếp tục trở thành nơi ghi dấu đối với các hình thái hợp tác đa phương quan trọng của thế giới. Bên cạnh APEC, nay CPTPP cũng đã mang dấu ấn khai sinh tại nước ta.

Song phương, đa phương và các diễn đàn hợp tác

Năm 2017 qua đi không chỉ với thành công của nhiều sự kiện mà Việt Nam làm chủ nhà cũng như công tác điều phối tổ chức. Năm 2017 cũng là năm mà các nhà lãnh đạo thế giới đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ song phương với nước ta. Vì thế, đây cũng là năm đánh dấu khá nhiều chuyến thăm chính thức quan trọng của nước bạn đến nước ta và ngược lại.

Dấu ấn lớn nhất trong hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước bạn chính là các chuyến thăm hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ trong năm 2017. Tháng 5/2017, đại diện cho Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Hoa Kỳ. Trong chuyến đi, hai nước đã có tuyên bố chung khẳng định tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện ổn định, lâu dài, xây dựng và cùng có lợi. Vào tháng 11/2017, Tổng thống Donald Trump cũng đã có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam, khẳng định sẽ cùng lãnh đạo nước ta làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực có cùng lợi ích chung.

Ngoài ra, trong năm 2017, lãnh đạo Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều chuyến thăm chính thức tới các quốc gia trên thế giới như Nga, Đức, Belarus, Thụy Sỹ… và tham dự các tổ chức, hiệp hội, hình thái hợp tác lớn như G20, ASEAN, ASEM,… khẳng định thêm tính tích cực, chủ động kết nối với toàn cầu trong chính sách đối ngoại của nước ta. Thêm vào đó, việc có rất nhiều đoàn cấp cao do nguyên thủ nước bạn tới thăm Việt Nam trong năm 2017 cũng khẳng định vị thế quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế và được bạn bè coi trọng.

Có thể lấy nhận định của Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Quỹ Ủng hộ các nghiên cứu khoa học “Sáng kiến Á-Âu” Georgi Chofimchuk để đánh giá chung về chính sách đối ngoại của Việt Nam, về vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới hiện nay.

Trong bài viết đăng trên trang Trung tâm ASEAN của Học viện Ngoại giao Nga, ông bình luận, Việt Nam không chỉ tham gia APEC mà còn tham gia hơn 70 tổ chức uy tín trên thế giới và khu vực, tiêu biểu như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)...

Ông viết: “Không một tổ chức nào Việt Nam tham gia một cách lấy lệ, mà luôn thể hiện vai trò tích cực và có nhiều hoạt động thực tiễn. Vai trò và uy tín của Việt Nam còn được xác định qua phẩm chất chính trị, ở đây là yếu tố con người với những đức tính dân tộc độc đáo xứng đáng là tấm gương cho nhiều dân tộc noi theo”.

Lương Hương

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/2017-nam-cua-doi-ngoai-ruc-ro-post253567.info