20 năm tù oan và 20 triệu USD

Chỉ vì muốn sớm khép lại vụ án mạng, cảnh sát Illinois, Mỹ, đã làm giả chứng cứ để buộc tội Juan Rivera. Hậu quả là người này đã phải chịu tù oan tới 20 năm. Giờ đây, khi đã được minh oan và bồi thường 20 triệu USD, Juan Rivera đã lập ra một cơ sở dạy nghề cho những người cùng cảnh ngộ.

Cái chết bí ẩn của bé gái 11 tuổi

Ngày 17-8-1992, cô bé 11 tuổi Holly Staker được hàng xóm nhờ trông hộ hai đứa con của họ tại một căn hộ ở Waukegan, Illinois, Mỹ. Khi hàng xóm của Holly quay trở về nhà, họ thấy cửa sau của căn hộ đã bị phá khóa và khi nhận thấy cô bé đã biến mất, họ ngay lập tức báo cảnh sát.

Cảnh sát nhanh chóng tìm thấy thi thể bán khỏa thân của Holly trong căn hộ. Cảnh sát xác định Holly đã bị bóp cổ, đâm 27 lần và lạm dụng tình dục bởi kẻ đột nhập bí ẩn khi cô con gái 2 tuổi của nhà hàng xóm vẫn đang ở trong căn hộ và bé trai 5 tuổi đang chơi ở ngoài.

Anh Juan Rivera - người bị tù oan 20 năm.

Anh Juan Rivera - người bị tù oan 20 năm.

Một tháng sau khi vụ án diễn ra, một phạm nhân 19 tuổi tên Juan Rivera khai báo với cảnh sát rằng anh ta đã nhìn thấy một người đàn ông hết sức khả nghi tại một bữa tiệc gần hiện trường vào đúng đêm xảy ra vụ án.

Theo Juan, anh ta đã liên tục bắt gặp một người đàn ông tên Robert Hurley rời khỏi rồi lại quay lại bữa tiệc nhiều hơn một lần và vào lần cuối cùng, Robert có vẻ kiệt sức, thở dốc, người nhễ nhại mồ hôi và có vết cào trên mặt. Tuy nhiên sau khi xác minh rằng không có bữa tiệc nào diễn ra vào đêm hôm đó gần căn hộ nơi Holly bị sát hại, các điều tra viên đã liệt Juan vào diện nghi phạm chính.

Hành trình oan khuất

Ngày 27-10-1992, cảnh sát triệu tập Juan Rivera để lấy lời khai và sau đó là thẩm vấn mà không có sự chứng kiến của luật sư của Juan. Buổi thẩm vấn cuối cùng kéo dài tới 26 tiếng và Juan, vì quá sợ hãi cũng như kiệt sức, đã thừa nhận mình là kẻ đã giết hại cô bé Holly.

Anh Juan Rivera (đứng, ngoài cùng bên phải) cùng các học sinh tại trường dạy làm tóc của mình.

Theo lời một y tá của trại tạm giam, Juan lên cơn suy sụp thần kinh rất nặng đến mức không còn khả năng nhận biết mọi chuyện xung quanh. Chỉ vài giờ sau, cảnh sát đã yêu cầu anh kí xác nhận bản tóm tắt vụ án do họ soạn ra. Sau khi rà soát, các cảnh sát tìm ra vô số điểm bất nhất và họ quyết định thẩm vấn Juan lại một lần nữa. Khi cuộc thẩm vấn này diễn ra, tình trạng thần kinh của Juan vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, anh bị còng lại và được kê cho các loại thuốc an thần bao gồm Haldol, Cogentin và Ativan.

Cho dù Juan không được tỉnh táo, cảnh sát vẫn thuyết phục anh kí một bản cam kết từ bỏ quyền yêu cầu sự có mặt của luật sư khi bị tra hỏi và ngay sau đó, cuộc thẩm vấn được bắt đầu. Một trong các điều tra viên đã nói với Juan rằng cảnh sát có rất nhiều thắc mắc về vụ án và họ đang trao cho anh một cơ hội để nói sự thật.

Khi tra hỏi Juan, các điều tra viên liên tục gợi ý cho Juan các chi tiết về vụ án mà anh không nắm được trong cuộc thẩm vấn trước, ví dụ như “Cô bé lúc đó đang mặc một chiếc áo nhiều màu, phải không Juan?”. Trong cuộc thẩm vấn trước đó, Juan đã không thể nhận ra đâu là quần áo của nạn nhân. Cuối cùng, lời thú tội của Juan đã khá khớp với các bằng chứng thu được từ hiện trường vụ án, tuy vẫn còn vài điểm khả nghi.

