20 năm xây dựng vị thế cho TTCK Việt trên trường quốc tế

Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt kể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, thị trường chứng khoán (TTCK) đang ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế-xã hội.

Hội nhập hợp tác giúp hoàn thiện pháp lý trình độ cán bộ

Là cơ quan quản lý chuyên ngành về chứng khoán và TTCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại trong khu vực và quốc tế, nhằm tăng cường vai trò quản lý cũng như tìm kiếm các kênh hỗ trợ và thực hiện các phương thức quảng bá hình ảnh, nhằm thúc đẩy TTCK ngày càng hoàn thiện và phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế.

TTCK là thể chế bậc cao của nền kinh tế thị trường, mỗi thị trường của từng nước có những đặc thù riêng phụ thuộc vào hệ thống pháp luật của riêng mình. Việc học hỏi tri thức và kinh nghiệm tổ chức thị trường từ các nước trên thế giới là cần thiết và thành công lớn nhất của UBCKNN là đã kết hợp được kinh nghiệm của nhiều thị trường khác nhau để xây dựng TTCK Việt Nam phù hợp với hệ thống pháp luật, đặc thù kinh tế của Việt Nam và vận hành thị trường an toàn, hiệu quả. Giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010, UBCKNN tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một khung pháp lý đồng bộ và bảo vệ hiệu quả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nghị định 144/2003/NĐ-CP ngày 26/11/2003 về chứng khoán và TTCK ra đời là văn bản pháp quy đầu tiên của thị trường, có sự đóng góp công sức của các chuyên gia quốc tế.

Công tác hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực TTCK đã hoàn toàn thay đổi về chất. Các hoạt động hợp tác song phương không chỉ dừng lại ở việc hợp tác trao đổi các đoàn cán bộ, trao đổi thông tin về lĩnh vực chứng khoán nói chung mà bắt đầu đi vào các hoạt động hợp tác cụ thể và thực chất hơn, đem lại những sản phẩm mang tính kỹ thuật, hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường. Các sản phẩm này là kết quả của một loạt các dự án phát triển thị trường, xây dựng Luật Chứng khoán, tăng cường năng lực ngành chứng khoán.

Dự án phát triển thị trường vốn do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ giúp nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý trong các lĩnh vực kết nối giữa cổ phần hóa và niêm yết, đánh giá cơ cấu và năng lực quản lý, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động quản lý; dự án tăng cường năng lực giám sát TTCK do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ giúp tăng cường năng lực cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc giám sát thị trường và giám sát sự tuân thủ của các thành viên thị trường, góp phần nâng cao năng lực quản lý thị trường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…

Một số dự án nổi bật được triển khai trong giai đoạn này cũng bắt đầu khai thác những lĩnh vực mới mà hiện nay là xu thế phát triển chung của các TTCK trên thế giới. Điển hình như trong năm 2015-2017, trong khuôn khổ Dự án Chương trình “Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh”, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tiếp tục hỗ trợ UBCKNN tổ chức các đoàn công tác khảo sát và đào tạo về tài chính xanh, thị trường vốn xanh sang nghiên cứu, tìm hiểu và học tập tại các nước có TTCK phát triển như Áo, Đức, Brazil, Nam Phi, Pháp…

Cùng với sự hỗ trợ phát triển các chính sách mới, sản phẩm mới cho TTCK Việt Nam, UBCKNN đã tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế, tranh thủ các nguồn lực từ phía đối tác để hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết và đại chúng có thể tiếp cận và triển khai được một cách hiệu quả đối với các yêu cầu mới của thị trường.

Tích cực tham gia vào các thỏa thuận, hội nhập sâu thị trường quốc tế

Trong giai đoạn 2000-2010, hội nhập trong lĩnh vực chứng khoán nằm trong khuôn khổ hội nhập chung của cả nền kinh tế khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.

