2 triệu thanh niên Việt Nam thất nghiệp và không đi học

Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo tăng trong quý I năm nay. Tỷ lệ này là 16,3%, tương đương với gần 2 triệu người.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Nhóm chịu ảnh hưởng lớn do Covid-19

Sáng 16/4, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo về tình hình lao động quý I năm nay. Tại cuộc họp báo, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý đầu năm nay, cả nước có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Điểm sáng trong quý I của thị trường lao động là sự gia tăng mức thu nhập từ công việc của người lao động so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2021 là 51,0 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số 23,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý I năm nay, có 60,8% ở khu vực nông thôn. Họ chủ yếu ở độ tuổi đi học và nghỉ hưu. Phần lớn trong số họ chưa tham gia khóa đào tạo nào từ sơ cấp trở lên.

Có thể nói, làn sóng Covid-19 lần thứ 3 đã làm giảm sự phục hồi của thị trường lao động. Trong quý I năm nay, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người. Trong đó, mức giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và nam giới.

Theo Tổng cục Thống kê, sự trở lại của Covid-19 với những diễn biến phức tạp vào thời điểm Tết Nguyên đán đã làm giảm sự hồi phục của thị trường lao động.

Trong khi đó, số người lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I năm 2021 là 971,4 nghìn người. Con số này tăng 143,2 nghìn người so với quý trước và tăng 78,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm nay là 2,20%.

Bên cạnh đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,1 triệu. Con số này giảm 137,0 nghìn người so với quý trước và tăng 12,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm nay là 2,42%, giảm 0,21 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, riêng với thanh niên, tỷ lệ không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo tăng. Tỷ lệ này là 16,3%, tương đương với gần 2 triệu thanh niên, tăng 0,9 điểm phần trăm (tương đương 51.600 người) so với cùng kỳ năm trước.

“Như vậy, dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng tới tìm kiếm việc làm cũng như học tập của thanh niên”, ông Phạm Hoài Nam nhận định.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng từ năm 2019 - 2021.

Thu nhập người lao động tăng

Cũng theo ông Nam, hiện nay, có một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác. Việc tận dụng nhóm lao động này trở nên hạn chế hơn trong bối cảnh Covid-19 bùng phát.

Tỷ lệ lao động chưa sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam trước khi có dịch Covid-19 (năm 2019) chiếm khoảng 4%. Con số này bắt đầu tăng, với quý I/2020 là 4,8%; quý II cùng năm là 6%. Khi hoạt động kinh tế - xã hội dần phục hồi vào cuối năm 2020, tỷ lệ này giảm còn 4,4% vào quý IV và tăng lên 4,9% vào quý I năm nay.

Song, “điểm sáng” trong tình hình lao động hiện nay là thu nhập trung bình của người lao động trong 3 tháng qua đạt 6,3 triệu đồng. Đây là mức tăng 339.000 đồng so với quý cuối năm 2020. Trong đó, thu nhập của lao động nam cao hơn nữ 1,4 lần, thành thị gấp 1,5 lần so với nông thôn. Tuy nhiên, mức tăng giữa các ngành không đều nhau. Ghi nhận ở một số ngành nghề như nghệ thuật, vui chơi giải trí vẫn giảm trên 5%, vận chuyển kho bãi giảm 2,7%.

Để khắc phục những hạn chế trong tình hình lao động hiện nay, Tổng cục Thống kê khuyến nghị một số giải pháp, như: Nhanh chóng áp dụng hộ chiếu vắc-xin; Nghiên cứu mở thị trường du lịch quốc tế, làm đòn bẩy vực dậy ngành dịch vụ, du lịch. Bởi, đây là ngành thu hút lượng lớn lao động.

Bên cạnh đó, có khoảng 3,5 triệu lao động làm công việc tự sản, tự tiêu trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Do đó, Tổng cục Thống kê đề xuất, Nhà nước cần có những chính sách thu hút nhóm này tham gia thị trường lao động.

Từ quý này, Tổng cục Thống kê sẽ công bố các chỉ tiêu lao động việc làm dựa trên tiêu chuẩn ICLS 19, thay thế tiêu chuẩn ICLS 13 áp dụng từ năm 1982. Theo tiêu chuẩn mới, lao động sản xuất sản phẩm tự cung tự cấp trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản sẽ không được xác định là người có việc làm như trước. Tiêu chuẩn mới ra đời khi khoa học phát triển mạnh, nhiều quốc gia chuyển sang kinh tế thị trường hiện đại. Tổ chức Lao động quốc tế khuyến nghị sử dụng tiêu chuẩn mới, nhằm đảm bảo so sánh giữa các nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển khác nhau.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre/2-trieu-thanh-nien-viet-nam-that-nghiep-va-khong-di-hoc-rVLJE1XGR.html