20 năm vẫn mòn mỏi chờ đợi một phán quyết công lý

Mua lại căn nhà đang ở thuộc sở hữu nhà nước như bao CBCNVC khác theo Nghị định 61/CP, nhưng ngôi nhà ông Nguyễn Trường Xuân (TT Di Linh, Lâm Đồng) lại bị đem bán lần nữa… 20 năm nay gia đình ông vẫn mòn mỏi chờ công lý.

Ông Nguyễn Trường Xuân đã viết hàng trăm lá đơn kêu cứu trong 20 năm qua. Ảnh: PV

Một căn nhà được bán 2 lần

Năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định 61/CP cho phép CBCNVC mua nhà thuộc sở hữu nhà nước. Lúc này ông Nguyễn Trường Xuân đang là cán bộ Cty thương mại II Lâm Đồng đã xin mua lại căn nhà kho gia đình ông đang ở (nay là số 3 đường Trần Quốc Toản (TT Di Linh, Lâm Đồng). Ngày 30.8.1995, ông đã nộp đủ số tiền mua nhà 11 triệu đồng cho Cty thương mại II Lâm Đồng (phiếu thu số 7918) và tiếp tục ở đó cùng vợ con cho đến khi bị cưỡng chế ra khỏi nhà vào này 9.8.2011.

Điều ông Xuân không ngờ tới là căn nhà của ông lại bị bán lần thứ 2 cho bà Lương Thị Kim (trú tại 1272 Hùng Vương, khu 4 TT Di Linh) vào ngày 29.9.1998. Sau khi mua được nhà số 3 Trần Quốc Toản của Cty thương mại II Lâm Đồng nhưng không lấy được nhà do gia đình ông Xuân đang ở, năm 2006 bà Kim đã khởi kiện đòi nhà.

Đến phiên xét xử sơ thẩm (lần 2) ngày 17.6.2010, TAND huyện Di Linh đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lương Thị Kim, “bác yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Trường Xuân về việc yêu cầu Cty tiếp tục thực hiện hợp đồng mua nhà. Tuyên bố giao dịch dân sự giữa Cty thương mại II Lâm Đồng (nay là Cty CP dịch vụ thương mại Lâm Đồng) với vợ chồng ông Nguyễn Trường Xuân là vô hiệu”.

Tiếp đó, ngày 17.3.2011 TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm vụ án (lần 2), mặc dù HĐXX thừa nhận việc mua bán nhà giữa ông Nguyễn Trường Xuân và Cty thương mại II Lâm Đồng là “có trên thực tế”, nhưng tòa cho rằng, “giữa 2 bên không lập hợp đồng mua bán nhà theo quy định”, giao dịch này vi phạm cả về hình thức và nội dung nên vô hiệu toàn bộ. Với lập luận như vậy, Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Lâm Đồng đã y án, bác kháng cáo của ông Xuân.

Vẫn tiếp tục chờ đợi…

Nói trong nước mắt với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Trường Xuân (SN 1953) cho biết: “Sau khi bị Chi Cục thi hành án dân sự huyện Di Linh cưỡng chế ra khỏi căn nhà duy nhất, gia đình tôi phải đi thuê nhà, cuộc sống rất bấp bênh. Cùng mua nhà thuộc sở hữu nhà nước ở Cty thương mại II Lâm Đồng có 11 trường hợp như gia đình tôi, khi mua chỉ có phiếu thu của Cty. Thế nhưng chỉ duy nhất gia đình tôi là bị đuổi ra khỏi nhà”.

Điều may mắn cho gia đình ông Xuân là lá đơn kêu oan đã được Quốc hội xem xét. Ngày 17.11.2011 Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã có CV chuyển đơn kêu oan của ông Nguyễn Trường Xuân đến TAND tối cao để giải quyết theo thẩm quyền.

Sau khi có kháng nghị của Chánh án TAND tối cao, ngày 23.5.2014, Tòa Dân sự TAND tối cao đã ra Quyết định giám đốc thẩm vụ án, Hội đồng giám đốc thẩm đã xét thấy: “Theo phiếu thu số 7918 ngày 30.8.1995 của Cty thể hiện Cty thu của ông Xuân tiền bán nhà số 3 Trần Quốc Toản, nên phải xác định Cty đã bán nhà cho ông Xuân… Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ nhưng cho rằng, hợp đồng mua bán nhà giữa Cty và ông Xuân vô hiệu là chưa đủ căn cứ. Khi giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu theo cách tính buộc Cty trả lại số tiền đã nhận và trả lãi trên số tiền ông Xuân đã nộp là chưa đảm bảo quyền lợi của ông Xuân”.

Trên cơ sở đó, Hội đồng giám đốc thẩm đã quyết định hủy toàn bộ án phúc thẩm và án sơ thẩm đã tuyên, “giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Di Linh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật”.

Điều bất thường là, từ khi có Quyết định giám đốc thẩm đến nay, đã gần 4 năm trôi qua, TAND huyện Di Linh vẫn “án binh bất động” không chịu đem vụ án của ông Xuân ra xét xử lại (?!)

ĐỖ VĂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/20-nam-van-mon-moi-cho-doi-mot-phan-quyet-cong-ly-600018.ldo