Juan Rivera bị buộc tội giết người cấp độ một và bị kết án vào tháng 11-1993. Bản án của Juan được lật lại và anh bị xét xử một lần nữa vào năm 1998. Nhân chứng chính của vụ án này là cô bé Taylor Arena - một trong hai đứa trẻ được Holly trông vào ngày xảy ra vụ án mạng.

Taylor, đứa trẻ chỉ mới 2 tuổi khi Holly bị hãm hại và mới lên 8 tuổi khi phiên tòa thứ hai diễn ra, đã cam đoan rằng mình nhớ mọi chi tiết của vụ án mạng cũng như chắc chắn rằng Juan Rivera chính là kẻ sát nhân. Sau 4 ngày xét xử, bồi thẩm đoàn đã hủy bản án cũ của Juan Rivera, nhưng anh bị buộc tội sát hại Holly và có ý định sát hại hai đứa trẻ trong căn hộ. Cuối cùng, Juan bị kết án chung thân không ân xá.

Vào năm 2004, luật sư của Juan đệ đơn yêu cầu giám định lại mẫu DNA tại hiện trường và yêu cầu này được chấp thuận. Kết quả giám nghiệm cho thấy Juan không phải chủ nhân của mẫu DNA này và bản án của anh bị hủy lần thứ hai.

Nạn nhân Holly Staker.

Bất chấp những bằng chứng rất rõ ràng, các công tố viên vẫn đưa ra một quyết định đầy tranh cãi: thay vì thả tự do cho Juan, họ sẽ xét xử vụ án thêm một lần nữa. Các công tố viên cho rằng mẫu DNA thu được ở hiện trường thuộc về một người khác có thể vì cô bé Holly 11 tuổi đã…quan hệ tình dục trước đó, thế nhưng nhân chứng chuyên gia cho rằng nếu Holly có quan hệ tình dục trước khi bị tấn công thì DNA phải được tìm thấy trên quần lót của cô bé, và giám định DNA cho thấy quần lót của Holly không có DNA của bất kì ai trừ Holly. Phiên tòa xét xử Juan Rivera lần thứ ba bắt đầu vào ngày 13-4-2009 và đến ngày 8-5-2009, bồi thẩm đoàn vẫn kết luận Juan có tội. Anh tiếp tục phải lãnh bản án chung thân lần thứ ba.

Vào tháng 12-2011, bản án của Juan Rivera được lật lại thêm một lần nữa. Tại phiên tòa phúc thẩm, thẩm phán đã nghiêm khắc phê bình bản ghi lời thú tội của Juan, vì lời thú tội của anh không có một chi tiết nào chưa được cảnh sát công khai trước đó - tức tình tiết chỉ kẻ gây ra tội ác mới có thể biết. Hơn nữa, tất cả các chi tiết mà cảnh sát chưa biết đến được anh khai nhận đều sai hoàn toàn.

Ví dụ như Juan khai rằng mình đã đốt bỏ bộ quần áo mình mặc khi gây án nhằm phi tang chứng cứ, cơ quan điều tra không thể tìm thấy bằng chứng nào cho thấy chiếc thùng rác đó từng tiếp xúc với nguồn nhiệt cao. Trong một cuộc thẩm vấn khác, anh khai rằng có một cậu bé có mặt trong căn hộ nhưng thực ra chỉ có một cô bé 2 tuổi ở trong nhà khi Holly bị hãm hại.

Thẩm phán tại tòa phúc thẩm còn phê phán việc phiên tòa năm 2009 đã không xem xét các bằng chứng liên quan đến mẫu DNA. Theo đó, giả thuyết mẫu DNA tại hiện trường vốn là của Juan Rivera nhưng lại có một mẫu khác…lẫn vào trong quá trình thu thập và xét nghiệm, khiến cho kết quả bị sai lệch là một giả thuyết phi lý.

Đồng thời, việc cảnh sát cho rằng Holly Staker có quan hệ tình dục ở tuổi 11 chỉ vì cô bé từng bị quấy rối lúc nhỏ và có vài chiếc quần lót có ren là rất phản cảm, đã vi phạm hàng loạt điều luật liên quan đến việc điều tra tội hiếp dâm và những bằng chứng như vậy đáng lẽ ra không bao giờ được đưa ra tòa để kết tội bị cáo.

