20 năm Hà Nội tự hào 'Thành phố vì hòa bình'

Ngày 16/7/1999, tại La Paz thủ đô đất nước Bolivia xinh đẹp, TP Hà Nội vinh dự được UNESCO vinh danh 'Thành phố vì hòa bình'. Càng tự hào hơn, thời điểm đó Hà Nội là thành phố duy nhất khu vực châu Á- Thái Bình Dương được UNESCO trao danh hiệu này. 20 năm đã qua, dù chứng kiến bao sự đổi thay của thời đại, song Hà Nội vẫn chứng minh với bạn bè quốc tế về một thành phố thanh bình, giàu lòng mến khách và đáng sống; về một điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với du khách.

Gắn với nền văn hóa hơn nghìn năm, Hà Nội cũng trở thành điểm đến du lịch ấn tượng đối với bạn bè năm châu. Nét quyến rũ, cổ kính mang đậm chất lịch sử ấy của Hà Nội đã ghi dấu ấn đặc biệt trong lòng du khách.

Hơn mười thế kỷ đã trôi qua, Thăng Long xưa và Hà Nội nay luôn là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa lớn của nước Việt Nam. Thăng Long Hà Nội trong hơn nghìn năm ấy luôn biết tiếp nhận tất cả những gì tinh túy nhất của mọi vùng miền đất nước và xa hơn, của bạn bè quốc tế, để với bản lĩnh của Hà Nội ngàn năm văn hiến, đã nhân lên những điều hay, xóa đi cái dở, làm nên một nền văn hóa bản sắc riêng đầy quyến rũ. Và không chỉ những người sống ở Hà Nội, yêu Hà Nội mà tất cả những ai đã từng đặt chân đến Hà Nội đều có thể cảm nhận được nét quyến rũ ấy.

Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Những di chỉ khảo cổ tại Cổ Loa cho thấy con người đã xuất hiện ở khu vực Hà Nội từ cách đây 2 vạn năm, giai đoạn của nền văn hóa Sơn Vi. Nhưng đến thời kỳ băng tan, biển tiến sâu vào đất liền, các cư dân của thời đại đồ đá mới bị đẩy lùi lên vùng núi. Phải tới khoảng 4 hoặc 5 ngàn năm trước Công Nguyên, con người mới quay lại sinh sống ở nơi đây. Các hiện vật khảo cổ giai đoạn tiếp theo, từ đầu thời đại đồ đồng đến đầu thời đại đồ sắt, minh chứng cho sự hiện diện của Hà Nội ở cả bốn thời đại văn hóa: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Những cư dân Hà Nội thời kỳ đó sinh sống nhờ trồng trọt, chăn nuôi và chài lưới. Giai đoạn tiền sử này tương ứng với thời kỳ của các Vua Hùng trong truyền thuyết.

Đi cùng lịch sử, những di tích mãi trường tồn trong lòng Hà Nội, trở thành những điểm đến nổi bật tạo nên nét quyến rũ khó cưỡng. Trong nhiều thế kỷ, Hà Nội tiếp tục xây dựng các ngôi chùa, trong đó một số vẫn tồn tại tới ngày nay. Có thể kể tới các ngôi chùa như chùa Một Cột xây lần đầu năm 1049, chùa Láng từ thế kỷ XII, chùa Quán Sứ, chùa Kim Liên xuất hiện vào thế kỷ XVII. Tuy vậy, hầu hết các ngôi chùa trong nội ô ngày nay đều được xây dựng lại vào thế kỷ XIX. Những triều đại Lý, Trần, Lê để lại rất ít dấu tích.

Vùng ngoại thành Hà Nội cũng có nhiều ngôi chùa nổi tiếng. Thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, một quần thể văn hóa–tôn giáo gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, các ngôi đền thờ thần, các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp... thường được gọi chung là Chùa Hương.

Từ lâu, di tích này đã trở thành một địa điểm du lịch quan trọng, đặc biệt với lễ hội Chùa Hương được tổ chức vào mỗi mùa xuân. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây Nam, Chùa Thầy nằm trên địa phận của xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Ngôi chùa, thường gắn liền với tên tuổi vị thiền sư Từ Đạo Hạnh, là một di sản kiến trúc, văn hóa, lịch sử giá trị. Giống như Chùa Hương, lễ hội Chùa Thầy cũng được tổ chức vào mùa xuân, đầu tháng 3 hàng năm.

