20 năm đóng góp cho giáo dục vùng cao

Bằng nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, với 20 năm công tác trong nghề, thầy giáo Nguyễn Chiến Hào đã đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, ở cương vị nào thầy cũng hết lòng tận tâm, tận tụy với công việc, nhận được sự yêu quý của đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh học sinh và bà con thôn bản.

Gặp thầy Nguyễn Chiến Hào (sinh năm 1975, Hiệu trưởng trường tiểu học Vinh Quang, thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) trong chuyến công tác tại Hà Giang, chúng tôi ấn tượng với nụ cười hiền đúng chất “giáo viên cắm bản” của thầy. Rồi khi nghe thầy kể về những ngày đi dạy ở các điểm trường thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện, cùng sinh hoạt với các học trò và bà con thôn bản mới thêm trân quý nụ cười giản dị nhưng chứa đựng biết bao tình cảm.

Tiêu chuẩn bắt buộc của giáo viên cắm bản

Sinh ra và lớn lên tại Phú Thọ, những năm 1990, chàng thanh niên Nguyễn Chiến Hào theo chú lên Hoàng Su Phì học tập. Sau khi tốt nghiệp hệ 9+3 tại Hà Giang, Nguyễn Chiến Hào tiếp tục đi học bổ túc văn hóa, rồi học tiếp đại học. Với mong muốn được góp một phần giúp phát triển vùng cao, thầy xin về dạy học tại điểm trường Yên Sơn của xã Nậm Ty, khi đó là xã đặc biệt khó khăn với 90% dân số là người dân tộc Mông, Dao để “truyền chữ”.

Thầy Hào kể, thời điểm đó, đường đến điểm trường đều là đường đất, đường mòn, phải trèo đèo, lội suối mới đến được. Thôn, bản còn không có điện, nhận thức của người dân về việc cho con đến trường còn hạn chế. Chính vì vậy, thầy Hào tìm sự thông cảm và gắn kết với các gia đình và học sinh bằng việc học tiếng và các phong tục tập quán của người dân trước khi thuyết phục bà con cho con em đi học.

Thầy Nguyễn Chiến Hào (ngoài cùng bên phải) cùng các thầy, cô giáo tại Nậm Ty năm 2005. Ảnh NVCC

Thầy Nguyễn Chiến Hào (ngoài cùng bên phải) cùng các thầy, cô giáo tại Nậm Ty năm 2005. Ảnh NVCC

“Xã Nậm Ty khi đó đồng bào đa số là người Mông, Nùng, Dao. Ví dụ như người Dao, ngày tránh gió, tránh bão thì họ kiêng nên cho con ở nhà, khi đó mình cũng không thể nào đến để vận động họ cho con em đi học. Còn dân tộc Nùng, khi người ta làm lễ cúng ma, cúng rừng, mình có thể đến nhưng phải nói tiếng dân tộc họ. Nếu mình nói tiếng Kinh, có thể người ta không nói gì, nhưng người ta không thích thì sẽ khó cho công tác vận động học sinh”, thầy Hào kể về những ngày đầu làm việc tại điểm trường Yên Sơn. “Rồi có những bản người Mông, 90% trẻ em không biết tiếng phổ thông. Lắm lúc nói, làm gì là phải ra hiệu, thì các em mới biết được. Vì thế, việc biết tiếng dân tộc gần như là bắt buộc với thầy cô giáo ở điểm trường”.

Kể về “công đoạn” học tiếng dân tộc của thầy Hào cũng lắm gian nan. “Khó khăn đấy nhưng mình cứ học dần. Khi đó, lúc nào cũng phải kè kè quyển sổ để ghi chép, rồi mình phát âm chưa đúng, nói ra người ta toàn cười. Mình học tiếng dân tộc khó thì các em học sinh dân tộc học tiếng Kinh cũng như vậy. Khi chưa biết chữ thì các em giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ là chính. Thầy cô giáo dưới xuôi lên đây nói không chuẩn tiếng dân tộc, học sinh có lúc không hiểu, nhưng có lúc hiểu rồi, sự buồn cười lại gây sự chú ý của các em, nên học lại nhớ được lâu”. Nhờ những buổi thầy trò cùng giao tiếp rồi qua giao lưu, vận động bà con, sau 10 năm gắn bó với các điểm trường ở xã Nậm Ty, thầy Hào cơ bản có thể nói được tất cả các tiếng của đồng bào dân tộc tại địa phương.

