20 năm một câu chuyện với Ðại tướng Lê Ðức Anh - Kỳ cuối: Làm bạn với tất cả

Trong một cuộc trò chuyện cởi mở và thực chất khi công tác ở nước ngoài, chỉ có Chủ tịch Lê Ðức Anh, Thư ký và tôi, tôi liền đánh bạo hỏi Chủ tịch: Thưa Chủ tịch, sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, trật tự thế giới lúc đó trở thành 'một cực', nhưng Việt Nam ta thì đưa ra chính sách Ða phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Việc này là do mất nguồn viện trợ của Liên Xô hay vì lý do gì khác?

Nguyên Chủ tịch nước Lê Ðức Anh cùng gia đình nhà báo Vũ Sơn Thủy

Nguyên Chủ tịch nước Lê Ðức Anh cùng gia đình nhà báo Vũ Sơn Thủy

Chủ tịch trả lời: Không, chính sách này được hình thành từ trước khi Liên Xô sụp đổ. Chính sách đối ngoại của chúng ta được vạch ra trên hai cơ sở chính. Một là quá trình đúc rút và tích lũy kinh nghiệm trong tư duy của các nhà lãnh đạo qua các thế hệ. Hai là tình hình quốc tế tại mỗi thời điểm lịch sử đặt ra cho ta phải làm gì.

Trước khi Liên Xô sụp đổ, chúng ta đã rút ra bài học về các nước lớn. Các nước lớn bao giờ cũng có lợi ích nước lớn. Khi thì họ đối đầu với nhau khi thì thỏa hiệp với nhau, nhưng đều vì lợi ích nước lớn của họ. Và trong quá trình đó, họ có thể biến các nước nhỏ thành “quân cờ” trên “bàn cờ thế giới” của họ. Trước đây, hiện nay và sau này cũng vẫn vậy. Vấn đề của chúng ta làm sao không trở thành quân cờ của các nước này hay nước kia. Vậy chúng ta phải đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ. Nói một cách dễ hiểu là ta phải làm bạn với tất cả. Một khi đã có thiện chí làm bạn thì ta sẽ có bước đi thích hợp.

Tôi nhớ lại một bài giảng về tiến công ngoại giao và hỏi Chủ tịch Lê Đức Anh: Khi còn là sinh viên, cháu được Giáo sư ngoại giao dạy là mặt trận ngoại giao cũng như mặt trận quân sự, không tấn công dàn trận được thì phải đánh du kích, không đánh vỗ mặt được thì phải đánh tập hậu. Ngoại giao của ta thời kỳ vừa rồi có thế không bác?

Đại tướng trả lời: Đây là một bài trong “Binh pháp Tôn Tử” áp dụng được vào ngoại giao. Một anh thì đấu bằng súng còn một anh thì đấu bằng lý lẽ, nhưng chiến thuật thì giống nhau. Đầu thập kỷ 1990, sau khi giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước tạm ổn, ta có nhu cầu mở rộng quan hệ với nước ngoài. Ta mở một đợt tấn công ngoại giao nhưng lúc đó không thể làm với Mỹ, cho nên Tây Âu là địa bàn được lựa chọn.

Khi Tây Bắc Âu chuyển thì Mỹ phải suy nghĩ lại. Chuyến thăm không chính thức của tôi trên cương vị Chủ tịch nước đến Cộng hòa Pháp tháng 5/1992 chính là nhằm mục đích này. Rồi năm sau, theo lời mời của tôi, Tổng thống Pháp Francois Mitterand, vị Tổng thống đầu tiên của nước Pháp đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam. Sự kiện Tổng thống Pháp tản bộ dạo phố trên các phố bờ Hồ Gươm đã gửi đi một thông điệp mạnh về một Việt Nam hòa bình, an toàn và muốn làm bạn với tất cả.

Ông Vũ Sơn Thủy chúc mừng Ðại tướng Lê Ðức Anh, Cố vấn BCH Trung ương Ðảng nhân 55 năm Ngày thành lập Quân đội

Trong một ấn phẩm chính thức, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười viết: “Giai đoạn tôi làm Tổng Bí thư, anh Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, anh Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng (1992-1997) thì đây là thời kỳ ta triển khai công tác Đổi mới rất mạnh, mà trọng tâm là đổi mới về kinh tế... Khi anh Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước thì ta thật sự mở rộng quan hệ với nước ngoài".

Nhận xét của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gây cho tôi sự tò mò lớn.

Đại tướng Lê Đức Anh cho tôi biết, ngay sau khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng tháng 2/1987, Bộ Chính trị đã giao cho ông “mở đầu” việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Ông đã bắt đầu công việc bằng hai kênh: ngoại giao nhân dân và ngoại giao bí mật. Ông vào TPHCM chỉ đạo tổ chức gặp mặt bà con Hoa kiều Chợ Lớn để trao đổi về việc cần đưa quan hệ giữa hai dân tộc trở lại bình thường. Và ông cũng có 4 cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, để bàn chuyện bình thường hóa quan hệ hai nước. Sau các hoạt động đó của ông, tháng 7/1990, trong chuyến thăm Singapore của mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã "đánh tiếng" là "Trung Quốc sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam”.

