20 điểm trong bán kính 1 km, các cửa hàng tiện lợi lo chiếm thị phần

Từ vài trăm điểm năm 2014, hết tháng 3/2018, số lượng cửa hàng tiện lợi đã đạt 1.600 trên toàn quốc. Trong bán kính 1 km quanh ĐHQG Hà Nội có tới hơn 20 cửa hàng, len vào ngõ nhỏ.

Từ khi chuyển về khu chung cư trên đường Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội sinh sống khoảng hơn 1 năm nay, chị Nguyễn Minh Hương, nhân viên ngân hàng, từ bỏ dần thói quen mua sắm ở chợ truyền thống của mình. Thay vào đó, chị mua đồ ở các cửa hàng tiện lợi. Cứ chiều chiều, sau khi tan ca, chị Hương tất tả chạy vào cửa hàng tiện lợi dưới chân tòa chung cư chị sinh sống để mua miếng thịt, mớ rau về nấu bữa cơm cho gia đình.

“Gần nhà tôi cũng có cái chợ cóc, nhưng mà đi chợ cuối ngày thì mong gì mua được miếng thịt tươi hay mớ rau ngon. 6 giờ tối mà thực phẩm vẫn trông ngon mắt thì tôi lại cảm giác không an toàn. Làm sao mà rau cỏ tươi rói cả ngày như thế khi Hà Nội nắng nóng gần 40 độ thế này”, bà nội trợ 34 tuổi hoài nghi về chất lượng sản phẩm.

“Thế nên đi làm về tôi chạy vào siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi mua cho nhanh. Dù sao cũng thấy yên tâm hơn đôi chút. Thỉnh thoảng tôi cũng có đi chợ” - chị Hương chia sẻ thêm.

Không chỉ chị Hương, một số người tiêu dùng Việt cũng đang dần chuyển sang mua sắm ở các cửa hàng tiện lợi nhất là khi chúng len lỏi từng ngõ ngách, từng khu dân cư với mật độ dày đặc không thua gì chợ tạm, chợ cóc cả.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang nằm trong tay ai? Việt Nam được xem là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất châu Á. Đón đầu xu hướng này nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã đổ vốn mạnh vào "miếng bánh" hấp dẫn này.

Các chuỗi cửa hàng tiện lợi cạnh tranh bằng gì?

Đúng như tên gọi, các cửa hàng tiện lợi cung cấp cho khách hàng sự “tiện lợi” khi mua sắm. Chúng mọc lên ở khắp nơi. Ở đâu có đông dân cư sinh sống, ở đó có cửa hàng tiện lợi.

Trong bán kính khoảng 1 km tính từ ĐH Quốc gia Hà Nội, có tới hơn 20 cửa hàng tiện lợi của 2 đơn vị Vinmart+ và Circle K. Nếu như Vinmart+ xây dựng chuỗi cửa hàng vào tận từng ngõ, ngách thì các cửa hàng của Circle K tập trung chủ yếu tại tuyến đường lớn dọc các trường.

Từ những khác biệt về mặt hàng cũng như vị trí kinh doanh, đối tượng khách hàng của 2 đơn vị này cũng có những khác biệt nhất định. Trong khi khách hàng của Circle K chủ yếu là sinh viên, những người trẻ có nhu cầu vừa mua hàng, vừa tán gẫu hoặc cần không gian làm việc thì tại Vinmart+ đa số là các bà nội trợ, nhắm đến các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, hơn 1/3 số hộ gia đình Việt đã từng mua sắm các mặt hàng tiêu dùng nhanh tại cửa hàng tiện lợi trong năm qua, với tần suất mua sắm trung bình 10 lần/năm.

Và với đặc điểm người Việt, phương tiện di chuyển chủ yếu vẫn là xe máy, hầu hết cửa hàng tiện lợi đều dành vị trí đỗ xe máy rộng rãi và có người trông coi để chiều lòng khách mua hàng.