Thêm vào đó, việc Juan Rivera là một người có tiền sử bệnh tâm thần và bị suy sụp thần kinh rất nặng nhưng vẫn bị thẩm vấn, cũng như bị thuyết phục kí giấy từ bỏ quyền và việc cảnh sát áp dụng hàng loạt kĩ thuật hỏi cung có khả năng dẫn đến lời thú tội giả…cũng khiến tòa phúc thẩm thêm nghi ngờ lời nhận tội của Juan và bản án anh phải nhận. Dựa theo hàng loạt những sai phạm nói trên, thẩm phán của tòa phúc thẩm đã cấm bên nguyên của các phiên tòa xét xử Juan trước đó được tham gia vào phiên xét xử lần này.

Minh oan

Tại phiên tòa năm 2011, luật sư của Juan đã đưa ra hàng loạt bằng chứng thuyết phục nhằm giải oan cho thân chủ. Đầu tiên, không có bằng chứng pháp y nào cho thấy con dao được tìm thấy gần hiện trường… gần một thập kỉ sau vụ án là của Juan hoặc có liên quan đến vụ án, thế nhưng bên nguyên vẫn kết luật rằng con dao đó thuộc về Juan, và chính là hung khí gây án. Chưa hết, một chuyên gia pháp y cho biết, các vết thương trên cơ thể nạn nhân được gây ra bởi một lưỡi dao có răng cưa, chứ không phải như con dao được tìm thấy vào năm 2004.

Anh Juan Rivera trong vòng tay người thân và bạn bè sau khi được trả tự do.

Điểm đáng nghi ngờ tiếp theo trong quá trình điều tra vụ sát hại Holly Staker chính là một vật chứng cực kì quan trọng được đưa ra trong phiên tòa năm 1993: đôi giày dính máu nạn nhân của Juan Rivera. Theo như luật sư của Juan, đôi giày thể thao hiệu Voit này được sản xuất tại Hồng Kông, và chỉ được nhập vào Mỹ sau khi vụ án xảy ra một thời gian. Để đảm bảo giả thuyết của mình, luật sư của Juan còn liên hệ với cửa hàng tại Walmart, nơi Juan đã mua đôi giày này và cửa hàng đã xác nhận anh Juan Rivera mua giày sau khi vụ án mạng xảy ra. Chính vì vậy, việc đôi giày của Juan dính máu nạn nhân là điều không thể xảy ra.

Nhận thấy dấu hiệu làm giả bằng chứng, một thẩm phán liên bang đã yêu cầu giám định lại đôi giày năm nào. Kết quả của cuộc giám định cho thấy dưới đế giày còn có một mẫu DNA lạ, không thuộc về cả Holly lẫn Juan, nhưng khớp với mẫu DNA trong tinh trùng thu được từ hiện trường. Điều này có nghĩa là, trong quá trình giám định năm 1992, cảnh sát đã cố tình bôi máu của Holly tìm thấy tại hiện trường lên giày của Juan để có thể kết tội anh. Tuy nhiên có một điều họ đã không ngờ đến đó là có lẽ trong quá trình vật lộn, máu của Holly và hung thủ đã bị lẫn vào nhau, khiến cho mẫu máu của cô bé chứa cả máu của hung thủ.

Juan Rivera được trả tự do ngay sau phiên tòa. Sau khi bị tù oan 20 năm, anh đã đệ đơn kiện và được bồi thường 20 triệu USD - khoản bồi thường lớn nhất dành cho một bản án oan trong lịch sử nước Mỹ.

Sau khi được trả tự do và nhận một khoản bồi thường khổng lồ, Juan đã rất cố gắng bắt nhịp với cuộc sống mới. Anh sử dụng một phần tiền để mở một trường dạy làm tóc chuyên nhận các học sinh có hoàn cảnh khó khăn và cùng với Christine Bunch - người phụ nữ bị kết án oan 17 năm vì bị nghi sát hại con trai ruột - mở một quỹ từ thiện chuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh giống anh và Christine. Juan cũng thuê một người quản lý tài chính để thiết kế khoản chi tiêu hàng tháng và anh sẽ chỉ tiêu tiền trong mức được cho phép, đơn giản vì Juan không muốn tiêu sạch tiền và quay lại cảnh sống nghèo khó trước đó.

Đáng mừng là Juan hiện đã đính hôn, và có hai đứa con kháu khỉnh. Khi được phóng viên hỏi rằng liệu anh sẽ kể cho các con nghe về 20 năm mình đã phải chịu đựng, anh đã thành thật trả lời: “Con gái của tôi còn quá bé nên con bé không biết gì về quá khứ của tôi. Còn con trai của tôi đã đủ lớn để hiểu chuyện, nên tôi sẽ kể cho con nghe tất cả, không giấu con bất cứ điều gì. Tôi muốn thằng bé sẽ thật tự hào và hãnh diện về bố nó”.

Huyền Thi

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/20-nam-tu-oan-va-20-trieu-usd-605428/