20 năm bắt đầu từ Ngõ Trạm

Thật tự hào và hạnh phúc khi tôi được là Tổng Biên tập đầu tiên của báo, đặt những nền móng đầu tiên để khai sinh tờ báo, bắt đầu từ 'Trạm' của Ngõ Trạm năm 2001...

Thấm thoắt đã 20 năm ĐS&PL khai sinh và ra số đầu tiên từ 35 Ngõ Trạm (Hà Nội), gian khổ và vinh quang, non nớt rồi chững chạc vững bước đi lên để có tuổi 20 đầy nhựa sống.

Thật tự hào và hạnh phúc khi tôi được là Tổng Biên tập đầu tiên của báo, đặt những nền móng đầu tiên để khai sinh tờ báo, bắt đầu từ “Trạm” của Ngõ Trạm năm 2001 để rồi đến “Tháp” ngày nay - Tòa Tháp Ngôi Sao (Star Tower).

PGS.TS.LS.Nhà báo Chu Hồng Thanh.

PGS.TS.LS.Nhà báo Chu Hồng Thanh.

Ngày ấy khi tôi đang là Giảng viên cao cấp Luật học, Phó viện trưởng phụ trách Viện Quyền con người, Ủy viên Ban Chấp hành hội Luật gia Việt Nam (HLGVN), Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì Chủ tịch HLGVN Phạm Hưng (nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, nguyên Trợ lý pháp luật của Chủ tịch nước) gặp và đề nghị tôi chuyển sang làm chuyên trách công tác Hội.

Sau cuộc gặp, Chủ tịch Hội ký công văn (có bút phê ý kiến của Chủ tịch nước) gửi Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Thế là tôi chuyển sang hội Luật gia Việt Nam, được bầu bổ sung vào Ban Thường vụ, chuyên trách công tác Hội như một sự phân công như đã từng “làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần”.

Quá nhiều việc đặt ra để củng cố và phát triển Hội và cũng đều là những công việc cấp bách phải làm để thực hiện tôn chỉ, mục đích của HLGVN. Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ và nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương HLGVN đã xác định việc thành lập tờ báo của HLGVN. Thế là ngay từ cuối năm 2000 tôi đã chuẩn bị hồ sơ đề án thành lập Báo, trình Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Trung ương Hội thảo luận và xem xét, quyết định.

Rất nhiều ý kiến thảo luận về lựa chọn tên tờ báo. Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc (Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội) phân tích và đa số ý kiến Ban Thường vụ đồng ý với đề xuất của Đề án lấy tên báo là Đời sống & Pháp luật như ngày nay- Cơ quan Trung ương của hội Luật gia Việt Nam, tiếng nói của giới Luật gia Việt Nam.

Sau khi Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam ký Quyết định về việc thành lập Báo, một “núi” công việc tiếp tục đặt ra, trong đó phải xin giấy phép hoạt động, phải có trụ sở, cơ sở vật chất, phải định hình măng-sét, hình thức và nội dung tờ báo... Với sự ủng hộ mạnh mẽ của Ban Chấp hành Trung ương Hội và Chủ tịch Hội, sự đồng thuận và giúp đỡ của các cơ quan quản lý báo chí và bạn bè, đồng nghiệp... cùng với có sự may mắn nhất định để từ số không tròn trĩnh đi lên với ngàn vạn khó khăn.

Sự cố gắng ban đầu nghĩ lại, thật phi thường. Luật sư Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh (hiện là Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho mượn vô điều kiện địa điểm 35 Ngõ Trạm làm trụ sở Báo ban đầu. Vụ Báo chí, hội Nhà báo Việt Nam, nhiều tờ báo đồng nghiệp khác đã quan tâm giúp đỡ Đời sống & Pháp luật. Đội ngũ cán bộ nhân viên của Báo nhanh chóng được tập hợp, nhiều nhà báo có kinh nghiệm đã tình nguyện được làm việc tại báo...