Trong giai đoạn mới hiện nay, công tác hội nhập của Việt Nam trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đã đổi mới với việc chủ động tạo ra những sản phẩm cụ thể mang tính nghiệp vụ, tạo tiền đề cho việc mở ra những cơ hội hợp tác, thúc đẩy thị trường phát triển. TTCK Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiến tới hoạch định về chiến lược để có được một lộ trình hội nhập, một mặt phù hợp với xu thế khu vực, mặt khác tạo điều kiện cho phát triển thị trường trong nước.

Ngay từ những ngày đầu từ khi mới thành lập, trong giai đoạn 1997-2001, để trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO), UBCKNN đã dành khá nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, tìm hiểu về tổ chức này đồng thời tìm hiểu những thuận lợi và những khó khăn phải đối mặt khi gia nhập với tư cách là một TTCK quá non trẻ. UBCKNN đã ký nhiều Biên bản ghi nhớ song phương (MOU) với các cơ quan quản lý TTCK các nước trên thế giới như MOU với Ủy ban Giám sát Tài chính Hàn Quốc (2002), Cục Hợp tác Kinh tế Thụy Sĩ (2003), Ủy ban Giám quản Chứng khoán Trung Quốc (2005), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (2005), Ủy ban Giám sát Tài chính Luxembourg (2013)…

Trên diễn đàn của các tổ chức tài chính quốc tế trên thế giới, Việt Nam đã có một hình ảnh và vị thế mới kể từ sau khi tổ chức thành công hai sự kiện quốc tế lớn là Hội nghị Bộ trưởng Tài chính cấp cao APEC lần thứ 13 (vào tháng 9/2006) và Hội nghị Ủy ban Chứng khoán Tiểu vùng châu Á-Thái Bình Dương (APRC - tháng 11/2006), thu hút sự quan tâm của cộng đồng các định chế tài chính và các nhà đầu tư thế giới tới nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tới thị trường chứng khoán.

Trong thời gian tới, để tiếp nối những thành quả và phát huy hơn nữa sức mạnh của yếu tố hội nhập, UBCKNN sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động trong khuôn khổ các hoạt động chung của IOSCO, như tham gia các chương trình, sự kiện của Ủy ban châu Á - Thái Bình Dương (APRC), Ủy ban các Thị trường Tăng trưởng và Mới nổi (GEMC), Hội nghị thường niên IOSCO…, tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến, xúc tiến hoạt động trong khuôn khổ các tổ chức, hiệp định tự do hóa thương mại như TPP, EVFTA...

Trong khuôn khổ IOSCO, UBCKNN sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào việc cùng với các nước thành viên nghiên cứu để đưa ra một MMOU mới, thay thế MMOU hiện tại. Với tư cách là thành viên đầy đủ, ở cấp độ thành viên cao nhất của IOSCO, UBCKNN sẽ không ngừng nỗ lực để ngành chứng khoán Việt Nam xứng đáng với vị thế cũng như trách nhiệm mới trên bản đồ TTCK toàn cầu. Đối với quá trình hội nhập thị trường vốn khu vực ASEAN, UBCKNN tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nhằm hài hòa hóa các quy định trong nước theo hướng phù hợp với các chuẩn mực khu vực và quốc tế, nhằm tham gia vào các sáng kiến kết nối và các liên kết cơ sở hạ tầng thị trường vốn khu vực ASEAN, cũng như các khuôn khổ quản lý thị trường chung của khu vực.

UBCKNN sẽ chú trọng đến việc đề xuất các hỗ trợ kỹ thuật mới với các đối tác nước ngoài nhằm tranh thủ kinh nghiệm, chất xám của chuyên gia nước ngoài, hỗ trợ cho việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện cấu trúc thị trường và nâng cao năng lực cho cán bộ cơ quan quản lý và các tổ chức vận hành thị trường. Tin rằng, với hoạt động hội nhập được triển khai trên diện rộng và khai thác theo chiều sâu như vậy, công tác hội nhập quốc tế của UBCKNN và của ngành sẽ thành công trong việc hỗ trợ thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ phát triển bền vững và hướng TTCK Việt Nam theo kịp với các chuẩn mực quốc tế, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng đất nước./.

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/20-nam-xay-dung-vi-the-cho-ttck-viet-tren-truong-quoc-te/400698.vgp