2 trẻ nhập viện vì bỏng nước sôi và nước lẩu

Khi trẻ không may bị bỏng nước sôi, cần nhanh chóng đưa vết bỏng vào dưới vòi nước mát sạch để giảm nhiệt độ.

Ngày 26-12, Bệnh viện (BV) Sản Nhi Quảng Ninh cho biết những ngày qua nơi đây đã tiếp nhận liên tiếp hai trường hợp trẻ nhỏ bị bỏng do nước sôi và nước lẩu.

Trường hợp đầu tiên là bé NBM (hai tuổi, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) bị ngã vào nồi nước sôi. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bỏng vùng mặt, cổ, ngực, cánh tay, cẳng tay phải diện tích 15%. Trước đó, bé M. đã được sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện Hoành Bồ.

Các bác sĩ (BS) tại BV Sản Nhi Quảng Ninh chẩn đoán bệnh nhi bị bỏng nước sôi độ II, III ở vùng cằm, cổ, ngực, cánh cẳng tay phải, được điều trị thay băng bỏng và điều trị nội khoa.

Bệnh nhi được các bác sĩ điều trị tại BV Sản Nhi Quảng Ninh.

Bệnh nhi được các bác sĩ điều trị tại BV Sản Nhi Quảng Ninh.

Trường hợp thứ hai là bé DKD (22 tháng tuổi, tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh).

Bé D. nhập viện trong tình trạng bị bỏng nước sôi vùng lưng, mông, đùi, cẳng chân hai bên. Bệnh nhi có diện bỏng thấm nhiều dịch ra băng, kèm theo sốt cao từng cơn. Các BS chẩn đoán trẻ bị bỏng nhiệt độ II - III vùng lưng, mông, dùi - diện tích 19%.

BS Đỗ Hoàng Việt, Khoa ngoại và chuyên khoa BV Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết hai bệnh nhi bị bỏng 15%-20%, cấp độ II-III, nguy cơ tổn thương nặng ở vùng mặt và cổ, cánh tay và vùng thân trước. Hiện các bé đã tạm ổn định nhưng vẫn rất đau đớn, khả năng điều trị kéo dài.

Qua đây các BS khuyến cáo bỏng nước sôi hay bỏng nước lẩu đang sôi thường gây tổn thương rất nặng. Vì thế trong bữa ăn, nhất là có canh nóng hoặc nồi lẩu, người lớn cần đặc biệt cảnh giác, trông chừng trẻ bởi các bé rất hiếu động, có thể gây tai nạn.

Khi trẻ không may gặp tai nạn bỏng nước sôi, cần nhanh chóng bộc lộ vị trí bị bỏng, đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước mát sạch để giảm nhiệt độ. Việc sơ cứu ban đầu như vậy sẽ giúp giảm đau, phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng. Sau đó cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.

“Tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da. Không áp dụng các biện pháp truyền miệng như phun rượu, bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương” - BS Việt khuyến cáo.

HẢI ÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/2-tre-nhap-vien-vi-bong-nuoc-soi-va-nuoc-lau-879899.html