20 phim tài liệu sở hữu tình tiết chấn động hơn cả phim kinh dị (phần 1)

Dựa trên những sự kiện có thật, 20 phim tài liệu dưới đây khiến bạn nổi da gà hơn cả khi xem phim kinh dị.

Phim tài liệu đáng tin cậy ở chỗ chúng là nỗ lực của nhà làm phim nhằm tái hiện sự thật, những cái tên được nhắc đến là con người bằng xương bằng thịt. Điều đó khiến khán giả ám ảnh khi chứng kiến các vụ án dã man, những thảm họa khó tin. Cùng điểm lại 20 tác phẩm tài liệu đáng sợ không thua kém phim kinh dị, thậm chí còn ghê rợn hơn bởi đây là những tư liệu có thật.

1. Evil Genius (2018)

Năm 2003, Brian Wells một nhân viên giao pizza tại Pennsylvania đã cướp một ngân hàng với quả bom gắn quanh cổ ông này. Khi bị cảnh sát bắt, ông ta một mực nói rằng mình bị ép phải làm điều này. Quả bom trên cổ của Wells sau đó phát nổ, khiến người này thiệt mạng. Các cuộc điều tra xung quanh vụ án trở nên hỗn loạn vì hàng loạt tình tiết bí ẩn, vô lý. Loạt phim trên Netflix sẽ cố gắng tìm câu trả lời cho việc liệu Wells là nạn nhân hay là kẻ thông đồng trong âm mưu này.

2. Abducted in Plain Sight (2017)

Danh hiệu bộ phim tài liệu gây sốc nhất năm có lẽ nên được trao cho Abducted in Plain Sight của Netflix. Đại loại đây là câu chuyện về một cô bé tại Idaho bị quấy rối tình dục, bị tẩy não và bắt cóc bởi người hàng xóm. Không chỉ một mà tận hai lần. Đoán xem? Bố mẹ cô ấy thậm chí biết điều đó. Đó mới chỉ là một vài trong vô số tình tiết khó tin của một câu chuyện đau lòng có thật, đã thay đổi cuộc đời nạn nhân mãi mãi.

3. Haunters: The Art of the Scare (2017)

Bạn nghĩ rằng nhà ma chỉ dành cho con nít? Có lẽ bạn chưa xem Haunters: The Art of the Scare để thấy trình dọa ma của con người đã đi tới một… đẳng cấp khác. Từ việc xây dựng âm thanh, ánh sáng, tác giả của các nhà ma còn mô phỏng những trải nghiệm cận kề cái chết cho người chơi. Nhiều người còn coi đó là cả một môn nghệ thuật.

4. BTK: A Killer Among Us (2019)

Thập niên 70 đến 90 cả nước Mỹ ngập chìm trong nỗi sợ hãi vì kẻ sát nhân giấu mặt mang biệt danh BTK (viết tắt của trói, siết và giết). Không chỉ giết người một cách táo tợn và công khai, BTK còn thách thức cảnh sát bằng cách viết những lá thư mô tả phương thức giết các nạn nhân chứng minh mình là hung thủ. Mãi tới tận năm 2005 nhờ vận may và sai sót của hắn mà cảnh sát mới có thể tóm được. Tức là trong 31 năm, Dennis Rader (tên thật của BTK) đã sống cuộc đời hai mặt. Bộ phim tài liệu sẽ khám phá những chi tiết rùng mình về chân dung sát nhân, những nỗi đau của nạn nhân và gia đình cũng như cách lực lượng hành pháp đối mặt với BTK cùng áp lực dư luận.

5. There's Something Wrong With Aunt Diane (2011)

Năm 2009, một phụ nữ tên là Diane Schuler lái chiếc xe chở con và các cháu đi trên quốc lộ với tốc độ 137 km/h, tông vào một chiếc SUV. Cú va chạm làm 8 người thiệt mạng bao gồm Diane, con gái của cô và 3 đứa cháu. Báo cáo pháp y sau đó cho biết có dư lượng cồn vượt ngưỡng trong máu của Diane, nhưng chồng cô thì thề sống thề chết vợ mình không bao giờ uống rượu quá đà.