Thời kỳ thuộc địa đã để lại Hà Nội rất nhiều các công trình kiến trúc lớn, hiện vẫn đóng vai trò quan trọng về công năng, như Nhà hát Lớn, Phủ Chủ tịch, Bắc Bộ phủ, trụ sở Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử, Khách sạn Sofitel Metropole... Một số công trình bị phá bỏ để xây mới – như Tòa thị chính được thay thế bằng trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố – hoặc tu sửa nhưng không giữ được kiến trúc cũ – như ga Hàng Cỏ. Thời kỳ tiếp theo, Hà Nội cũng có thêm các công trình mới. Lăng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội trường Ba Đình, ghi đậm dấu ấn của giai đoạn này.

So với các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam, Hà Nội là một thành phố có tiềm năng để phát triển du lịch. Trong nội ô, cùng với các công trình kiến trúc, Hà Nội còn sở hữu một hệ thống bảo tàng đa dạng bậc nhất Việt Nam. Thành phố cũng có nhiều lợi thế trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam với du khách nước ngoài thông qua các nhà hát sân khấu dân gian, các làng nghề truyền thống... Du lịch Hà Nội đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với các du khách.

Lịch sử lâu đời cùng nền văn hóa phong phú đã giúp Hà Nội có được kiến trúc đa dạng và mang dấu ấn riêng. Về mặt kiến trúc, có thể chia Hà Nội ngày nay thành bốn khu vực: Khu phố cổ, khu thành cổ, khu phố Pháp và các khu mới quy hoạch.

Khu phố cổ Hà Nội, trung tâm lịch sử của thành phố, hiện nay vẫn là khu vực đông đúc nhất. Tất cả các ngôi nhà hai bên đường khu phố cổ đều theo kiểu nhà ống, mang nét đặc trưng: Bề ngang hẹp, chiều dài sâu, đôi khi thông sang phố khác. Bên trong các ngôi nhà này cũng có cách bố trí gần như nhau: Gian ngoài là nơi bán hoặc làm hàng, tiếp đó là khoảng sân lộ thiên để lấy ánh sáng, trên sân có bể cạn trang trí, quanh sân là cây cảnh, giàn hoa, gian nhà trong mới là nơi ăn ở và nối tiếp là khu phụ.

Khu thành cổ, tức hoàng thành Thăng Long, nằm ở khoảng giữa hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm, xuất hiện cùng với kinh đô Thăng Long. Phía Nam thành cổ còn lưu lại được một quần thể di tích đa dạng là Văn Miếu-Quốc Tử Giám, được xây từ đầu thế kỷ XI. Ngày 31/7/2010, tại kỳ họp lần thứ 34 tại Brasilia, thủ đô của Brasil, Ủy ban di sản thế giới của UNESCO đã công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới dựa trên 3 tiêu chí: Chiều dài lịch sử văn hóa, Tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và Các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.

Năm 1883, người Pháp bắt đầu lên kế hoạch xây dựng lại thành phố. Kiến trúc Pháp thường được xem như một di sản của Hà Nội, nhưng ngày nay đã phải chịu nhiều biến đổi. Những công trình cao tầng và các ngôi nhà giả phong cách Pháp làm khu phố cũ trở nên khó nhận diện. Bên cạnh đó, nhiều thửa đất được sát nhập để xây dựng các cao ốc khiến cảnh quan bị phá vỡ. Những hàng rào thấp dọc các con phố, những màu sắc tiêu biểu – tường vàng và cửa gỗ màu xanh – cũng bị thay đổi và che lấp bởi các biểu hiệu quảng cáo. Hiện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội với sự giúp đỡ của vùng Île-de-France đang triển khai dự án bảo tồn và phát triển khu phố này.

Qua hơn nghìn năm dựng xây phát triển có lúc thăng, lúc trầm nhưng Kiến trúc, quy hoạch Hà Nội ngày càng rạng rỡ và mang những đặc trưng nổi bật. Kiến trúc, đô thị nương tựa, gắn kết, hài hòa với thiên nhiên, kiến trúc gắn bó hữu cơ với mạng lưới sông, hồ, cây xanh. Kiến trúc Thăng long – Hà Nội từ không có ranh giới với nông thôn đến khi có sự cách biệt rõ ràng đầu thế kỷ 20 rồi càng mờ đi và mở rộng nhanh chóng những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 bởi quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh.

Hơn lúc nào hết, mong muốn về một Hà Nội mở rộng có sự hồi sinh những giá trị của quá khứ, song mạnh mẽ hướng về tương lai càng cháy bỏng trong mỗi người con dân Hà Nội – Việt Nam. Nó kêu gọi nhiệt huyết và trách nhiệm của giới kiến trúc và cộng đồng xã hội hãy chung vai, sát cánh xây dựng Thủ đô tươi đẹp bền vững cho con cháu muôn đời.

Bảo Thoa

Kỳ 2: Thành phố an toàn và bình yên

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/20-nam-ha-noi-tu-hao-thanh-pho-vi-hoa-binh-93265.html