2 năm đá V-League, đội bóng cũ của Công Vinh giỏi nói hơn là làm?

Người hâm mộ đang nhìn nhận CLB TPHCM như đội bóng giỏi... khoa trương, hình thức hơn là đội bóng có bản sắc và bản lĩnh trên sân cỏ.

Những mộng tưởng về thành công của CLB TPHCM vừa tan vỡ chỉ sau 3 tháng V-League khởi tranh.

9 vòng đấu, đội bóng của HLV Toshiya Miura thua tới 6 và đã rơi xuống khu vực nguy hiểm. Lạc quan mà nói, CLB TPHCM chỉ cách vị trí thứ 5 của Hải Phòng 4 điểm, nên mục tiêu top 5 mà HLV Miura cùng ban lãnh đạo đội bóng đề ra trước ngày khai mạc vẫn trong tầm tay. Nhưng chiếu trên phương diện điểm số, CLB TPHCM thậm chí còn gần... nhóm phải đá play-off trụ hạng hơn khi chỉ vượt SLNA với khoảng cách chưa bằng 1 trận thắng.

Hiểm nguy đã cận kề. Đến lúc này, người hâm mộ mới đặt ra câu hỏi: Tại sao được đầu tư kỹ lưỡng và rầm rộ trong hơn 1 năm, song đội bóng đại diện cho đất Sài Thành vẫn chơi bết bát và "vô bản sắc" như vậy?

CLB TPHCM vẫn đang lận đận ở V-League. (Ảnh: Hoàng Tùng)

CLB TPHCM không thiếu tiền. Trước khi rò rỉ thông tin Bình Minh Group gửi công văn đến UBND và các ban ngành tại TP.HCM yêu cầu được khai thác các biển quảng cáo như thỏa thuận ban đầu và đội bóng đứng trước nguy cơ phải giải thể vì "không đủ kinh phí hoạt động", đội chủ sân Thống Nhất đã kịp mang về những bản hợp đồng chất lượng.

Để có được chữ ký của Phi Sơn, Hải Anh, Thanh Diệp, Văn Hoàn, Ngọc Đức, Đình Luật,... CLB TPHCM phải chi ra khoản tiền không nhỏ. Thậm chí, số tiền mà CLB TPHCM chi trả cho các thương vụ chuyển nhượng vượt hơn mặt bằng chung V-League. Đó là chưa kể, đội bóng này còn sửa sang sân bóng, xây dựng phòng thay đồ chuẩn châu Âu, mở phòng truyền thống trưng bày danh hiệu, thiết lập biển quảng cáo điện tử đầu tiên,... và trên hết là mời được HLV Miura.

Mùa trước, CLB TPHCM cũng được dẫn dắt bởi một chiến lược gia ngoại là HLV Alan Fiard. Đến lúc này, chỉ còn CLB TPHCM có thầy ngoại ngồi trên băng ghế chỉ đạo sau khi HLV Marian Mihail quyết định chia tay FLC Thanh Hóa. Xét về độ "chịu chơi", CLB TPHCM không phải ngán ngại ai.

Nhưng thành công vẫn ngoảnh mặt với đội bóng đến từ thành phố mang tên Bác. Nỗ lực làm hình ảnh và lôi kéo khán giả để sân của Công Vinh mau chóng trở thành công cốc, bởi truyền thông chỉ giúp sản phẩm được công chúng biết đến nhiều hơn, song nếu sản phẩm có chất lượng... không ra gì, làm sao có thể thuyết phục người ta sử dụng và gắn bó lâu dài với nó?

HLV Miura chưa tạo được dấu ấn từ khi dẫn dắt CLB TPHCM.