“Khách đến chỉ việc gạt chân chống, xuống xe, vào mua hàng. Phần còn lại, dắt xe, quay đầu ngay ngắn, để chúng tôi lo. Có nhiều chị em phụ nữ mặc nguyên áo chống nắng, đội nguyên mũ bảo hiểm, chạy vào mua hàng rồi trở ra, phóng xe về nhà nấu cơm.” - anh Mai Văn Hùng, 30 tuổi, bảo vệ kiêm trông xe tại một cửa hàng tiện lợi trên đường Lê Văn Lương chia sẻ.

“Cửa hàng này nằm trong khu đông dân cư mà, nhiều khách quen lắm! Nhiều người mua quen rồi, có khi còn ngồi nguyên trên xe, nhờ cánh bảo vệ chúng tôi chạy vào mua đồ giùm”, anh Hùng nói thêm.

Không chỉ có vậy, nếu như chợ hay tạp hóa truyền thống chỉ mở cửa trong khoảng thời gian nhất định, thì một số cửa hàng tiện lợi phục vụ 24/7, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng bất kể thời gian nào trong ngày. Ngoài là điểm mua sắm, cửa hàng tiện lợi, với những trang bị điều hòa, wifi, chỗ sạc điện thoại, đồ ăn chín bán sẵn và chỗ ngồi thoải mái, còn là nơi tụ tập của giới trẻ để tán gẫu, thậm chí là để làm việc.

“Xét ra, sản phẩm ở chợ và cửa hàng tiện lợi không chênh lệch về mặt giá cả, nếu có thì cũng không đáng kể. Nhưng mua sắm ở đây cho tôi cảm giác yên tâm hơn so với bên ngoài. Thêm nữa, giờ giấc mua bán cũng chủ động hơn” - chị Hải, nhân viên của một công ty phần mềm ở Cầu Giấy, chia sẻ lí do thường xuyên mua sắm tại cửa hàng tiện lợi.

Hơn nữa, hàng hóa bày bán trong các cửa hàng tiện lợi còn tạo cho người mua hàng cảm giác yên tâm khi mua sắm. Những gian hàng được sắp xếp gọn gàng, hàng hóa nhãn mác đầy đủ, có nguồn gốc rõ ràng. Thực phẩm tươi sống được bảo quản trong tủ lạnh. Chính những điều này khiến 1 số bà nội trợ bận bịu với công việc như chị Hương, chị Hải chuyển dần thói quen đi chợ truyền thống sang đi cửa hàng tiện lợi.

“Nhiều người vẫn luôn nghĩ giá hàng hóa trong các cửa hàng tiện lợi cao hơn giá ở các kênh phân phối truyền thống. Nhưng theo quan sát của tôi, thì điều này không hoàn toàn đúng. Và thực tế các cửa hàng tiện lợi đang phải nỗ lực rất nhiều để xóa bỏ định kiến này ở người tiêu dùng.” - Peter Chritstou, Giám đốc bộ phận Giải pháp chuyên sâu của Kantar Worldpanel chia sẻ với Zing.vn.

“Với những khách hàng có nhu cầu mua sắm ngắn hạn thì kênh phân phối này không phải lựa chọn tồi”, ông Christou nói thêm.

Mọc như “nấm sau mưa”

Các cửa hàng tiện lợi mọc lên nấm sau mưa trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong bán kính 100 m quanh tòa nhà chị Hương sinh sống đã có đến 3 cửa hàng tiện lợi của 3 thương hiệu khác nhau.

Nếu như khoảng cuối năm 2014, cả nước chỉ có vỏn vẹn vài trăm cửa hàng tiện lợi, thì đến hết quý I năm nay, theo số liệu của Bộ Công thương, con số này đã tăng đến 1.600. Các chuyên gia đều dự báo trong những quý còn lại của năm 2018, các chuỗi cửa hàng tiện lợi sẽ bùng nổ mạnh mẽ với sự xuất hiện của các tay chơi mới đầy tham vọng.