Rồi tháng 9/1990 phía Trung Quốc đã mời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Phạm Văn Đồng và Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười thăm không chính thức Trung Quốc. Tháng 8/1991, Đại tướng - Bộ trưởng Lê Đức Anh được cử làm “đặc phái viên của Bộ Chính trị” sang thăm nội bộ Trung Quốc. Trước khi Hội đàm, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân đã gặp riêng Đại tướng Lê Đức Anh và nêu một vài vấn đề. Ông Giang Trạch Dân nói: “Tới đây lãnh đạo hai nước gặp nhau chính thức sẽ mở lại trang sử tốt đẹp quan hệ Trung - Việt, nhưng có một vấn đề quan trọng phải họp riêng, vì ra họp chung khó nói…

Tôi ở địa phương mới lên làm Tổng Bí thư, trước chưa biết nhưng sau này nghiên cứu lịch sử mới biết Trường Sa là của Trung Quốc". Đại tướng Lê Đức Anh đáp ngay: "Cũng giống như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về hậu phương, khi có dịp nghiên cứu về lịch sử, địa lý và pháp lý thì thấy rõ Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam”. Nghe vậy, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân không nói gì nữa, chỉ cười và bảo: “Thôi đến giờ rồi, mời đồng chí ra hội đàm”.

Sau khi Đại tướng Lê Đức Anh đi “tiền trạm” về, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc và hai bên đã kí kết Hiệp định chính thức quan hệ bình thường giữa hai nước trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, đồng thời ký cả văn bản quan hệ bình thường giữa hai Đảng, khép lại 15 năm đối đầu căng thẳng.

Rồi Đại tướng kể:

“...Thực hiện đường lối Đa dạng hóa quan hệ, Đảng Nhà nước tiến hành bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Lúc đó tôi đang làm Bộ trưởng Quốc phòng thì được Bộ Chính trị giao cho việc tìm cách để phá thế bao vây cấm vận của Mỹ. Tôi nói việc này của Bộ Ngoại giao chứ đâu phải của Quốc phòng. Nhưng anh Tô và cả anh Thạch (tức Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - TG) và các anh khác đều nhất trí cử tôi nghiên cứu để tìm cách cách giải quyết việc này.

…Lúc đó giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không có một kênh tiếp cận nào cả nên rất khó làm. Vả lại, chiến tranh mới kết thúc hơn 10 năm, sự hận thù giữa hai bên vẫn còn sâu sắc lắm. Không thể tiếp cận với nhau bằng chính trị, kinh tế thì phải tìm ở lĩnh vực khoa học - kỹ thuật vậy. Cuối cùng ta đã chọn được một người làm khoa học kỹ thuật là giáo sư bác sỹ Nguyễn Huy Phan ở Quân Y viện 108 là người có cơ hội tiếp cận với phía Mỹ lúc đó. Anh Phan được mời đi dự một hội nghị y học ở Pháp mà sẽ có các đồng nghiệp người Mỹ tham gia.

Là một phẫu thuật viên chỉnh hình rất giỏi, khi đi dự hội nghị đó ở Paris anh Phan có bài thuyết trình về phẫu thuật bộ phận sinh sản rất hay. Các bác sỹ người Mỹ rất thích nên sau đó đã mời anh Phan đi thăm Mỹ để thuyết trình rõ hơn vấn đề khoa học này. Qua vài lần giao lưu, anh Phan có mời một số bác sỹ Mỹ sang thăm Việt Nam để nghiên cứu chỉnh hình cho trẻ em bị hở miệng bẩm sinh. Và rồi các bác sỹ của hai bên đã lập ra “Nhóm bác sỹ hỗn hợp Phẫu thuật nụ cười” để chỉnh sửa cho trẻ em Việt Nam bị hở “hàm ếch”.

…Bàn về “người Mỹ mất tích” trong chiến tranh là chủ đề rất nhạy cảm lúc bấy giờ. Người Mỹ vậy, còn người Việt Nam mất tích thì sao? Phía Mỹ lại còn nói Việt Nam vẫn giấu tù binh Mỹ còn sống, kể cả dưới hầm trụ sở Bộ Tổng tham mưu ở trong Thành. Khi Thượng nghị sỹ J. Kerry sang, tôi đã đích thân dẫn ông ta đi thăm những nơi mà phía Mỹ nghi là Việt Nam còn giấu tù binh là quân nhân của họ. Những nơi đó rất nhạy cảm về an ninh quốc gia. Được sự đồng ý của Bộ Chính trị, tôi cho ông Kerry được chứng kiến tận nơi các địa điểm ông ấy đòi hỏi. Cuối cùng ông Kerry đã chính thức xác nhận là không hề có chuyện giấu tù binh Mỹ còn sống ở Việt Nam. Sau đợt đó thì hai nước mới bắt đầu bàn đến chuyện bình thường hóa quan hệ. Và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là một trong những người hăng hái nhất trong quá trình thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.

Có lần gặp, tôi hỏi Đại tướng Lê Đức Anh: Thưa bác, chính sách “làm bạn với tất cả các nước” là có tính lôgíc cao. Nhưng làm bạn thì phải mở cửa đón bạn hay nói theo ngôn ngữ ngoại giao là “hội nhập quốc tế”. Việt Nam chủ trương “hội nhập toàn cầu” mà lại muốn giữ độc lập tự chủ thì có mâu thuẫn không?

Đại tướng Lê Đức Anh bình thản: Đúng là có những thế lực muốn “diễn biến hòa bình” tại Việt Nam và lại có những thế lực muốn Việt Nam tụt hậu để dễ bề gây sức ép. Chỉ có phấn đấu xây dựng để mạnh lên chúng ta mới đập tan các âm mưu này và cũng chỉ có mạnh lên mới giữ được độc lập tự chủ. Muốn mạnh phải phát triển. Muốn phát triển, Việt Nam giữ được ổn định và phải hội nhập với thế giới.

Vũ Sơn Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/20-nam-mot-cau-chuyen-voi-%C3%B0ai-tuong-le-%C3%B0uc-anh-ky-cuoi-lam-ban-voi-tat-ca-1410706.tpo