2 xu thế chủ đạo trong phát triển logistics Việt Nam

Ngành logistics Việt Nam hiện nay đang phát triển theo 2 xu thế chủ đạo gồm phát triển logistics trong thương mại điện tử - bán lẻ và xu thế mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành logistics.

Hầu như các doanh nghiệp logistisc Việt Nam vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cả về vốn, lao động và công nghệ. Ảnh: ST

Hầu như các doanh nghiệp logistisc Việt Nam vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cả về vốn, lao động và công nghệ. Ảnh: ST

Tiềm lực doanh nghiệp cực khiêm tốn

Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2019 do Bộ Công Thương vừa công bố về phát triển năng lực doanh nghiệp logistics: Năm 2018 và 2019, các ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, giao nhận và dịch vụ liên quan khác đều có mức tăng trưởng khả quan.

Tuy số lượng đông và có xu hướng tăng so với sự gia nhập của doanh nghiệp logistics của nước ngoài, nhưng hầu như các doanh nghiệp logistisc Việt Nam vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cả về vốn, lao động và công nghệ.

Đáng chú ý, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn khiêm tốn (80% doanh nghiệp thành lập có vốn pháp định từ 1,5 - 2 tỷ đồng). Bên cạnh vướng mắc về vốn, doanh nghiệp logistics Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, năng lực cạnh tranh hạn chế, nên chưa có cơ hội vươn ra thị trường có nhu cầu lớn; thiếu sự liên kết đồng bộ giữa các doanh nghiệp, giữa các công đoạn khác nhau của hoạt động logistics.

Bộ Công Thương đánh giá: Nguồn nhân lực cũng là một yếu tố trở ngại, bởi hầu hết nhân lực trong lĩnh vực logistics hiện nay của Việt Nam đều được đào tạo từ các nguồn khác nhau, chưa được đào tạo chính quy, bài bản. Năng lực của các doanh nghiệp logistics Việt Nam do vậy, bị hạn chế bởi chất lượng cán bộ không đáp ứng được nhu cầu.

Trong số các doanh nghiệp trong nước, có tới 93 - 95% người lao động không được đào tạo bài bản, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn…

Quy mô nhân lực của các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam khá nhỏ. Doanh nghiệp có dưới 50 nhân viên chiếm tỷ lệ tới khoảng 32,4% và doanh nghiệp quy mô lớn (trên 1.000 nhân viên) chiếm tỷ lệ nhỏ chỉ khoảng 10,8%.

Ngoài yếu tố quan trọng là con người, theo Bộ Công Thương, công nghệ là lợi thế cạnh tranh then chốt trong thị trường logistics đầy tiềm năng nhưng cũng đầy cạnh tranh. Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến cho dịch vụ logistics của nhiều doanh nghiệp được cung cấp thiếu chuyên nghiệp là trình độ ứng dụng công nghệ thông tin kém.

Ứng dụng công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, khi lượng hàng hóa di chuyển lớn, nhu cầu về thời gian, cũng như đảm bảo an toàn và chất lượng của hàng hóa… vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được.

Dù vậy, Bộ Công Thương đánh giá: Gần đây, lĩnh vực logistics đã bắt đầu đạt được một dấu mốc quan trọng trong hiện đại hóa. Đổi mới và đầu tư công nghệ đang thực sự bắt đầu định hình các doanh nghiệp logistics, trở thành xu thế tất yếu của thị trường logistics.

Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, được xem như “huyết mạch” kết nối các thành phần của toàn bộ chuỗi dịch vụ logistics.

“Các doanh nghiệp logistics mới sử dụng công nghệ để nâng cao khía cạnh dịch vụ của doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp logistics truyền thống đang hiện đại hóa với tốc độ ngày càng tăng, đặc biệt là tự động hóa các quy trình thủ công. Ngoài việc đầu tư vào các gói phần cứng hoặc phần mềm, các doanh nghiệp logistics cũng đang đầu tư để trở nên phát triển nhanh hơn về mặt công nghệ...", báo cáo chỉ rõ.

2 xu thế chủ phát triển chủ đạo

Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2019: Hiện nay có 2 xu thế chủ đạo phát triển ngành logistics Việt Nam.

Thứ nhất là xu thế phát triển logistics trong thương mại điện tử - bán lẻ.

Đa số các chuyên gia trong ngành logistics đều cho rằng năm 2018 - 2019 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của vận tải và logistics trong thương mại điện tử Việt Nam.

Sự gia tăng lưu lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải và logistics, đặc biệt là dịch vụ giao hàng tăng cao. Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, tăng trưởng 24%, số lượng đơn hàng qua công ty giao hàng nhanh tăng trưởng trung bình 45% giai đoạn 2015 - 2020 và có thể đạt 530 triệu đơn hàng vào năm 2020.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ như Vincommerce, Thế giới di động, FPT, Lotte, Aeon… đang định hướng phát triển thương mại điện tử, hay việc các “ông lớn” ngành thương mại điện tử như Alibaba, Amazon… gia nhập vào Việt Nam đã làm thị trường logistics sôi động hơn, đi kèm theo đó là yêu cầu phải có sự đầu tư công nghệ và độ kỹ lưỡng trong dịch vụ vận tải và logistics.

Thứ hai là xu thế mua bán và sáp nhập (M&A) ngành logistics.

Việt Nam hiện đang có chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư hạ tầng thông qua phương thức chuyển nhượng quyền khai thác một số hạ tầng (logistics, sân bay, cảng biển…), thu hút nhiều nhà đầu tư lớn với các thương vụ được dự tính sẽ có quy mô hàng tỷ USD.

Năm 2017 – 2018, ngành logistics chứng kiến nhiều vụ M&A lớn như: Gemadept chuyển nhượng vốn cho CJ Logistics; Samsung SDS hợp tác với Minh Phương Logistics…

Tương tự, năm 2019 cũng đã diễn ra hàng loạt thương vụ M&A trong ngành logistics. Đó là: Tập đoàn Sumitomo cùng với công ty hậu cần Suzuyo và một quỹ công tư Nhật Bản đã chi khoảng 4 tỷ Yên (37 triệu USD) để mua 10% vốn tại Công ty Cổ phần Gemadept; Công ty Symphony International Holdings thông báo đã chi ra khoảng 42,6 triệu USD để mua cổ phần của Công ty Cổ phần Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (Indo Trans Logistics Corporation - ITL Corp).

2 tập đoàn Minae Financial Group và Naver có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc đã mua 2 trung tâm cung ứng hàng hóa tại Việt Nam với giá 53 tỷ won (47,01 triệu USD)...

“Với đặc thù là ngành có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự tham gia của các tên tuổi lớn nước ngoài được kỳ vọng sẽ "vá lỗ hổng" về vốn, nhân sự, công nghệ… cho các doanh nghiệp trong nước”, Bộ Công Thương đánh giá.

Theo Hiệp hội Doanh dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Tham gia thị trường logistics gồm khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới kinh doanh dưới nhiều hình thức. Hiện nay, 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam với các tên tuổi lớn như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics…

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/2-xu-the-chu-dao-trong-phat-trien-logistics-viet-nam-115772.html