Người hâm mộ đến sân Thống Nhất vì... tò mò hơn là yêu mến đội bóng. Tò mò với những chiêu trò quảng cáo hay "mầm mống" chuyên nghiệp đúng nghĩa mà đội bóng tạo nên, thay vì yêu mến bản sắc phía Nam của CLB TPHCM. Tự nhận là hậu duệ của Cảng Sài Gòn và "vơ" những danh hiệu cao quý của đội bóng này về phòng truyền thống, nhưng CLB TPHCM hiện tại thực sự không có chút liên hệ nào với các đại diện vang bóng một thời của bóng đá Sài Gòn trong quá khứ.

CLB TPHCM không đào tạo ra tên tuổi nào cho thành phố, cũng hiếm có gương mặt "gốc gác" thành phố nào trong đội hình. Dưới bàn tay của cựu Quyền Chủ tịch Công Vinh, đội bóng được "Nghệ hóa" mạnh mẽ và CLB TPHCM hiện tại giàu chất Nghệ hơn là chất Sài Gòn.

Nhìn màn thể hiện nhạt nhòa của CLB TPHCM, người xem tự hỏi rốt cục bản sắc của đội bóng này là gì, và có gì xứng đáng để đại diện cho thành phố trừ cái tên? Cần phải nhắc lại, dấu ấn của CLB TPHCM trên bản đồ bóng đá Việt Nam vẫn chỉ là... phòng thay đồ và bảng điện tử. Còn lối chơi cũng như thành tích, những gì đội bóng này làm được là con số 0.

Sau tất cả những nguồn đầu tư rầm rộ, CLB TPHCM cần mang lại hiệu ứng tích cực tức thời, chí ít cũng phải là thành tích cùng lối chơi "xem được". Nhưng không. Đội bóng của HLV Miura trình diễn lối chơi đơn điệu, nhàm chán, bị chỉ trích bởi thứ bóng đá bạo lực và mất liền 2 trụ cột vì án phạt nguội. Chiến lược gia người Nhật Bản phàn nàn vì tình trạng chấn thương liên miên của quá nửa đội hình, song "tâm bệnh" của đội bóng có liên quan mật thiết đến giáo án tập luyện luôn bị xem là quá nặng của ông.

Phi Sơn chưa thi đấu tương xứng với kỳ vọng.

Nhìn sang CLB Sài Gòn - đội bóng phải "chuyển hộ khẩu" từ Hà Nội vào và chịu không ít điều tiếng, CLB TPHCM có thấy... ghen tỵ không? Bởi đội bóng này không nhận được hậu thuẫn mạnh mẽ như CLB TPHCM, không có lực lượng dồi dào, nhưng vẫn có được 2 mùa giải cực kỳ thành công. Mùa trước, CLB Sài Gòn về đích ở vị trí thứ 5 - điều mà CLB TPHCM ở thời điểm này có mơ cũng khó.

Người hâm mộ Việt Nam xem bóng đá rất chân phương. Đành rằng cơ sở vật chất tốt là điều kiện cần để đi lên "chuẩn" hiện đại, song chỉ có bóng đá mới giúp khán giả duy trì tình yêu với đội bóng. Cổ động viên từng ưu ái CLB TPHCM, vẫn bỏ tiền mua vé đến sân Thống Nhất dù đội bóng ngập trong khó khăn. Tuy nhiên, kiên nhẫn nào cũng đến giới hạn.

Trong khi sân cỏ cả nước sục sôi mỗi dịp cuối tuần (sân Thiên Trường vẫn đón hàng nghìn cổ động viên dẫu Nam Định đang đứng bét bảng), sân Thống Nhất vẫn cứ... buồn thiu và không biết đến khi nào mới lại nêm chặt khán giả.

Có lẽ, Thống Nhất chỉ đông khi HAGL hoặc FLC Thanh Hóa, SLNA tới đây làm khách. Còn với cổ động viên CLB TPHCM, ngày đội bóng thực sự "thống nhất" hình ảnh bên ngoài với chất lượng chuyên môn bên trong vẫn còn rất xa.

Hồng Nam

Nguồn VTC: https://vtc.vn/2-nam-da-v-league-doi-bong-cu-cua-cong-vinh-gioi-noi-hon-la-lam-d402081.html