6. Holy Hell (2016)

Hollywood không thiếu những tổ chức từ kỳ quặc đến bệnh hoạn. Bộ phim tài liệu năm 2016 được thực hiện bởi chính người quay phim của giáo phái Buddhafield mang tên Will Allen đã khám phá những khía cạnh suy đồi, bệnh hoạn trong tổ chức. Holy Hell cũng cho thấy sự dẫn dắt của một kẻ cầm đầu có thể điều khiển suy nghĩ của cả tập thể con người ra sao.

7. The Witness (2015)

Tháng 3 năm 1964, Kitty Genovese đã bị đâm, cưỡng bức và giết hại bởi một người đàn ông ngay bên ngoài căn hộ của cô. Báo cáo cho biết đã có 38 người chứng kiến sự việc nhưng không một ai can thiệp. Vụ án của Kitty là một trong những lý do khiến nước Mỹ áp dụng hệ thống 911 bởi “cho đến những năm 60 không có một số máy cố định nào để người ta gọi đến trong trường hợp khẩn cấp”.

8. The Woman Who Wasn’t There (2012)

Một trong những vụ lừa đảo gây căm phẫn nhất trong sự kiện 11/9 là việc một phụ nữ Tây Ban Nha tên là Alicia Esteve Head tuyên bố cô ta đã có mặt trên tầng 78 của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới vào ngày tòa nhà này bị đánh bom thảm khốc. Head cho rằng cô ta đã sống sót một cách thần kỳ, và trở thành người đại diện của tổ chức những người sống sót sau thảm họa 11/9. Trừ một điều là Alicia không hề có mặt ở đó vào cái ngày định mệnh, thậm chí cô ta còn chẳng ở Mỹ.

9. Carl Panzram: The Spirit of Hatred and Vengeance (2011)

Thiếu hệ thống luật pháp chặt chẽ, những năm đầu thế kỷ 20 tại Mỹ luôn có chỗ cho tội phạm lộng hành. Lợi dụng sự vô pháp vô thiên, tên tội phạm Carl Panzram đã ra tay cướp bóc, ăn trộm, cưỡng bức và sát hại vô số người. Hắn thậm chí còn đột nhập vào nhà Tổng Thống, ăn trộm tiền, mua du thuyền và liên tục tuyển thủy thủ, sau đó chuốc rượu say, giết họ rồi ném xác xuống biển. Trong cuốn hồi ký của mình, Carl thừa nhận đã giết chết 22 người và quan hệ với hơn 1000 cậu bé. Carl Panzram: The Spirit of Hatred and Vengeance sẽ tìm hiểu thứ gì đằng sau chân dung bệnh hoạn của một kẻ sát nhân máu lạnh không biết sám hối ngay cả khi hắn đứng trước thòng lọng treo cổ.

10. The Imposter (2012)

Năm 1994, cậu bé người Mỹ Nicholas Barclay 13 tuổi mất tích một cách bí ẩn. Bất chấp mọi nỗ lực của cha mẹ, Nicholas như bốc hơi khỏi khu phố mình sống. Thế nhưng 3 năm sau, một thiếu niên tự xưng mình là Nicholas và điềm nhiên sống cùng gia đình. Vài năm sau dưới áp lực của cảnh sát, kết quả xét nghiệm máu và ADN cho thấy đây không phải là cậu bé mất tích mà là một gã lừa đảo tên là Frédéric Bourdin. Hắn đã lừa cả gia đình tội nghiệp kia mà chỉ phải chịu 6 năm tù, sau đó lại tiếp tục đi giả dạng những đứa trẻ khác. Nicholas cho tới nay vẫn chưa được tìm thấy.

(còn tiếp)

Ngọc King

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/20-phim-ta-i-lie-u-co-ti-nh-tie-t-cha-n-do-ng-hon-ca-phim-kinh-di-2-6451878.html