2 tháng thê thảm của ANV, cổ phiếu 'hàng nóng' 2018

ANV công bố lợi nhuận quý II/2018 lên tới 117 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ. Và giá cổ phiếu này đã tăng hơn 100% trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, trong 2 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu quay đầu lao dốc mất hơn 38%. Vậy điều gì đang xảy ra với ANV?

Diễn biến giao dịch của ANV trong thời gian gần đây

Hồi phục mạnh hơn 5% trong phiên cuối tuần qua, ANV đóng cửa ở mức giá 16.300 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, thị giá của ANV vẫn mất tới hơn 9% so với tuần trước. Cùng với đó, thanh khoản có phần suy giảm mạnh, khi tổng khối lượng khớp lệnh trong tuần chỉ ở mức 2 triệu đơn vị, đây là mức thấp nhất trong 11 tuần trở lại đây.

Trước đó, cổ phiếu ANV đã có nửa đầu năm trình diễn ấn tượng khi tăng 110% và là một trong 2 cổ phiếu tăng giá tốt nhất của HOSE (trường hợp còn lại là HOT).

Tuy nhiên, diễn biến tăng giá này dường như không "bền" bởi ANV đã chính thức phá vỡ xu hướng đi lên: khi về mặt kỹ thuật đường giá của ANV đang hình thành mẫu hình 2 đỉnh. Đỉnh thứ nhất được hình thành vào giữa tháng 4/2018 và đỉnh thứ 2 hình thành sau đấy 2 tháng tại mức giá 26.000 đồng/cổ phiếu. Và tính tới phiên cuối tuần trước, cổ phiếu ANV đã mất tới 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ hơn 38%.

Xét về thanh khoản, ANV vẫn đang “cố gắng duy trì” khối lượng giao dịch ở mức cao so với tỷ lệ cổ phiếu tự do bên ngoài. Tổng khối lượng khớp lệnh trong tháng 7 lên tới 15,5 triệu đơn vị trên gần 34 triệu cổ phiếu “trôi nổi”.

Cùng với đó, thống kê lệnh đặt cũng cho thấy sự cân bằng gần như “tuyệt đối”. Cụ thể, tổng khối lượng khớp lệnh từ đầu tháng 7 tới nay ở mức 20,8 triệu cổ phiếu, trong đó, tổng khối lượng đặt mua và đặt bán cùng là 21,9 triệu cổ phiếu.

Tỷ lệ sở hữu các cổ đông nội bộ ANV

Tỷ lệ sở hữu các cổ đông nội bộ ANV

Về cơ cấu cổ đông, ANV được đánh giá là cô đặc nhưng không có đối trọng kiểm soát. Hiện tại ANV đang có 125 triệu cổ phiếu đáng niêm yết với tỷ lệ sở hữu của gia đình Chủ tịch ông Doãn Tới lên tới gần 73%. Ngoài ra, theo số liệu từ báo cáo thường niên năm 2017, ANV cũng có một tổ chức nước ngoài nắm giữ một lượng nhỏ là 1,6 triệu, tương ứng tỷ 1,3%.

Đã dọn sạch nợ xấu và đầu tư lỗ?

CTCP Nam Việt (ANV) là doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu cá, với thị trường chủ lực là châu Mỹ. Trong đó, các nước như Mexico, Brazil, Colombia là 3 thị trường xuất khẩu chính, chiếm 32% tổng doanh thu xuất khẩu của Nam Việt. Theo sau là nhóm thị trường Châu Á bao gồm Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.

Kết quả kinh doanh của ANV bắt đầu nổi trội lên trong năm 2017 và 6 tháng năm 2018. Cụ thể, doanh thu công ty trong năm 2017 đạt mức 2.949 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2016. Nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng đột biến lên mức 142 tỷ đồng so với mức 19 tỷ đồng năm 2016.

Tương tự, lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu ANV đạt 1.693 tỷ đồng nhưng LNST tăng lên tới 189 tỷ đồng.

Nguyên nhân lớn là nhờ giải phóng khoản nợ xấu tại công ty con Thủy sản Biển Đông (công ty con) và khoản đầu tư tại DAP số 2 Vinachem.

Được biết, năm 2017, trong tổng con số khoản phải thu ngắn hạn của ANV là 516 tỷ đồng thì công ty đã phải trích lập tới hơn 20%, tương ứng 105,7 tỷ đồng.

Khoản phải thu khác hàng của ANV trong năm 2017.

Trong 6 tháng 2018, chi phí quản lý doanh nghiệp là âm 39,5 tỷ đồng cũng nhờ hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi lên tới 45 tỷ đồng của Thủy sản Biển Đông. Và hiện kết thúc quý II/2018, ANV vẫn còn duy trì dự phòng khoản mục này là 42 tỷ đồng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp của ANV trong năm 2016 và 2017

Cũng là một khoản đầu tư nhưng là từ công ty liên doanh liên kết: DAP số 2 Vinachem.

Thời điểm trước năm 2016, ANV sở hữu 40,5% cổ phần tại DAP số 2 VinaChem. Do đơn vị này luôn trong tình trạng thua lỗ, năm 2015, ANV phải ghi nhận tổng khoản lỗ từ công ty liên doanh là gần 67 tỷ đồng. Năm 2016, công ty tiếp tục ghi nhận khoản lỗ lên tới 117 tỷ đồng.

Nhưng bằng một giao dịch đơn giản, ANV vừa cắt được khoản lỗ này đồng thời thu về gần 547 tỷ đồng. Tháng 9/2016, Công ty TNHH Đại Tây Dương (Công ty “sân sau” của Chủ tịch HĐQT) đã mua lại 40,5% cổ phần tại DAP số 2 VinaChem với giá 9.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 546,6 tỷ đồng nhưng lại được phép trả chậm.

Chi tiết hoạt động thoái vốn của ANV

Tiến độ thu hồi vốn được chia làm 3 kỳ. Trong năm 2016, công ty tiến hành thu 100 tỷ đồng (đã thanh toán), năm 2017 tiếp tục thu 200 tỷ đồng (đã giảm khoản phải thu ngắn hạn) và còn lại 247 tỷ đồng đã được thanh toán hết cho tới quý II/2018.

Tuy nhiên theo đánh giá của một số nhà đầu tư, giao dịch chuyển nhượng này chưa thực chất và vẫn gây ra nhiều nghi ngờ. Bởi có thể hiểu rằng, ANV đang chuyển tài sản "từ tay này sang tay khác". Và mục đích chính có lẽ không ngoài việc làm đẹp sổ sách.

Được biết, năm 2016, Công ty ghi nhận khoản lỗ 117 tỷ đồng từ liên doanh liên kết thì đến 2017 chỉ còn phải ghi lỗ 5 tỷ. Và trong 6 tháng đầu năm nay, khoản mục này chỉ còn ghi nhận lỗ 190 triệu đồng.

Để chứng minh hiệu quả kinh doanh, ANV cần duy trì được tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong các quý tới và tránh đưa vào thêm những khoản đầu tư dàn trải.

Cùng với đó, vấn đề hàng tồn kho cũng cần phải được giải quyết triệt để hơn. Kết thúc quý II/2018, giá trị hàng tồn kho của ANV lên tới 1.035 tỷ đồng so với tổng doanh thu 6 tháng đầu năm là gần 1.700 tỷ đồng. Con số này cao hơn hẳn so với VHC, với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng, công ty này chỉ duy trì giá trị hàng tồn kho 900 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018.

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/2-thang-the-tham-cua-anv-co-phieu-hang-nong-2018-3463065.html