20 năm làm việc ân tình

Đầu tắt mặt tối nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi học đã bội phần khó khăn nhưng vợ chồng chủ lò kẹo mè xửng Nhiên Hương (229/19 đường Lê Duẩn, P.2, TP Đông Hà, Quảng Trị) vẫn mở lòng cưu mang một người đi lạc bị tâm thần đằng đẵng hơn 20 năm qua. Cũng suốt 2 thập kỷ đó, cả gia đình chủ lò kẹo không ngừng tìm kiếm thân nhân cho người không may mắn. Và đáp lại sự tử tế và cao thượng ấy của họ, điều kỳ diệu đã đến vào cuối tháng 3 - 2018.

Anh Minh (đội mũ) đứng cạnh Phú và ông Thiện cùng người thân của Minh và ông Thiện trong ngày tiễn anh về lại gia đình.

Chủ nhân ngôi nhà cấp 4 ở số 229/19-Lê Duẩn là vợ chồng ông Trần Phước Thiện (66 tuổi, còn có tên là Trần Kiếm) và bà Trần Thị Công Loan. Ông Thiện vốn người quê ở Bao Vinh, TP Huế (TT-Huế) cùng vợ ra lập nghiệp tại TP Đông Hà từ lâu. Quần quật với lò kẹo, vợ chồng ông Thiện chỉ mong lo đủ cho đàn con học hành. Thế nên, khi thấy gia đình đưa một người lạ bị bệnh tâm thần về nuôi, bà con lối xóm vô cùng ngỡ ngàng. Ông Thiện còn nhớ như in câu chuyện hơn 20 năm trước khi hai đứa con là Trần Phước Phú (1986) và Trần Phước Quý (1988) nhiều ngày lén lút đưa cơm cho ai đó. Theo dõi, ông bà ngỡ ngàng thấy các con tiếp tế cho một người lang thang ở chợ, gần QL1A. Không riêng anh em Phú-Quý mà trẻ nhỏ ở kiệt xóm này cũng thay nhau cho quà người thanh niên tội nghiệp ấy. Tối đó, ông bà kêu hai con hỏi chuyện. "Ba mẹ đưa anh Minh về nuôi đi, anh nằm ngoài nớ đói và tội lắm. Bọn con hỏi nghe giọng mô ở trong phía Nam. Anh Minh hiền khô à", Phú năn nỉ. Hôm sau, anh em Phú dắt Minh về nhà. "Nhìn mặt đoán chừng ngoài 20 tuổi, cậu ấy không nói năng gì, khuôn mặt ngờ nghệch. Lúc đó tui mới chắc nó không bình thường", ông Thiện nhớ lại. "Ban đầu vợ chồng tui cũng lo, sợ xảy ra chuyện không hay nhưng qua theo dõi, Minh hiền như đất nhưng không thể tự chăm sóc bản thân mà phải có người bày vẽ. Hỏi tên chi, nó chỉ nói tên là Minh ở Quảng Ngãi", vợ chồng ông Thiện kể.

