2 thanh niên bị công an tạm giữ vì mất CMND: Quận Bình Tân giải thích gì?

Quyên, Vinh bị thất lạc CMND nên công an phường đã xử phạt vi phạm hành chính về hành vi 'không xuất trình CMND khi bị kiểm tra'.

Liên quan đến vụ việc “Bị mất CMND, 2 thanh niên đang liên hoan bị công an đưa về trụ sở tạm giữ”, ngày 8/9, đại diện UBND quận Bình Tân, TP HCM đã thông tin ban đầu.

Theo đại diện UBND quận Bình Tân, anh Trần Quang Sáu (SN 1977, tạm trú phường Bình Hưng Hòa A,) thường xuyên đỗ xe tải lên vỉa hè nhà chị Quách Lan Phương (SN 1978, khu phố 6, ngụ phường Bình Hưng Hòa A) nhưng chị này không đồng ý nên 2 bên xảy ra mâu thuẫn.

Trưa 5/9, anh Sáu cùng 2 nam thanh niên (chưa rõ lai lịch) đến trước cửa nhà chửi tục và có lời nói xúc phạm chị Phương.

Đến 16h20 cùng ngày, anh Sáu cùng với khoảng 6 người (chưa rõ lai lịch) tiếp tục đến nhà chị Phương đập cửa, chửi bới nên người phụ nữ này gọi điện thoại trình báo công an phường.

 Lực lượng công an kiểm tra hành chính.

Lực lượng công an kiểm tra hành chính.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng phường Bình Hưng Hòa A đã đến hiện trường, mời anh Sáu cùng Nguyễn Hữu Quyên (SN 1989, ngụ huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) và Đặng Quang Vinh (SN 1986, ngụ TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đang ngồi tại nhà anh Sáu về trụ sở Công an phường Bình Hưng Hòa A làm việc.

Tại cơ quan công an, anh Sáu khai nhận có qua nhà chị Phương nói chuyện nhưng không có lời lẽ xúc phạm và đe dọa. Quyên và Vinh nói rằng chỉ sang nhà anh Sáu xem bóng đá.

Do Quyên, Vinh không xuất trình được giấy tờ tùy thân nên công an phường tạm giữ hành chính để chờ xác minh thông tin về nhân thân lai lịch.

“Qua xác minh, Quyên, Vinh bị thất lạc CMND nên công an phường đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Quyên, Vinh về hành vi “không xuất trình CMND khi bị kiểm tra”, đại diện UBND quận Bình Tân thông tin.

Trước đó, phản ánh đến báo chí, anh Trần Quang Sáu cho biết, khoảng 14h30 ngày 5/9, gia đình anh tổ chức bữa tiệc tại nhà ở đường 5B (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân).

Buổi tiệc, anh Sáu mời thêm 6 người đến dự là công nhân đang làm việc cho anh.

Khi mọi người đang ăn uống thì gần 30 người gồm cán bộ Công an phường Bình Hưng Hòa A, Công an quận Bình Tân, cảnh sát giao thông… vào nhà kiểm tra hành chính, giấy tờ tùy thân.

Hỉnh ảnh vụ việc.

Tại đây, những người này chấp hành đầy đủ, xuất trình giấy tờ. Tuy nhiên, trong số này có anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1989) và anh Đặng Quang Vinh (SN 1986) bị mất CMND (có giấy xác nhận mất) và xuất trình Giấy phép lái xe nhưng cán bộ công an không đồng ý.

Đến 17h cùng ngày, lực lượng công an đưa anh Quyền và anh Vinh về trụ sở Công an phường Bình Hưng Hòa A làm việc. Đến 11h ngày 6/9, công an mới cho 2 người này về nhà.

Theo anh Quyền, lúc ở nhà anh Sáu bản thân anh và cả nhóm không làm việc gì phi pháp. Mọi người ăn uống bình thường nhưng lực lượng công an kiểm tra bất ngờ và mời anh và anh Vinh về trụ sở làm việc vì không trình xuất được chứng minh nhân dân.

“Đến giờ tôi không hiểu lí do vì sao tôi bị tạm giữ ở Công an phường Bình Hưng Hòa A gần 20h đồng hồ. Quá trình làm việc, công an không không đưa ra được lí do vì sao tạm giữ tôi dù tôi đã trình xuất được toàn bộ giấy tờ, trong đó có giấy tờ xác nhận mất chứng minh”, anh này nói.

Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan công an có thẩm quyền chứng nhận nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân theo quy định. Chứng minh nhân dân có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.

Người có thẩm quyền được quyền yêu cầu công dân xuất trình chứng minh nhân dân trước khi giải quyết công việc. Mỗi công dân chỉ được cấp một chứng minh nhân dân và có số riêng. Trước đây, chứng minh nhân dân chỉ có 9 số, từ ngày 1/7/2012 thành 12 số.

Từ ngày 1/1/2016, Luật Căn cước công dân có hiệu lực, công dân sẽ được cấp Thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân hiện hành. Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ.

Công dân từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân; số thẻ là số định danh cá nhân. Luật không bắt buộc phải đổi ngay chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân.

Chứng minh thư nhân dân đã được cấp trước ngày 1/1/2016 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân.

Viết Dũng

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/tin-247/2-thanh-nien-bi-cong-an-tam-giu-vi-mat-cmnd-quan-binh-tan-giai-thich-gi-71391.html