Còn nhớ hình ảnh giới trẻ TP.HCM chen chúc xếp hàng “check in” ở cửa hàng 7-Eleven đầu tiên được ở trung tâm quận 1 hồi giữa năm 2017. Sau 1 năm, chuỗi này đã mở được 18 cửa hàng. Nếu thuận lợi, thương hiệu đến từ Nhật Bản sẽ mở thêm 100 cửa hàng trong 3 năm và 1.000 cửa hàng sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam.

Sau ngày đầu xếp hàng vào mua sắm tại 7 - Eleven, hiện khách đến cửa hàng này chủ yếu để ăn trưa với số lượng không nhiều. Ảnh: Lê Quân

Còn GS25 - thương hiệu bán lẻ Hàn Quốc, cũng đặt chân vào thị trường đầu năm nay và mở cùng lúc 10 cửa hàng. Hãng này cũng kỳ vọng mở khoảng 2.500 cửa hàng ở Việt Nam trong vòng 10 năm tới.

Có mặt ở thị trường Việt từ sớm, Circle K (Mỹ), Shop & Go (Singapore) đã liên tục mở rộng hệ thống và hình thành nên những chuỗi cửa hàng lớn. Trong đó, Circle K có tới 266 cửa hàng, Shop & Go có trên 108 cửa hàng.

Các chuỗi ngoại nắm đến 70% thị phần. Trước sức ép đó, các doanh nghiệp trong nước cũng chuyển mình, liên tục mở rộng chuỗi, trong đó, mạnh nhất là Vingroup. Sau gần 2 năm xây dựng và phát triển hệ thống, tới đầu tháng 3, hệ thống Vinmart+ có 1.200 địa điểm trên toàn quốc.

Còn Saigon Co.op cũng đã có hơn 230 cửa hàng Co.opfood bên cạnh 71 cửa hàng Co.opsmile. Riêng với Satra có khoảng 190 cửa hàng SatraFood...

Lý giải cho việc những cửa hàng tiện lợi liên tiếp mở cửa hàng, Nick Miles, Trưởng bộ phận Châu Á - Thái Bình Dương của công ty nghiên cứu thị trường IGD, cho rằng việc xin giấy phép cho cửa hàng có diện tích 500 m2 đơn giản hơn rất nhiều so với việc mở siêu thị hay đại siêu thị. Đồng thời, việc mở nhiều cửa hàng gia tăng độ phủ của thương hiệu.

Có dễ dàng?

Song song với sự mở rộng ồ ạt, thị trường cũng chứng kiến những bước lùi của nhiều doanh nghiệp trong thời gian gần đây.

Ví dụ, chuỗi Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động sau 3 năm ra mắt với những kế hoạch táo bạo, vừa giảm mục tiêu mở 1.000 cửa hàng trong năm nay xuống còn 500.

Với mục tiêu 1.000 cửa hàng tiện lợi vào năm 2027, nghĩa là 7-Eleven trung bình mỗi năm phải mở 100 cửa hàng, nhưng tháng 6 này, sau một năm vào Việt Nam chỉ mới dừng ở 18 cửa hàng. Mục tiêu 100 cửa hàng mỗi năm của 7-Eleven có vẻ đang gặp khó.

Cái khó của các chuỗi cửa hàng tiện lợi, ngoài việc thuyết phục người dân chuyển từ hình thức mua sắm truyền thống sang kênh phân phối hiện đại mà còn nằm ở bài toán chi phí: chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ ở các khu dân cư, chi phí trang thiết bị, thuê nhân công.

“Các vị trí quan trọng thì hiện nay sự cạnh tranh của thị trường rất lớn, đẩy giá mặt bằng tại tất cả vị trí trung tâm, có mật độ dân cư lớn lên rất cao”, bà Nguyễn Thị Hồng Trang - CEO GS25 Việt Nam, chuỗi cửa hàng tiện lợi đến từ Hàn Quốc, nhận định nhân dịp thương hiệu này ra mắt thị trường hồi tháng 1.

