2 nhân tài Thục Hán mà Gia Cát Lượng không nên giết là ai?

2 nhân tài này Gia Cát Lượng không nên giết nhất, chỉ cần giữ lại 1 người, Thục Hán có thể sẽ không diệt vong. Vậy 2 nhân tài này cụ thể là những ai?

Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Lưu Bị là một người biết trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên nếu so sánh với Tào Tháo, bất lợi của Lưu Bị nằm ở chỗ bản thân ông qua đời quá sớm, hơn nữa còn không có một đứa con trai đủ khả năng kế thừa những gì ông để lại.

So với con trai của Tào Tháo, con trai của Lưu Bị quả là kém cỏi hơn, bởi thế đến cuối cùng nước Thục mới phải diệt vong.

Trước lúc lâm chung, quả thật Lưu Bị rất không yên tâm về con trai của mình, nên ông đã gửi gắm cả Lưu Thiện và đất nước của mình cho Gia Cát Lượng.

Về phương diện mưu lược, Gia Cát Lượng là người giỏi giang, nhưng về phương diện nhìn người, dùng người, ông lại kém xa so với Lưu Bị.

Gia Cát Lượng từng mắc phải 2 sai lầm chí mạng trong việc dùng người, ông đã giết nhầm 2 nhân tài, khiến về sau nước Thục lâm vào cảnh thiếu thốn nhân tài, từ đó mới rơi vào kết cục bi thảm.

Trong hai người đó, cho dù Gia Cát Lượng chỉ giữ lại một người, có thể Thục Hán sẽ không đến mức diệt vong. Vậy hai người đó rốt cuộc là ai? Và tại sao Gia Cát Lượng lại giết họ?

Người đầu tiên là Lưu Phong

Như mọi người đều biết, Lưu Phong là con nuôi của Lưu Bị. Tất nhiên, so với đứa con trai ruột kém cỏi của Lưu Bị là Lưu Thiện, Lưu Phong có tài năng xuất chúng, luôn đi theo Lưu Bị chinh chiến khắp nơi.

Nhưng ưu điểm này của Lưu Phong cũng chính là nhược điểm chí mạng của ông, chính bởi ông quá đỗi xuất chúng, lấn át Lưu Thiện, điều này khiến Lưu Bị nảy sinh lòng đố kị và lo lắng.

Quân chủ họ Lưu lo rằng sự tồn tại của Lưu Phong sẽ mãi uy hiếp đến địa vị của Lưu Thiện – con ruột của mình.

Năm 219, Quan Vũ mang quân từ Kinh Châu lên phía bắc đánh tướng Ngụy là Tào Nhân ở Tương Dương - Phàn Thành, đề nghị Lưu Phong và Mạnh Đạt xuất quân trợ chiến.

Nhưng cả Lưu Phong và Mạnh Đạt đều lấy lý do quận mình trấn trị trong vùng núi còn nhiều người chưa quy phục nên không ai chịu ra quân.

Sau đó Quan Vũ bị Lã Mông đánh úp sau lưng, bị Từ Hoảng đánh bại ở Phàn Thành, phải giải vây Phàn Thành bỏ chạy. Vì những xích mích với Lưu Phong và Mạnh Đạt, Quan Vũ không dám chạy về phía Thượng Dung, Phòng Lăng nên cùng đường phải chạy về phía nam ra Mạch Thành.

Trong khi Quan Vũ chờ đợi viện binh thì Mạnh Đạt và Lưu Phong án binh không đến cứu, kết quả bị quân Ngô bắt giết. Việc Lưu Phong không hiệp trợ cho Quan Vũ đã khiến Lưu Bị rất căm tức.

Chính sau vụ việc này, Lưu Bị đã muốn trừng phạt Lưu Phong nhưng còn phân vân. Trong bối cảnh đó, chính Gia Cát Lương đã "đổ thêm dầu vào lửa", phân tích cho Lưu Bị rằng nếu giữ lại Lưu Phong, sau này khi Lưu Bị chết đi, e rằng có thể sẽ xảy ra biến cố.

Nghe xong những lời này, Lưu Bị đã dứt khoát ban cho Lưu Phong cái chết.

Người thứ hai là Mã Tắc

Khi những lão tướng như Quan Vũ, Trương Phi lần lượt qua đời, Lưu Bị cũng lìa xa nhân thế, nước Thục luôn trong tình trạng chẳng có mấy nhân tài, mọi sự lớn nhỏ trong thiên hạ đều đổ lên vai Gia Cát Lượng.

Trong số quần thần còn lại của nhà Thục Hán, Mã Tắc có thể nói là một người hiếm hoi được Gia Cát Lượng đánh giá cao.

Năm 228, Gia Cát Lượng mang quân đánh Ngụy lần thứ nhất. Ngụy Minh Đế Tào Duệ sai Tư Mã Ý và Trương Cáp mang quân ra địch.

Để đối địch với danh tướng Trương Cáp, mọi người đều cho rằng nên dùng mãnh tướng Ngụy Diên hoặc Ngô Ý đã dày dạn kinh nghiệm trận mạc, nhưng Gia Cát Lượng lại chọn Mã Tắc làm tiên phong. Ông được lệnh cùng Vương Bình cầm quân khẩn cấp ra trấn thủ Nhai Đình.

Đến Nhai Đình, Mã Tắc làm ngược lại với phương án chỉ huy của Gia Cát Lượng.

Ông không đóng quân gần sông là chỗ có nước cho quân dùng, mà mang 2 vạn quân trấn giữ trên núi với ý đồ "Trên núi đánh xuống, thế như chẻ tre". Vương Bình nhiều lần phản đối, nhưng Mã Tắc không nghe. Cuối cùng, Vương Bình đành xin Mã Tắc cho 5000 người ngựa ra đóng trại dưới chân núi.

Trương Cáp theo sự chỉ đạo của Tư Mã Ý đã mang quân vây trại của Mã Tắc trên núi, rồi cắt đứt đường nước.

Quân Thục thiếu nước, hoảng loạn. Trương Cáp dồn sức tấn công phá tan Mã Tắc. Cánh quân Mã Tắc bỏ chạy tán loạn. Nhai Đình thất thủ.

Sau thất bại của trận Nhai Đình, Gia Cát Lượng vì buộc phải cho tất cả mọi người một lời giải thích thỏa đáng, nên đành ngậm ngùi xử chém Mã Tắc. Nếu như một trong số hai người là Lưu Phong hoặc Mã Tắc được sống tiếp, nói không chừng nước Thục có thể thống nhất thiên hạ.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/2-nhan-tai-thuc-han-ma-gia-cat-luong-khong-nen-giet-la-ai-1484191.html