2 kịch bản về đường đi của siêu bão Mangkhut

Dù là kịch bản nào, phạm vi ảnh hưởng của bão cũng rất rộng và gây mưa lớn, gió rất mạnh, và đặt biệt là nước biển dâng cao.

Hồi 01 giờ ngày 14-9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 127,7 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Phi-líp-pin) khoảng 680km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 01 giờ ngày 15-9, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 123,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông đảo Lu-Dông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17.

Dự báo đường đi của bão Mangkhut

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 01 giờ ngày 16-9, vị trí tâm bão ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 117,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 740km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật cấp 17. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3-4.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 01 giờ ngày 17-9, vị trí tâm bão ở khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo bão Mangkhut sẽ suy yếu dần khi đi vào đảo Hải Nam nhưng vẫn có cường độ rất mạnh. Khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ trong khoảng ngày 16,17-9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17, 18-9. Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 17 đến 19-9.

Tại buổi họp báo chiều tối ngày 13-9, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) cho biết: Có 2 kịch bản về đường đi của bão. Một kịch bản là đi về phía bắc của vịnh Bắc Bộ với xác suất khoảng 60%. Kịch bản còn lại là đi vào giữa vịnh Bắc bộ xác suất 40%. Dù là kịch bản nào, phạm vi ảnh hưởng của bão cũng rất rộng và gây mưa lớn, gió rất mạnh, và đặt biệt là nước biển dâng cao.

Các tính toán cho thấy, thời điểm bão vào cũng là lúc thủy triều cao nhất, kết hợp với sóng biển có khả năng dâng cao 4 - 6 m. Đây là mối đe dọa lớn cho các truyến đê biển mà các địa phương từ Móng Cái đến Nghệ An cần hết sức lưu ý. Các vùng đảo, đặc biệt là các khu du lịch cần có cảnh báo sớm để lên phương án phòng chống, di dời càng sớm càng tốt.

Riêng thủ đô Hà Nội có thể có gió mạnh xấp xỉ cấp 8. Người dân cùng các cấp chính quyền cần lưu ý gió giật mạnh, có thể cần tính đến biện pháp cấm cầu tại các cầu Nhật Tân, Vĩnh Tuy... để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại.

HP

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2-kich-ban-ve-duong-di-cua-sieu-bao-mangkhut-122198.html