2 mấu chốt cần làm rõ trong vụ kiện Thần đồng đất Việt

'Điều quan trọng để giải quyết toàn bộ vụ án này đó là cần xem các bên thừa nhận với nhau những gì về sự đóng góp của bên còn lại', Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ nhận định.

Phiên tòa liên quan đến vụ kiện bản quyền bộ truyện Thần đồng đất Việt được mở lại vào sáng 24/1 tại TAND quận 1 (TP.HCM). Trước đó, sáng 28/12/2018, phía Phan Thị vắng mặt và có đơn xin hoãn, được Tòa chấp nhận.

Ông Lê Linh trải lòng trước phiên xử vụ bản quyền Thần đồng đất Việt Họa sĩ Lê Linh nói có tâm trạng mệt mỏi vì vụ kiện liên quan đến truyện Thần đồng đất Việt kéo dài suốt nhiều năm nay.

Hiện tại, thông tin về vụ kiện được công bố rộng rãi dựa vào bài đăng của Lê Linh trên mạng xã hội Facebook. Không ai biết sự thật của câu chuyện này như thế nào, tuy nhiên có những vấn đề cần được làm rõ để có cái nhìn tổng quan về vụ kiện kéo dài ròng rã này.

Bản chất của vụ kiện là gì?

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, Trưởng Văn phòng luật Phan Law Vietnam, cho rằng trong vụ kiện này, điều mà mọi người cần quan tâm và bàn luận là bản chất của vụ kiện này là gì.

Theo thông tin từ Lê Linh, họa sĩ này đồng khởi kiện bà Phan Thị Mỹ Hạnh và Công ty Phan Thị, đề nghị xác định ông là tác giả duy nhất của bộ truyện Thần đồng đất Việt; yêu cầu Phan Thị không sáng tác các biến thể khác dựa trên các nhân vật của bộ truyện này. Tuy nhiên, thông tin chính thức từ Tòa án thì chưa ai được tiếp cận.

Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ cho biết bản chất việc đòi quyền nhân thân trong việc đồng tác giả là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu tranh chấp về tác giả thì chỉ nên xoáy vào việc duy nhất là sáng tạo cái gì? Phần sáng tạo đó có được các bên thừa nhận với nhau hay không?

Thần đồng đất Việt có tranh vẽ hài hước, tình tiết thông minh, thuần Việt.

Thần đồng đất Việt có tranh vẽ hài hước, tình tiết thông minh, thuần Việt.

Theo Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, trong quyền tác giả có 2 chủ thể: Chủ thể thứ nhất là tác giả, còn chủ thể thứ hai là chủ sở hữu quyền tác giả. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Còn chủ sở hữu quyền tác giả là người đầu tư tài chính, vật chất và trả tiền cho tác giả để tạo ra tác phẩm.

Theo thạc sĩ Nguyễn Phương Thảo, giảng viên môn Luật Dân sự trường Đại học Luật TP.HCM, Công ty Phan Thị đã trả tiền cho họa sĩ Lê Linh để làm bộ truyện này; do vậy Công ty Phan Thị được xem là chủ sở hữu quyền tác giả.

Tuy nhiên, bản chất cụ thể của vụ kiện này như thế nào thì vẫn đang còn mập mờ. Luật sư Tuấn nhận định điều cần làm rõ là giữa họa sĩ Lê Linh và phía Phan Thị đã thừa nhận với nhau như thế nào về quyền tác giả? 2 bên có thống nhất cùng là đồng tác giả hay không?

Họa sĩ Lê Linh tại tòa sáng 28/12/2018. Ảnh: Bá Ngọc.

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 22 năm 2018 quy định một số biện pháp Luật Sở hữu trí tuệ năm 2015, đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.

"Quá trình sáng tác chỉ có những người trong cuộc mới biết thực hư ra sao. Người nào là tác giả? Người nào tham gia vào quá trình sáng tạo? Tham gia vào bao nhiêu phần trăm? Tất nhiên, việc chứng minh này không hề dễ", Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM bày tỏ.

Ông Tuấn cho rằng cần có những bằng chứng cụ thể về việc phân định quyền của nguyên đơn và bị đơn trong bộ truyện này. Hiện tại, chỉ dựa vào thông tin một chiều từ phía Lê Linh và phản bác sơ sài từ bị đơn thì khó có thể nói họa sĩ này hay Phan Thị mới là tác giả.

Kiện nội dung truyện hay nhân vật trong truyện?

Một vấn đề nữa mà luật sư Phan Vũ Tuấn cho rằng cần phải được làm rõ tại tòa, đó là họa sỹ Lê Linh kiện đòi quyền liên quan nội dung của truyện Thần đồng đất Việt hay chỉ là những nhân vật trong truyện này?

Nếu chỉ kiện nhau về truyện Thần đồng đất Việt thì theo luật sư Tuấn, chưa chắc Lê Linh hay là Phan Thị là tác giả duy nhất mà còn những người khác nữa.

Theo tư liệu được đề cập trong tập 24 với tên gọi Bài toán lộ phí (Phan Thị và NXB Trẻ ấn hành), một cuốn truyện Thần đồng đất Việt được ra mắt sẽ trải qua 9 công đoạn. Công đoạn đầu là “Soạn kịch bản” do họa sĩ Lê Linh đảm trách. Công đoạn 2: “Phác họa sơ bộ”, 74 trang truyện được vẽ sơ phác, chia khung hình từng trang, đặt lời thoại.

Thông tin về vụ kiện được họa sĩ Lê Linh công bố trên Facebook, chưa ai biết thực hư vụ kiện này thế nào.

Sang công đoạn 3 là “Giai đoạn lột tả”, Lê Linh vẽ lại kỹ càng, đậm nét những hình phác, hoàn thiện các nét nhấn, điệu bộ cho ấn tượng, trau chuốt lời thoại; sau đó, anh cùng bà Hạnh và ông Bá Hiền góp ý, sửa đổi nếu có. Các bước tiếp theo có sự tham gia của các họa sĩ, đồ họa vi tính khác.

Như vậy, nhìn vào quy trình sản xuất có thể thấy, để một tập của Thần đồng đất Việt ra đời có sự tham gia của cả một tập thể, chứ không riêng gì Lê Linh.

Còn nếu nội dung là kiện nhân vật (Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cà Mẹo), Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ cho rằng cũng cần làm rõ ai là người vẽ ra nó? Ai tính toán tỷ lệ nhân vật?,...Tất cả đều nằm ở quá trình sáng tạo.

"Nếu không thể chứng minh việc tham gia của bà Hạnh vào quá trình sáng tạo thì khó có thể chứng minh bà Hạnh là đồng tác giả. Điều quan trọng để giải quyết toàn bộ vụ án này đó là cần xem các bên thừa nhận với nhau những gì về sự đóng góp của bên còn lại", luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Đồ họa: Như Ý.

Hoài Thanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/2-mau-chot-can-lam-ro-trong-vu-kien-than-dong-dat-viet-post910743.html