Cùng giảng dạy với thầy Hào ở điểm trường của xã Nậm Ty khi đó có thầy Lý Quang Thông (hiện là Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nậm Ty) và cô Nguyễn Thị Thúy, thầy Nguyễn Ngọc Tân phụ trách đội. Thầy Thông, thầy Tân, cô Thúy hiện vẫn nhớ như in những ngày đồng nghiệp cùng nhau đến nhà học sinh để vận động bà con cho con em về học nội trú tại trường. Trèo đèo, lội suối vất vả là thế nhưng các thầy cô vẫn không quản ngại khó khăn, chỉ mong vận động được nhiều em đến trường.

"Bố" Hào và "kỷ vật" của Sen

Cô Nguyễn Thị Thúy chia sẻ, những ngày đầu tổ chức chương trình nội trú mới, nhà trường tổ chức cho học sinh ăn ở tại điểm trường. Khi đó, có một học sinh nhà ở rất xa, cứ bố mẹ đưa đến trường là khóc. Khi được thầy Hào dỗ dành, em đó bắt đầu nín khóc nhưng nhất quyết không ngủ với ai, chỉ ngủ với “bố Hào”.

Kể thêm về những kỷ niệm hồi còn ở điểm trường, thầy Hào thì nhớ mãi “kỷ vật” khó quên của một học sinh tên Sen, người dân tộc Mông. Khi đó, Sen được bố mẹ đưa đến học mà thường xuyên bị chảy máu mũi, người gầy rộc, xanh xao. Hơn 1 tháng liền các thầy cô theo dõi, chăm sóc không tìm ra nguyên nhân, sau cùng thầy Hào mới phát hiện một con tặc (con đỉa) dưới cánh mũi.

“Đi mấy nơi hỏi cách chữa, thấy người ta mách con tặc khi người chạy nhảy, khát nước thì mới chui ra. Thế là tìm ngày trời nắng, chú với thầy Tân dặn Sen nằm phơi nắng, rồi lấy cái banh chặn vào mũi, khi con tặc chui ra thì kẹp, gắp ra. Gắp được ra thì anh em cho vào chai ngâm làm kỷ niệm. Từ lúc đó Sen không chảy máu mũi nữa, sau một thời gian thì béo hẳn lên. Bố mẹ Sen quý lắm, đem đến cân gạo nếp cùng mấy quả trứng biếu các thầy”, thầy Hào kể.

Bên cạnh công tác giảng dạy, hằng năm, thầy Hào cùng tập thể giáo viên tham gia cùng chính quyền địa phương mở rộng đường giao thông nông thôn tại thôn Hồ Piên, thôn Tấn Xà Phìn, thôn Tân Thượng xã Nậm Ty. Hiện tại, được Đảng và Nhà nước quan tâm, ngoài việc có điện, có đường mở, xây dựng nông thôn mới, Nậm Ty đã đưa được học sinh về nội trú tại các trường chính, tạo điều kiện tốt nhất để các em học hành.

Thầy Nguyễn Chiến Hào luôn trăn trở với giáo dục vùng cao. Ảnh VGP

Sau 10 năm gắn bó với các điểm trường ở Nậm Ty, năm 2011, thầy Hào được điểu chuyển về làm Hiệu trưởng trường tiểu học Vinh Quang. Đối với công tác giáo dục của trường tiểu học Vinh Quang, khi thầy mới về công tác, thì số lớp, số học sinh ít với 10 lớp và hơn 300 học sinh. Đến nay số lớp và số học sinh tăng lên rất nhanh, có 19 lớp với hơn 600 học sinh. Đội ngũ giáo viên cũng được tăng cường với 40 thầy cô giáo so với 20 thầy cô giáo trước đó.