Giấy phép hoạt động báo chí đã được cấp. Khó khăn lúc này là hoạt động thế nào để bắt đầu “nhập cuộc” với làng báo chí cách mạng Việt Nam? Bằng sự đoàn kết và quyết tâm của cả tập thể, những khó khăn ban đầu đã nhanh chóng được khắc phục. Tổng Biên tập và cả tập thể cơ quan báo đã nhất trí làm việc không hưởng lương trong nhiều tháng đầu.

Bạn bè của Báo cũng ngày càng nhiều và rất thân tình. Thông tin bài vở ngày càng phong phú hơn, cập nhật hơn. Khuôn khổ tờ báo ban đầu được xác định khuôn khổ như báo Nhân dân, Quân đội nhân dân... với ý tưởng về sự “sang trọng” tờ báo của giới luật gia Việt Nam - giới “tinh hoa” được đào tạo, học hành, có tri thức pháp luật và giàu kinh nghiệm hoạt động xã hội.

Nhà in báo Nhân dân tại 13-15 phố Hàng Tre là nơi được tin cậy để lựa chọn in báo. Những ngày thai nghén các số báo đầu tiên với cảm giác thật lạ lùng hiếm thấy, cả tòa soạn luôn tỉnh táo, hồi hộp và thực sự mất ăn mất ngủ trong nhiều số báo đầu. Ban Biên tập báo thường xuyên thức đêm cùng công nhân nhà in để đón nhận những đứa con tinh thần của mình.

Đặc biệt số báo đầu tiên ra đời với cảm xúc vỡ òa đầy hơi ấm của tình đồng nghiệp, bạn bè, chan hòa và hân hoan, chân tình và thắm thiết dường như không tình yêu nào kịp sánh. Tôi còn nhớ như in những gương mặt thân thiết gắn bó đoàn kết thương yêu nhau như ruột thịt của cả một tập thể “buổi đầu lưu luyến ấy”.

Buổi đầu gian khó và khao khát nhanh chóng được bổ sung những người có kinh nghiệm làm báo như nhà báo Nguyễn Tiến Thanh (Phó Tổng Biên tập, hiện là Tổng Biên tập) và nhiều cán bộ, phóng viên khác như: Quốc Huy (nay là Phó Tổng Biên tập), Thu Thêm, Đăng Tùng...

Với sự giúp đỡ, hợp tác của nhiều bạn bè, hội Nhà báo Việt Nam, cục Xúc tiến thương mại, trong đó có cộng sự tích cực của nhà báo Lê Tuấn Dũng (nay là Phó Tổng Biên tập), lễ kỷ niệm 1 năm ra số báo đầu tiên tổ chức đầu năm 2002 tại Khách sạn Điện lực ở phố Lý Thái Tổ thật hoành tráng, đầy vinh quang và tự hào, đã là những ngày thật tuyệt vời trong trang sử những ngày đầu của Báo.

Cả tập thể chúng tôi đều xúc động và tự hào, vì từ con số không tròn trĩnh, ĐS&PL đã nhập cuộc thành công vào làng báo, đã có hình hài của một tờ báo với cơ thể khỏe mạnh, đã vượt qua những cửa ải đầy thách thức cam go, tự mình có thể “nuôi” nổi mình để sau đó đi thuê trụ sở mới, dấu hiệu cho sự phát triển mạnh mẽ và những khát vọng tương lai, tiền đồ tươi sáng.

Tháng Ba về, đứa con tinh thần của tập thể ĐS&PL tròn 20 tuổi, thanh tân, hừng hực sức trẻ. Những ngày này, tôi và những đồng nghiệp, cộng sự thân yêu của tôi đang cháy bỏng tình yêu hướng về ĐS&PL với đầy ắp kỷ niệm và ước vọng về uy tín và sự phát triển sự nghiệp của ĐS&PL trong những bước đường tiếp theo.

PGS.TS.LS.Nhà báo Chu Hồng Thanh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/20-nam-bat-dau-tu-ngo-tram-a412916.html