20/11 lắng nghe nỗi niềm của ĐBQH là những người thầy người cô

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 không chỉ là dịp để những thế hệ học trò tri ân các thầy cô giáo, mà còn là dịp để những người thầy bày tỏ nỗi niềm.

Hạnh phúc khi thấy học trò thành công

Bên hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ của ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, giảng viên trường đại học Y Dược TP.HCM nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần.

Theo đó, nói về cơ duyên đến với nghề giáo viên, cô giáo Phạm Khánh Phong Lan cho hay: “Thuở nhỏ, tôi muốn làm cô giáo, nhưng khi thi thì tôi lại chọn đại học Y Dược vì ở thời tôi ngày ấy ai cũng nói “nhất y nhì dược”. Sau 5 năm học đại học, tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa, tôi được trường giữ lại giảng dạy. Vậy là, tôi bước chân vào nghề giáo từ đó”.

Khi nhắc về nghề nghiệp của mình, cô Phạm Khánh Phong Lan khiêm tốn: “Thật ra, tôi cũng không tiêu biểu trong lĩnh vực nhà giáo, tính đến thời điểm này thời gian tôi giảng dạy là 18 năm, nhưng khối lượng giảng dạy càng ngày càng ít đi, vì công việc chuyên môn bên ban Quản lý An toàn thực phẩm. Tuy nhiên, khi bớt giờ giảng để lo quản lý thì đó là điều tôi rất tiếc nuối, tôi không biết mai sau khi về hưu tôi có tiếc nuối nhiều nữa hay không”.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ về nghề của mình nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Nói về nghề giáo, cô Phạm Khánh Phong Lan cho hay: “Nghề giáo có một điều rất hay, thú vị đó là người thầy được chứng kiến quá trình trưởng thành của học sinh, sinh viên rồi sau đó những em sinh viên lập gia đình, đi làm, thành công như thế nào… Khi gặp lại những học trò thành công trong công việc, cũng như hạnh phúc trong gia đình, tôi cảm thấy rất vui.

Còn cũng có một số học trò khác thì sa ngã, vấp ngã trong cuộc sống thì tôi cũng cảm thấy rất buồn. Điều này, cũng giống như tình cảm của các thầy cô ở các cấp bậc học luôn mong mỏi học trò của mình nên người. Riêng với cá nhân tôi, càng làm nghề tôi càng yêu nghề, nhưng hiện nay có một điều tôi băn khoăn nhất là không biết mình chia tay một phần giảng dạy như vậy có chính xác hay không? Nhưng, đây là nhiệm vụ tổ chức phân công nên phải cố gắng hoàn thành”.

Chia sẻ về những băn khoăn, trăn trở của mình về nghề, cô Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ: “Tôi cũng rất chia sẻ với tất cả các thầy cô, đặc biệt các thầy cô dạy ở cấp bậc phổ thông.

Tôi đã từng đi thăm những trường dạy các em nhỏ ở vùng cao, nhìn cảnh những thầy cô ở vùng sâu vùng xa vẫn bám làng, bám rừng dạy cho học sinh mà thấy khổ quá.

Đối với học trò, tôi cũng băn khoăn liệu chúng ta có bình đẳng trong giáo dục hay không? Có cho tất cả các em một cơ hội không hay ai có điều kiện thì sẽ tìm được môi trường học tốt hơn hay không?

Nên, tôi khẩn thiết đề nghị xem lại chính sách đãi ngộ cho cán bộ giáo dục, đặc biệt cho các người thầy. Bởi, nếu cho bản thân hệ thống người thầy, trường học tự bươn chải rất dễ nảy sinh tiêu cực, như vậy, càng khiến đạo đức xuống cấp... Cho nên, không phải đợi đến 20/11 mới suy nghĩ về vấn đề này. Tôi mong đây là dịp để ai nhớ lại kỷ niệm thời đi học và để cho thầy cô một hình ảnh hết sức trong sáng”.

Nhà giáo là một nghề cao quý

ĐBQH Hoàng Văn Cường trăn trở về chính sách, đầu tư cho vấn đề giáo dục, chế độ cho giáo viên.

Cũng trao đổi thêm với PV, PGS. TS, ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ: “Nhà giáo là một nghề cao quý, tôi chỉ trăn trở làm thế nào đội ngũ nhà giáo toàn tâm toàn ý cho nghề nghiệp của mình, để có thể cống hiến tốt nhất cho sự nghiệp đào tạo.

Để làm được điều đó, về phía Chính phủ, Nhà nước cần có những chế độ chính sách, đầu tư cho vấn đề giáo dục, chế độ cho giáo viên. Nhưng, giáo dục không chỉ có nhà trường, nhà giáo làm được mà cần có sự đồng hành của xã hội, phối hợp của gia đình.

Tôi nghĩ rằng, chỉ khi nào xã hội, nhà trường và gia đình cùng đồng hành về một mục tiêu chung, khi đó mới làm cho nền giáo dục nước nhà thật sự bứt phá, đáp ứng được nhu cầu của người học cũng như của xã hội”.

Xem video: ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn gửi lời chúc 20/11 đến các thầy cô giáo

Giáo sư ngành y, ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn cũng chia sẻ: “Tôi là một nhà giáo, cũng là một người cha có con đi học, vừa là phụ huynh lại vừa là người trực tiếp giảng dạy nên thấu hiểu được cái hoàn cảnh, áp lực của các thầy cô giáo giảng dạy, truyền đạt kiến thức một cách tốt nhất cho các học trò. Nhất là cuộc sống của các thầy cô giáo, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn mà chúng tôi đã có nhiều dịp đến gặp gỡ, cùng chia sẻ.

Nhân ngày 20/11 tôi xin chúc tất cả các thầy cô hãy giữ vững lý trí, quyết tâm để hoàn thành ước vọng của mình đó chính là sự nghiệp trồng người, cho thế hệ trẻ có thêm nghị lực để thêm kiến thức và thêm tình yêu thương, lòng trắc ẩn để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển hơn”.

Hoàng Bích - Nguyễn Hường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/20-11-lang-nghe-noi-niem-cua-dbqh-la-nhung-nguoi-thay-nguoi-co-a411432.html