Sự việc vợ chồng ông Thiện đưa người lạ bị tâm thần về nhà gặp phải sự phản đối từ nhiều người thân, chòm xóm nhưng khi nhìn ánh mắt như kêu cứu của Minh, ông bà quyết định âm thầm lặng lẽ cưu mang anh. "Nuôi nó cực hơn con mọn, bởi đứa trẻ nào cũng sẽ dần lớn lên, chứ nó thì cứ mãi ngờ nghệch, nhất là lúc đau ốm, thật vất vả", ông Thiện kể. Lúc mới đưa về mấy hôm thì phát hiện Minh bị phù thận. Gánh nặng đổ dồn nhưng vợ chồng ông Thiện kiên quyết cứu chữa. Thuốc thang, ăn uống kiêng cữ một thời gian dài Minh mới khỏi bệnh. "Đận đó ông bác sĩ tư có giảm bớt ít tiền, gia đình tui lấy làm cảm ơn lắm", ông Thiện xúc động khi nhớ lại. Nhà đông con, đã chật chội nay có thêm Minh, lại không biết cách chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân nên việc dọn dẹp nhiều khi loạn lên. "Ngày 3 bữa, cơm dọn ra trước mặt nhưng không bảo anh Minh ăn cơm thì anh cứ ngồi rứa thôi, chịu đói. Hay ngủ mà không gọi dậy, anh cũng nằm mãi trên giường", Phú kể. Kể về những chuyện dở khóc dở cười trong 20 năm nuôi Minh, ông Thiện lại đầy vơi nhớ thương. "Nói giọng Huế, Quảng Trị nó không nghe nên cả nhà phải tập đổi sang giọng Quảng Nam, Quảng Ngãi, thành thử có người ngỡ cả nhà tui quê trong đó. Cũng có hôm quên khóa cổng, nó lại lần ra ngoài QL1A. Nhìn bộ dạng nó nghênh nghênh, mấy kẻ say xỉn kêu hỏi không thấy nó trả lời tưởng nó khinh người, rứa là đánh, thương lắm. Rồi cũng có hôm cả nhà đi có việc, Minh ở nhà, thấy người lạ tới là vô xách kẹo ra đưa mà có biết là ai, tiền bạc chi mô. Khi về hỏi nó trả lời tỉnh bơ: "Khách vô lấy kẹo rồi", ông Thiện rơm rớm nước mắt khi kể về đứa con nuôi tội nghiệp. Chị Khánh Linh (1982, con gái thứ 3 ông Thiện) cũng chia sẻ những kỷ niệm khó quên về người con nuôi của gia đình: "Bạn đến chơi nhà, không ít người thắc mắc "răng nhà mi có ông chú khinh người rứa" vì chào mà anh Minh không thèm "nhấp nháy", nhưng sau đó ai nấy quen lại thương lắm".

Hơn 20 năm qua, anh Minh nhận được tình thương vô bờ của bà Loan cùng gia đình.

Dịp cận Tết vừa rồi, Minh lên huyết áp và đột quỵ. Vợ con ông Thiện lại thay phiên nhau lên BVĐK tỉnh Quảng Trị chăm sóc. Vì không có BHYT nên chi phí điều trị rất lớn. "May mà nó phục hồi nhanh", ông Thiện mừng vui. Vất vả vì Minh đủ điều nhưng chưa bao giờ gia đình ông Thiện có ý nghĩ bỏ rơi anh. 20 năm qua, Minh luôn được chăm sóc, thương yêu. Nhưng nghĩ đến cảnh người thân Minh cũng kiệt quệ nhớ thương, gia đình ông Thiện lại lên kế hoạch tìm kiếm. "Nó chỉ nói ở Quảng Ngãi, chưa biết có đúng hay không nhưng bám theo rứa", ông Thiện chia sẻ. Đầu năm 2018, người con trai út là Phước Quý sinh sống tại Nhật tiếp tục đưa thông tin lên mạng facebook và nhờ hội đồng hương Quảng Ngãi giúp sức. Sau một thời gian, có người nhận ra Minh qua ảnh và báo cho người thân ở quê nhà là xã Đức Lợi, H. Mộ Đức, Quảng Ngãi.

Gần cuối tháng 3-2018 vừa qua, cuộc đoàn tụ giữa Minh và người thân diễn ra trong tột cùng xúc động. Người anh trai và em gái của Minh bỏ dở công việc làm thuê tại TPHCM ra TP Đông Hà ngay sau khi hay tin. Tờ mờ sáng hôm đó, Minh được đánh thức dậy và bất ngờ cất giọng gọi tên 2 người nước mắt ngắn dài đang đứng trước mặt mình: "Đây là Bùi Nghiệm, đây là Bùi Bé". Nghiệm là anh trai Minh, còn chị Bé là em gái. Dường như ký ức chìm ngỉm vào sâu thẳm chỉ chờ tình thân máu mủ mới bật ra được.

"Em ấy mất tích hơn 20 năm, gia đình tui tưởng đã không còn hy vọng", anh Nghiệm ôm lấy ông Thiện khóc mà rưng rức. Hôm ấy, rất nhiều người hay tin cũng đến chia vui nhưng hơn hết để được tận mắt chứng kiến cái kết ngọt lành từ tấm lòng cao thượng của gia đình ông Thiện, thật ấm áp và đáng để ngưỡng!

BẢO HÀ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/74_181537_.aspx