2 tấn cá phóng sinh Phật tử vừa thả xuống, ghe tàu thi nhau vây bắt

Đoàn ghe đi phóng sanh hơn 2 tấn cá nước ngọt của hơn 1.000 Phật tử chùa Viên Minh (TP. Bến Tre, Bến Tre) chưa kịp về đến bờ thì nhiều phương tiện đánh bắt thủy sản đã xuất hiện 'cày nát' đoạn sông này.

Hơn 2 tấn cá được mua từ tỉnh Đồng Tháp được phóng sinh tại cửa sông Bến Tre, đoạn tiếp giáp sông Hàm Luông, đoạn chảy qua P.7, TP. Bến Tre. - Ảnh: ẢNH: BẮC BÌNH

Trưa ngày 21.10, Sở NN&PTNT Bến Tre, Hội nghề cá tỉnh Bến Tre phối hợp với Ban quản trị chùa Viên Minh tổ chức đưa hơn 1.000 Phật tử đến khu vực cửa sông Bến Tre (đoạn tiếp giáp với sông Hàm Luông, đoạn chảy qua P.7, TP. Bến Tre) phóng sinh hơn 2 tấn cá nước ngọt như cá mè dinh, cá trê, cá tra... để trả cá về với tự nhiên.

VIDEO: Bi hài chuyện thả cá phóng sinh bị đánh bắt trở lại

Hơn 1.000 Phật tử cầu nguyện cho cá họ thả được sống khỏe, sinh sản tái tạo nguồn lợi thủy sản BẮC BÌNH

Đây là lần thứ 3 trong năm 2018, Sở NN&PTNT Bến Tre phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bến Tre thả cá phóng sinh nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trên một số đoạn sông chảy trên địa bàn tỉnh này.

Mặc dù trước khi tiến hành thả, Sở NN&PTNT Bến Tre đã phối hợp với các địa phương lận cận khu vực thông báo để người dân không đánh bắt xung quanh khu vực sông này trong vòng khoảng một tuần kể từ ngày phóng sinh để cá thích nghi môi trường mới, sinh sản tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Thế nhưng, khi đoàn ghe chở các Phật tử vừa rời khỏi vị trí thả cá thì rất nhiều phương tiện đánh bắt như lưới, cào đơn, thậm chí có cả phương tiện đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sản như ghe lưới te đã "sẵn sàng" để bủa vây đàn cá vừa được thả. Thậm chí, khi đoàn Phật tử vừa cập bờ sông Bến Tre tại khu vực P.3 (TP. Bến Tre) thì mẻ lưới đầu tiên đã được thu.

Đoàn ghe của các Phật tử chưa vào đến bờ thì chiếc ghe lưới te - loại phương tiện đánh bắt hủy diệt bị cấm đã "phóng như bay" ra khu vực thả cá BẮC BÌNH

Nhìn thấy cảnh này, anh Long, một Phật tử ngụ ở P.Phú Khương, cho biết các ngư dân ở đây rất lão luyện, họ hiểu quy luật duy chuyển ngược dòng của cá, đã bủa lưới hướng phía trên chỗ thả nên bắt được rất nhiều cá. Mặc khác, các ghe cào cũng tinh ranh không kém bởi họ biết sau khi thả, một lượng lớn cá yếu sẽ di chuyển vào gần bờ nên bủa lưới chờ sẵn. "Kiểu này cá phóng sinh bị lướt hết còn gì!", anh Long chua xót.

Đoàn ghe phóng sinh vừa cập bến thì chiếc ghe lưới te này đã thu mẻ đầu tiên BẮC BÌNH

Nói về câu chuyện cá bị vây bắt ngay sau khi được thả, Hòa thượng Thích Nhựt Tấn, Ủy viên Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bến Tre, Trưởng ban Quản trị chùa Viên Minh, cho rằng đàn cá đã được làm lễ quy y và phóng sinh ra môi trường nước sông nước tự nhiên. Theo hòa thượng, việc vây bắt cá sau khi được thả là một hành động không đẹp, thể hiện sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường sông nước tự nhiên vốn quan trọng với ngư dân. “Chùa và Phật tử chỉ có lòng từ bi, bác ái phóng sinh còn việc cư xử như thế nào là do ý thức của ngư dân”, hòa thượng Thích Nhựt Tấn nói.

Một chuyện đáng tiếc khác cũng xảy ra là chị Linh, một Phật tử đến từ H.Giồng Trôm đã phải nhờ ca nô của lực lượng chức năng chở gấp vào bờ trình báo công an vụ việc bị cuỗm mất chiếc ví bên trong có 5 triệu đồng và tiền yen Nhật (tổng giá trị khoảng 20 triệu đồng).

Trong khi nhiều ghe lưới khác đang nấp chờ đoàn ghe phóng sinh rời đi thì ngư phủ này đã ngang nhiên bủa lưới trước ánh nhìn của hơn mọi người BẮC BÌNH

Một ghe lưới cào đơn thu mẻ đầu tiên ngay sau thả cá phóng sinh BẮC BÌNH

BẮC BÌNH

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/2-tan-ca-phong-sinh-phat-tu-vua-tha-xuong-hang-chuc-ghe-thi-nhau-vay-bat-1015514.html