Dưới sự dẫn dắt của thầy Hào, các thầy, cô giáo luôn nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, hằng ngày hỗ trợ kèm cặp các em, đảm bảo số lượng học sinh khá, giỏi cũng như tiêu chí trường chuẩn.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoàng Su Phì cho biết, thầy Nguyễn Chiến Hào luôn có ý thức tiên phong đi đầu trong mọi công việc, mọi phong trào của ngành cũng như của trường đã đề ra, không quản khó khăn, góp phần nâng cao hoàn thành mọi chỉ tiêu kế hoạch của nhà trường cũng như của cấp trên đã đề ra, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục của huyện.

Năm học 2019-2020, học sinh trường tiểu học Vinh Quang hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 100%; Học sinh khen thưởng cấp trường, hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện và khen thưởng từng mặt được 402/602 em đạt tỉ lệ 67%; Thư viện đạt danh hiệu thư viện tiên tiến; Liên Đội xếp loại xuất sắc; Công đoàn xếp loại xuất sắc; Tập thể nhà trường xếp loại xuất sắc nhiệm vụ.

Bước tiếp sau chặng đường 20 năm

Nhìn lại quãng đường 20 năm gắn bó với miền núi Hoàng Su Phì, hỏi thầy vì sao khi hoàn thành chương trình học, đi dạy cũng có kinh nghiệm rồi thầy không xin về dưới xuôi để điều kiện dạy học tốt hơn, đi lại dễ dàng hơn mà thời tiết cũng bớt khắc nghiệt. Vẫn nụ cười hiền hậu ấy, thầy chia sẻ với chúng tôi: “Khi lên đây công tác thì mình thấy được điều kiện, hoàn cảnh của Hoàng Su Phì, biết được đường xá vào thôn, bản còn khó khăn nhưng lúc đó là tuổi trẻ muốn cống hiến. Được một thời gian thì xây dựng gia đình, vợ cũng là người miền xuôi lên đây rồi công tác trên này. Hai vợ chồng ở trên này thấy rất mến người dân vùng cao. Ở những xã mình đã đi qua, mỗi khi mình có dịp trở lại, bà con rất hồ hởi, rất quý mến, coi mình như anh em trong nhà. Những tình cảm đó đến bây giờ vẫn vậy. Gắn bó lâu thành ra không muốn đi đâu nữa”.

Thương mến đồng bào vùng cao, hiểu được sự vất vả, thiệt thòi của trẻ em nơi đây với các địa phương khác, thầy Hào luôn trăn trở “như khi tôi lên đây công tác, các em không biết đọc biết viết, kể cả những người dưới 30 tuổi, đi chợ, đi bán hàng còn không biết làm tính. Nhưng đến giờ phút này thì THCS được phổ cập rồi. Đa số đọc thông, viết thạo. Giờ chỉ mong muốn làm sao ngoài đọc thông viết thạo các em được nâng cao kiến thức hơn nữa nữa, để khi lớn lên, các em cũng có kiến thức trang bị cho chính cuộc sống của bản thân mình”, thầy Hào chia sẻ.

Với những tâm huyết của mình, người thầy giáo đã hơn 20 năm gắn bó với trường lớp ở Hoàng Su Phì bày tỏ hy vọng, rằng lớp giáo viên trẻ kế cận, đang công tác tại các địa bàn khó khăn, bằng tấm lòng yêu nghề mến trẻ tiếp tục kiên định với con đường đã chọn, đóng góp công sức nhỏ bé của mình, góp phần đưa giáo dục vùng cao ngày càng phát triển hơn.

Trần Tiệp-Nguyễn Toàn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/nguoi-totviec-tot/20-nam-dong-gop-cho-giao-duc-vung-cao/424107.vgp