2 nhà máy thép đang 'chết dần' ở Đà Nẵng bị xử phạt hành chính, tạm dừng 6 tháng

Chính quyền Đà Nẵng đề nghị xử phạt 2 nhà máy và yêu cầu sớm có giải pháp dứt điểm, trên cơ sở đảm bảo quy định, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Ngày 6/11, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đà Nẵng cho biết, Sở đã có đề nghị xử lý hai nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc.

Theo kết luận thanh tra, Nhà máy thép Dana-Úc có 4 vi phạm và Dana-Ý có 3 vi phạm. Vì vậy, Sở đề nghị sẽ xử phạt với số tiền tương ứng, đồng thời tạm dừng hoạt động 6 tháng. Sau thời gian này, các nhà máy này khắc phục được những vấn đề ô nhiễm vi phạm thì có thể cho hoạt động trở lại.

Khu nhà xưởng của Nhà máy thép Dana-Ý ngừng hoạt động hơn 1 tháng.

Sở TN-MT cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố Đà Nẵng về hướng giải quyết, khắc phục những vi phạm này. Hiện, Sở đang chờ ý kiến chi đạo của lãnh đạo thành phố.

Cũng theo ông Tô Văn Hùng, ô nhiễm môi trường của 2 nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc là một trong những vấn đề được đặt ra tại tất cả các nhà máy thép trên địa bàn thành phố. Vấn đề chủ yếu là khoảng cách cách ly với khu dân cư. Theo quy chuẩn cách ly này rất khắc khe, đặc biệt là các cơ sở nguy hại phải cách khu dân cư từ 500 m đến 1.000 m.

Thời gian qua, ông Hùng nghiên cứu một số tiêu chuẩn và nhận thấy trong trường hợp doanh nghiệp che chắn thuận lợi, có biện pháp khử chất độc hại và đảm bảo thì phải báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền để giảm khoảng cách cách ly.

Bãi tập kết vật liệu Nhà máy thép Dana-Ý.

Cũng trong sáng 6/11, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đề nghị phải xử lý dứt điểm vấn đề tại hai nhà máy Dan-Ý và Dana-Úc.

“Không thể để vấn đề này kéo dài. Người dân bị ảnh hưởng cuộc sống. Doanh nghiệp thì bảo không sản xuất được phải lo cho công nhân và trả lãi cho ngân hàng. Phải hiểu nỗi niềm của doanh nghiệp, sớm có giải pháp và cũng dứt điểm trên cơ sở đảm bảo quy định, hài hòa lợi ích nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp”, ông Trung nói.

Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đề nghị, các đơn vị liên quan phải có báo cáo trước kỳ họp UBND thành phố cuối năm 2018.

Trước đó, đại diện 2 nhà máy thép khẳng định, họ hoàn toàn không có lỗi trong sự bức xúc của người dân sống cạnh Cụm công nghiệp Thanh Vinh. Căn nguyên của vụ việc là do UBND TP Đà Nẵng đã thực hiện quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh không nhất quán, không phù hợp tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp.

Nhà máy thép Dana-Úc.

Nhà máy thép Dana-Ý cũng đã có đơn “Kiến nghị và kêu cứu khẩn cấp” gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 4/10.

Nội dung đơn kiến nghị ghi rõ: “Thành phố không nhìn thấy khó khăn của doanh nghiệp hay đã nhìn thấy nhưng vẫn từ từ giải quyết để khó khăn thêm chồng chất và doanh nghiệp phải tự chết?’’.

Đại diện Nhà máy Dana-Ý và Dana-Úc nhấn mạnh, việc tìm đáp án cho câu hỏi này là giải bài toán “3 trong 1”, gồm doanh nghiệp, chính quyền và người dân.

XUÂN TIẾN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/2-nha-may-thep-dang-chet-dan-o-da-nang-bi-xu-phat-hanh-chinh-tam-dung-6-thang-d437235.html