20 năm nhìn lại một phong trào có quy mô toàn diện nhất

VH- Từ năm 1998, Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) ra đời và phát động thực hiện trên phạm vi cả nước, đến nay tròn 20 năm (1998 - 2018).

Phong trào TDĐKXDĐSVH đã mang lại hiệu quả tích cực về mọi mặt. Trong ảnh: Giải thi đấu bóng chuyền trong lễ hội Lồng Tồng (Lâm Bình – Tuyên Quang) Ảnh: NGỌC CHIẾN

Về nội dung, hình thức và tính chất so với các phong trào trước đó thì đây là phong trào với quy mô toàn diện nhất, bao gồm các mặt của đời sống của con người: Kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; là phong trào được cả hệ thống chính trị và toàn dân quan tâm, tham gia tổ chức thực hiện; là phong trào có thể lâu dài nhất so với các phong trào hiện có, vì rằng khi xã hội của mỗi con người, mỗi cộng đồng còn vận động phát triển hằng ngày thì phong trào TDĐKXDĐSVH vẫn còn phải tiếp tục để định hướng, điều chỉnh nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày một tốt hơn.

Tuy nhiên, mỗi giai đoạn, về nội dung và hình thức vận động có thể thay đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình đất nước và điều kiện phát triển của từng địa phương; đây còn là phong trào sâu rộng nhất mà cả nước triển khai thực hiện, là cơ sở, là tiền đề để góp phần xây dựng nông thôn mới ngày nay.

Qua 20 năm, toàn dân đã vận động thực hiện và phát triển phong trào TDĐKXDĐSVH đã đạt được nhiều kết quả rất tốt đẹp, rất đáng được trân trọng và tự hào. Cả nước có gần 20 triệu gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; hơn 81.000 làng, bản, thôn, ấp, khu phố đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa; gần 69.000 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng cơ quan văn hóa; 63/63 tỉnh, thành có Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao; 613/713 quận, huyện có Trung tâm Văn hóa-Thể thao; gần 6.000/10.230 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa-Thể thao và gần 67.000/109.727 thôn, bản, ấp, khu phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa...

Về hiệu quả xã hội, phong trào đã nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và đời sống vật chất của đa số nhân dân. Phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần vào việc ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế của từng địa bàn dân cư, từng địa phương và trên phạm vi cả nước. Qua phong trào, tính đoàn kết cộng đồng được thắt chặt, gắn bó tốt hơn, tình làng nghĩa xóm thương yêu đùm bọc lẫn nhau được coi trọng hơn; việc đền ơn đáp nghĩa thực hiện tốt hơn; nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xóa đói giảm nghèo... trở thành việc làm thường xuyên của mỗi địa phương và cả nước; đạo đức gia đình, đạo đức xã hội được quan tâm giáo dục...

Tuy nhiên, do điều kiện xã hội hiện nay phát triển nhanh, thông tin nhiều chiều đa dạng và phức tạp. Bên cạnh những tinh hoa, thành tựu khoa học, thành tựu kinh tế trong nước và thế giới đã đạt được... vẫn còn đó tội phạm và các tệ nạn xã hội đã và đang làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và nhất là gây tác hại đến thế hệ trẻ nước nhà. Vì vậy, thiết nghĩ, trong thời gian tới, phong trào TDĐKXDĐSVH cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa với nội dung và hình thức thật sự phù hợp, cần thiết nhằm đáp ứng kịp thời, đúng nhu cầu thực tế của địa phương và đất nước; phải thu hút sự tham gia tích cực của các giai tầng trong xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”.

NGUYỄN NGỌC MINH

(Nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang)

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/20-nam-nhin-lai-mot-phong-trao-co-quy-mo-toan-dien-nhat