200.000 đồng chưa đủ, dân mạng có đầy cách trừng trị kẻ sàm sỡ

Hai vụ quấy rối trong thang máy liên tiếp xảy ra khiến dư luận bức xúc. Bên cạnh việc chờ pháp luật xử lý, dân mạng đã nghĩ ra nhiều cách để đối phó với những kẻ sàm sỡ.

Chưa hết bàng hoàng với sự việc nữ sinh 20 tuổi khi bị ông Đỗ Mạnh Hùng (37 tuổi, quê Hải Phòng) cưỡng hôn, sàm sỡ trong thang máy chung cư tại Hà Nội xảy ra hồi đầu tháng 3, nhiều người mới đây lại phẫn nộ trước vụ việc tương tự.

Cụ thể, tối 1/4 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sàm sỡ, ôm vào lòng, hôn bé gái 7 tuổi trong thang máy ở chung cư Galaxy 9 trên đường Nguyễn Khoái, quận 4, TP.HCM.

Khi cửa thang máy mở ra, nạn nhân hoảng sợ bỏ chạy và trượt chân suýt ngã. Người đàn ông sau đó nói rằng mình chỉ "nựng" bé gái.

Hai vụ sàm sỡ trong thang máy khiến dư luận bất bình thời gian gần đây. Ảnh cắt từ clip.

Hai vụ sàm sỡ trong thang máy khiến dư luận bất bình thời gian gần đây. Ảnh cắt từ clip.

Sau khi sự việc xảy ra, clip ghi lại toàn bộ hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh và ông Đỗ Mạnh Hùng đều nhanh chóng được đưa lên mạng, tạo nên làn sóng bất bình từ dân mạng.

Bên cạnh việc chờ đợi hình phạt của pháp luật, dân mạng cũng nghĩ ra nhiều cách trừng trị hai người đàn ông này.

Đến tận nhà để... check-in

Theo thông tin được phía công an công bố và báo chí đăng tải, một nhóm khoảng 10 người dẫn cả trẻ em tìm đến nhà riêng của ông Nguyễn Hữu Linh nằm trên đường Lê Lợi (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) để chụp ảnh đăng lên mạng xã hội.

Sau khi xuất hiện tại fanpage Đà Nẵng, các bức ảnh này được không ít dân mạng dẫn lại về trang cá nhân của mình.

Nhiều người gọi nhà của ông Linh là "địa điểm check-in mới rất hot ở Đà Nẵng" với lời mỉa mai rằng nơi này "tập huấn" cho mọi người kỹ năng "nựng" ai đó.

Bên cạnh đó, nhóm người check-in còn photoshop lên cổng nhà ông Nguyễn Hữu Linh tấm biển thông báo kèm ảnh ông này và dòng chữ: "Cảnh báo. Nhà này có biến thái dâm ô trẻ em".

Nhóm người kéo đến check-in trước cổng nhà ông Nguyễn Hữu Linh. Ảnh: Hóng hớt Đà Nẵng.

Hành động check-in tại nhà riêng ông Nguyễn Hữu Linh đang gây ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng. Nhiều người ủng hộ việc "dằn mặt" theo cách này. Bởi dù có thể nguyên Viện phó VKSND TP Đà Nẵng không bị truy tố, đây vẫn là vết nhơ khó tẩy.

Tuy nhiên, số khác cho rằng không hề vui khi lôi nỗi đau của bé gái bị sàm sỡ ra làm trò đùa. Hơn nữa, hành động này có thể gây ảnh hưởng tới những người không liên quan, cụ thể là người nhà ông Linh.

Nhiều người đặt câu hỏi những nhóm người check-in chỉ a dua theo phong trào mà không hiểu để thể hiện điều gì, đồng thời kêu gọi mọi người bình tĩnh, chờ đợi cơ quan chức năng xử lý.

Dán ảnh cảnh giác ở nơi công cộng

Dù khiến dư luận phẫn nộ, ông Đỗ Mạnh Hùng chỉ phải chịu phạt 200.000 đồng.

Trước khi nhận mức phạt hành chính cho hành vi phản cảm của mình, người này đã được Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) thu xếp gặp gỡ, giải quyết với nạn nhân và gia đình nạn nhân, song ông Hùng liên tiếp vắng mặt.

Từ sự không biết hối cải của "yêu râu xanh" đến mức phạt chỉ 200.000 đồng đã đẩy sự phẫn nộ của mọi người lên đến đỉnh điểm.

Ngay sau đó, hình ảnh các quán ăn, cửa hàng dán thông báo không đón tiếp ông Đỗ Mạnh Hùng liên tục được lan truyền trong cộng đồng mạng. Tuyên bố "Nếu cảm thấy số tiền phạt không thỏa đáng thì hãy xử lý theo cách của cộng đồng" của một số chủ cửa hàng được dân mạng đồng tình, hưởng ứng.

Cộng đồng mạng kêu gọi dán hình Đỗ Mạnh Hùng tại nơi công cộng để những kẻ như hắn không còn cơ hội "được đà" giở trò. Ảnh: FB.

Nhiều người cho rằng dán ảnh của "yêu râu xanh" ở nơi công cộng, cũng như đăng tải tại nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội không chỉ giúp mọi người cảnh giác mà còn mang tính răn đe, khiến những kẻ có ý đồ tương tự phải chùn bước.

Mức phạt 200.000 đồng có thể không thấm vào đâu với ông Đỗ Mạnh Hùng, song sự tẩy chay của cộng đồng mạng và xã hội còn nặng hơn nhiều.

Chế ảnh, bêu tên khắp mạng xã hội

Những người như ông Nguyễn Hữu Linh, ông Đỗ Mạnh Hùng và hành vi của họ không chỉ chịu sự lên án từ mọi người, mà còn trở thành đề tài chế ảnh từ dân mạng.

Nhất là khi những năm gần đây, Internet meme (ảnh chế) là một phần quen thuộc của người dùng mạng xã hội.

Mới đây, bộ tranh "Hướng dẫn đi thang máy không tạo nghiệp" được chia sẻ tại nhiều diễn đàn nhận được sự chú ý của dân mạng.

Bộ tranh hướng dẫn đi thang máy "không tạo nghiệp" gây chú ý trong cộng đồng mạng. Ảnh: Rệp.

Không khó để thấy một số tranh có nội dung cảnh báo việc đi thang máy không nên "ôm hôn, sờ soạng" hay "nhìn chòng chọc vào người khác và huýt sáo" có sự liên tưởng đến hai vụ sàm sỡ trong thang máy xảy ra thời gian qua.

Loạt tranh này được chia sẻ vì dân mạng cho rằng tác giả không phải chế cho vui mà còn kêu gọi mọi người nâng cao cảnh giác với những kẻ biến thái khi lâm vào tình huống tương tự.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng chia sẻ những bài viết nâng cao nhận thức về hành vi quấy rối tình dục về trang cá nhân. Tất cả đều nhằm trang bị cho mình các kỹ năng phòng vệ khi những mối nguy tương tự có thể lẩn khuất ở bất cứ đâu ngoài kia.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/200-000-dong-chua-du-dan-mang-co-day-cach-trung-tri-yeu-rau-xanh-post932671.html