Cùng với bà Trang, ông Yun Ju Young, Giám đốc điều hành của thương hiệu, cũng thừa nhận mặt bằng đang là một trong những khoản tốn kém nhất cho việc thâm nhập thị trường cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam. Thậm chí, GS25 còn biết chắc sẽ không có lãi hoặc thậm chí là lỗ trong 3 năm đầu.

“Đầu tư cửa hàng tiện lợi ban đầu cần rất nhiều vốn, từ hệ thống vận chuyển phân phối đến mặt bằng, trang thiết bị… Chúng tôi phải cần vượt qua giai đoạn này và cũng đã xác định trước được vấn đề này. Khi vượt qua được, có thể nhân rộng mở lớn thì mới có thể phát sinh lợi nhuận,” ông Yun Ju Young nói.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, đánh giá cửa hàng tiện lợi đang là miếng bánh hấp dẫn cả nhà bán lẻ nội lẫn ngoại. Thế nhưng để chiếm được thị phần thì không dễ trước sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều đại gia bán lẻ.

Việc một số doanh nghiệp phải đóng cửa kinh doanh trong bối cảnh này cũng khiến doanh nghiệp khác tham gia thị trường cần cẩn trọng hơn. Ngay cả những đại gia đình đám trên thế giới cũng gặp phải những khó khăn ở thị trường họ từng thành công. Điển hình là 7-Eleven từng đạt được những thành công nhất định tại Indonesia nhưng cũng đã quyết định đóng cửa 136 cửa hàng tại đó vì kinh doanh không thuận lợi.

“Không phải cứ nhảy vào đánh chiếm, mở ồ ạt là có thị phần mà quan trọng là đơn vị đó phải quản lý sao cho hiệu quả. Để cạnh tranh được trong cuộc chiến khốc liệt này, doanh nghiệp cần phải đáp ứng về tiêu chí tiện lợi và đa dạng, giá cả sản phẩm phải cạnh tranh”, ông Phú nói.

Đứng ở góc nhìn khác, chuyên gia này cho biết, lĩnh vực cửa hàng tiện lợi vẫn khá triển vọng dù có nhiều doanh nghiệp teo tóp, làm ăn thua lỗ khi đầu tư vào mảng này. Thế nhưng, đây là xu hướng của tương lai, họ có thể thua lỗ trong vài năm đầu, nếu trụ vững thì sẽ được nhiều "trái ngọt". Bởi lẽ, quy mô gia đình Việt Nam nhỏ (gia đình 4 người) ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với nhu cầu mua sắm tiện lợi. Mặt khác, phụ nữ Việt Nam tham gia vào lực lượng lao động ngày càng đông đảo. Họ bận rộn với trách nhiệm gia đình, công việc nên sẽ ưu tiên các cửa hàng tiện lợi để tiết kiệm thời gian.

“Thời gian đầu chưa phải lúc tạo lợi nhuận, mà là chiếm thị phần”, ông nói thêm.

Nhìn toàn cảnh, hệ thống cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam đang đua nhau mọc lên. Mặc dù rất hiếm hệ thống báo cáo có lãi, nhưng cuộc chiến mở rộng vẫn chưa có điểm dừng. Thậm chí, theo các nhà bán lẻ, mô hình này vẫn còn kém cạnh tranh so với siêu thị và cửa hàng truyền thống do giá bán hàng hóa đắt hơn, ít đa dạng hơn. Thế nhưng, các chuyên gia đều cho rằng cho rằng, đây là xu thế của thị trường, nếu đơn vị nào trụ vững thì sẽ đạt được nhiều "trái ngọt", còn không sẽ phải nhường sân cho đối thủ mạnh hơn.

Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam Với quy mô 110 tỷ USD (2016) và dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Hà Phương - Thủy Tiên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/20-diem-trong-ban-kinh-1-km-cac-cua-hang-tien-loi-lo-chiem-thi-phan-post866261.html