200 thanh niên phá quán ốc Sài Gòn: Ai cung cấp đồng phục, vũ khí?

Khoảng 200 thanh niên phá quán ốc Sài Gòn đều mặc đồng phục áo màu cam và mang vũ khí giống nhau. Câu hỏi của nhiều người đặt ra, ai đã cung cấp đồng phục, vũ khí cho những người này?

Tối 5/6, một băng nhóm khoảng 200 người, phần lớn mặc áo màu cam, đi trên nhiều xe máy, mang theo hung khí kéo đến một quán nhậu Ốc Hương trên đường số 6, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP. HCM. Khi đến quán ốc, nhiều người trong "băng nhóm áo cam" xông vào đập phá và đánh người trong quán.

Việc các đối tượng này mặc đồng phục màu cam và mang hung khí gần giống nhau như gậy dài khoảng 2m, cây ba chĩa, giáo mác,… đã khiến nhiều người hoang mang.

 Cảnh băng nhóm màu cam vào phá quán ốc. Ảnh cắt từ video.

Cảnh băng nhóm màu cam vào phá quán ốc. Ảnh cắt từ video.

Theo cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, các phòng nghiệp vụ đang phối hợp với Công an quận Bình Tân bắt giữ nhiều người liên quan đến vụ đập phá ở quán ốc Hương trên để điều tra về các hành vi: Gây rối trật tự công cộng, Cố ý gây thương tích, Hủy hoại tài sản…

Với đồng phục màu cam cùng một số hung khí giống nhau, thượng tá Nguyễn Thế Lâm, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho hay, hiện đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, bước đầu có thể nhận định rằng băng nhóm mặc áo đồng phục màu cam để dễ nhận diện nhóm mình trong lúc đi giải quyết mâu thuẫn. Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ nguồn gốc áo cam đồng phục.

Trao đổi về pháp luật, luật sư Nguyễn Hồng Giang, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, một nhóm hoạt động tội phạm có tổ chức thường có người chủ mưu, có người tham gia với vai trò đồng phạm (đồng phạm được phân ra làm 2 loại: đồng phạm giúp sức tích cực: tham gia từ đầu; chuẩn bị hung khí; ... và đồng phạm thông thường: đi theo cổ vũ, khích lệ, ...).

Việc cung cấp áo để nhận diện nhau, có thể do một hoặc vài đối tượng trong nhóm đưa ra ý tưởng và đi mua. Nên trong trường hợp này, người bán hàng không bị quy kết là đồng phạm của vụ án. Người bán hàng chỉ là người làm chứng, nhận diện đối tượng đi mua áo trong quá trình điều tra của vụ án.

Còn người đưa ra ý tưởng mua áo hay tự đi mua có thể là chủ mưu; cũng có thể là đồng phạm, tùy thuộc vào tính chất tham gia trong vụ án, được làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án.

Đối với nhiều vũ khí giống nhau, luật sư cho rằng, phát hiện ra xưởng sản xuất chuyên cung cấp các loại vũ khí, trang phục để phục vụ cho việc đánh nhau theo băng nhóm sẽ khác với việc mua nhỏ lẻ, nhiều lần.

Người bán các công cụ vũ khí, quần áo không biết được sử dụng vào mục đích gì nên không phải chịu trách nhiệm hình sự. Còn xưởng sản xuất đại trà; sản xuất để phục vụ cho việc/mục đích vi phạm pháp luật thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.

Theo điều tra ban đầu do cơ quan điều tra cung cấp, mâu thuẫn ban đầu xuất phát từ một số cá nhân, từ đó rủ rê lôi kéo nhiều người đi tham gia đánh nhau. Việc băng nhóm kéo đến quán để tìm người mâu thuẫn đánh nhưng không gặp và nhóm này đã đánh người trong quán khi có ý định lấy máy điện thoại quay.

Thượng tá Nguyễn Thế Lâm, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh thông tin về vụ án.

“Trước đó, hai băng nhóm mâu thuẫn hẹn đánh nhau nhưng không đụng độ là do cơ quan chức năng đã phát hiện, ngăn chặn, giải tán một băng nhóm. Do vụ án còn đang trong quá trình điều tra nên tạm thời chưa chia sẻ chi tiết mâu thuẫn, ai cầm đầu băng nhóm để tránh lộ nghiệp vụ” - thượng tá Nguyễn Thế Lâm cho hay.

Ngoài ra, vị này cũng cho hay, đoạn đường băng nhóm di chuyển không dài, thời điểm nhóm áo cam xuất hiện lực lượng tuần tra, cảnh sát giao thông có phát hiện và báo về qua bộ đàm để các đơn vị liên quan xử lý. Tuy nhiên do băng nhóm đến quán đập phá đánh người rất nhanh nên cơ quan chức năng ngăn chặn không kịp.

Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.

Hà Trang

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/200-thanh-nien-pha-quan-oc-sai-gon-ai-cung-cap-dong-phuc-vu-khi-1393964.html